Để làm ăn với Mỹ thời Trump: Hãy học theo cách của Nhật

Cuối năm ngoái, khi cả thế giới đều lo ngại về chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống của Donald Trump và viễn cảnh gia tăng chủ nghĩa bảo hộ thương mại ở Mỹ, thì chỉ có duy nhất một quốc gia ngoại lệ: đó là Nhật Bản. Đề xuất về một thỏa thuận thương mại tự do song phương Mỹ-Nhật cũng là đề nghị thương mại đầu tiên mà chính quyền mới của Mỹ nhận được.

Họ bắt tay nhau đến tận 19 giây

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có lẽ là vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên tới Mỹ vào tháng 2.2017 sau khi tân tổng thống Donald Trump chính thức nhậm chức vào ngày 20.1 trước đó, và mục tiêu chính được nhắm đến: một cuộc thảo luận với phó tổng thống Mike Pence về các vấn đề kinh tế - thương mại giữa hai nước. Thậm chí, đã có những đề xuất về một thỏa thuận thương mại tự do song phương Mỹ - Nhật, và đây có thể xem như thỏa thuận thương mại song phương đầu tiên mà chính quyền mới của Mỹ nhận được

Trước thời điểm đó, Nhật Bản cũng được xem là nằm trong danh sách các nước mà Donald Trump coi là thao túng tỷ giá và dựng lên những rào cản thương mại (đặc biệt là trong lĩnh vực nhập khẩu xe hơi) để duy trì thặng dư thương mại lớn với Mỹ. Với chính phủ Nhật Bản và thủ tướng Abe, những chỉ trích này có thể làm xấu đi mối quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật vốn rất quan trọng không chỉ trong khía cạnh kinh tế mà còn về an ninh trước các mối đe dọa từ bán đảo Triều Tiên. Akira Amari, cựu bộ trưởng kinh tế và là người chịu trách nhiệm đàm phán TPP của Nhật Bản, cho biết: “Nhật Bản muốn là người khởi động cho các cuộc đối thoại với chính quyền mới của Mỹ, kể cả khi có những mâu thuẫn về kinh tế và thương mại giữa hai nước thì vẫn có thể kiềm chế để duy trì quan hệ Nhật-Mỹ nếu như những nhà lãnh đạo của cả hai nước có thái độ tích cực”.

Chiến lược này đã tỏ ra hữu dụng: phó tổng thống Pence sẽ đến Nhật vào ngày 18.4 để thảo luận với phó thủ tướng Taro Aso như một phần của một cuộc đối thoại song phương mới giữa hai nước, từ các vấn đề tiền tệ và thương mại cho đến đầu tư cơ sở hạ tầng. Đây được xem là kết quả của việc thủ tướng Abe đã thiết lập được mối quan hệ tốt với tổng thống Trump trong một nỗ lực tránh xung đột với Mỹ có thể làm ảnh hưởng đến nền kinh tế lớn thứ 2 châu Á.

Một trong những rào cản được đánh giá là chủ yếu trong cuộc đối thoại song phương Mỹ - Nhật lần này, là tỷ giá đồng yen và thặng dư thương mại khá lớn của Nhật Bản với Mỹ. Đồng yen đã giảm giá khoảng 23% kể từ khi thủ tướng Abe nhậm chức và bị xem là có ảnh hưởng lớn tới mức thặng dư thương mại lên tới 63 tỉ USD của Nhật với Mỹ, nhất là khi Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Nhật Bản. Theo đánh giá, ông Abe sẽ cố gắng để ngăn ông Trump đưa ra những bình luận về việc đồng yen sụt giá như một cách để tăng tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Nhật Bản. Ngoài ra, ông Abe cũng được cho là muốn khôi phục một số quy định của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong thỏa thuận thương mại tự do song phương mới giữa hai nước. Trong khi đó, quan điểm chính của phía Mỹ là muốn giảm mức thâm hụt thương mại lớn hiện nay, và Nhật Bản tỏ ra sẵn sàng nhượng bộ bằng cách điều chỉnh các quy tắc trong bản thỏa thuận thương mại mới.

Ở thời điểm hiện tại, chuyến thăm Nhật Bản của phó tổng thống Mike Pence có thể xem như cuộc thảo luận song phương cấp cao đầu tiên về một thỏa thuận thương mại mới với một quốc gia khác dưới thời tổng thống Donald Trump, và đồng nghĩa với viễn cảnh thỏa thuận thương mại tự do song phương Mỹ - Nhật nhiều khả năng sẽ là hiệp định thương mại lớn quan trọng đầu tiên của chính quyền mới ở Washington. Khả năng này được đánh giá là rất lớn, khi phó tổng thống Mike Pence không xa lạ gì chuyện làm việc với các tập đoàn Nhật Bản khi còn giữ chức thống đốc bang Indiana.

Cựu bộ trưởng kinh tế Akira Amari cho biết: “ông ấy đã làm việc với rất nhiều các tập đoàn Nhật Bản khi còn là thống đốc Indiana, và giờ đây với cương vị phó tổng thống thì công việc quen thuộc ấy chỉ nhân lên khoảng 50 lần thôi. Chẳng có gì khó khăn cả”. Quan hệ tốt đẹp giữa ông Mike Pence và các công ty Nhật Bản trong quá khứ là điều không phải bàn cãi, khi theo thống kê của Tổ chức Phát triển Kinh tế tiểu bang Indiana, thì đây là tiểu bang có số vốn đầu tư của Nhật Bản trên đầu người cao nhất trong số các bang ở nước Mỹ, trong đó có nhiều công ty có lượng nhân công lên tới hơn 50.000 người.

Ngoài phó tổng thống Mike Pence, chính phủ Nhật Bản cũng hướng tới việc tạo ra mối quan hệ tốt đẹp với cả tổng thống Donald Trump, và nhiệm vụ này được giao cho thủ tướng Shinzo Abe. Theo ông Masahiko Shibayama, một nghị sĩ và là cố vấn của ông Abe, thì thủ tướng Nhật Bản đã tính tới phương pháp sử dụng cách tiếp cận với tân tổng thống Mỹ từ rất sớm, bao gồm việc đến thăm ông Trump tại tòa tháp nổi tiếng của vị tỷ phú này ngay sau khi có kết quả bầu cử tổng thống vào tháng 11. Đó là một cách hiệu quả để thể hiện sự tôn trọng và nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ giữa hai vị nguyên thủ. Bản thân ông Shinzo Abe cho biết ông chia sẻ cảm giác của ông Trump về những mâu thuẫn với tờ báo New York Times khi chính ông cũng có những trải nghiệm tương tự với tờ báo nổi tiếng Asahi Shimbun ở Nhật.

Theo đánh giá, chính phủ Nhật Bản đang chuẩn bị cho một số nhượng bộ đáng kể trong cuộc thảo luận với phó tổng thống Mike Pence để tạo quan hệ tốt giữa hai bên, chẳng hạn như đề xuất tăng nhập khẩu khí tự nhiên từ Mỹ và tăng mức đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng ở Mỹ như các dự án tàu cao tốc cũng như các thỏa thuận về năng lượng. Matthew Goodman, cố vấn kinh tế cao cấp khu vực châu Á tại trung tâm nghiên cứu chiến lược ở Washington, bình luận: “Nhật Bản hiểu rõ rằng chính quyền mới của Mỹ đang muốn những thắng lợi trong ngắn hạn, và họ có thể cung cấp điều đó để duy trì lợi ích về lâu dài”.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/de-duy-tri-quan-he-thuong-mai-voi-my-thoi-donald-trump-hay-hoc-theo-cach-cua-nhat-ban-60659.html