Để Luật Đất đai sớm đi vào đời sống

Thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024 của Chính phủ, hiện các cấp, các ngành đang tập trung xây dựng các văn bản hướng dẫn và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn phổ biến để Luật Đất đai sớm đi vào đời sống.

Luật Đất đai thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản minh bạch, lành mạnh

Luật có tác động lớn về mọi mặt

Trải qua 9 lần sửa đổi, Luật Đất đai năm 2024 đã được Quốc hội thông qua ngày 18/1/2024 tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, với nhiều nội dung mới mang tính đột phá, quan trọng và có hiệu lực từ 1/7/2024. Luật Đất đai gồm 16 chương và 260 điều với nhiều điểm mới quan trọng, đã thể chế hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất.

Luật Đất đai năm 2024 cũng đã giải quyết nhiều vấn đề vướng mắc, tồn tại từ thực tiễn công tác quản lý, sử dụng đất; tháo gỡ “điểm nghẽn”; đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản minh bạch, lành mạnh; qua đó để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) - Nguyễn Văn Toàn, Luật Đất đai lần này có nhiều điểm mới quan trọng như bỏ khung giá đất, ban hành bảng giá đất mới từ 1/1/2026; đất cấp sai thẩm quyền sau 2014 sẽ được cấp Giất chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ); Đất không có giấy tờ trước ngày 1/7/2014 được cấp sổ đỏ. Bên cạnh đó, Luật quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội; bổ sung nhiều trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất; đa dạng các hình thức bồi thường cho người dân bị thu hồi đất; chuẩn bị được thu hồi đất khi đã bàn giao nhà ở tái định cư; bổ sung thêm khoản hỗ trợ cho người dân bị thu hồi đất.

Mặt khác, tiền thuê đất hằng năm được áp dụng ổn định cho chu kỳ 5 năm; đang thuê đất trả tiền 1 lần có thể chuyển sang trả hằng năm; cho phép người không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, doanh nghiệp được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa; được thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất ở để làm nhà ở thương mại; tăng hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp...

Luật Đất đai năm 2024 tăng hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp

Tăng cường công tác tuyên truyền

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, để Luật Đất đai sớm đi vào cuộc sống, tỉnh đã ban hành Kế hoạch về triển khai thi hành Luật Đất đai trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đề ra 3 nội dung thực hiện, gồm: xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai; tổ chức tuyên truyền, phổ biến và tập huấn thi hành Luật Đất đai; tổ chức rà soát văn bản quy phạm pháp luật về đất đai. Đây là những nhiệm vụ quan trọng trong quá trình triển khai thi hành Luật Đất đai.

“Luật Đất đai năm 2024 có 18 nội dung giao UBND cấp tỉnh quy định chi tiết và 1 nội dung thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND cấp tỉnh. Điều này đòi hỏi sự tham gia chủ động, tích cực của Sở TN&MT, Sở Xây dựng, các cơ quan liên quan, cũng như Sở Tư pháp trong quá trình xây dựng, góp ý, thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật của UBND tỉnh, HĐND tỉnh liên quan đến lĩnh vực pháp luật đất đai nhằm góp phần để đưa Luật Đất đai vào cuộc sống” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh.

Để có thể triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024 trên địa bàn tỉnh có hiệu quả, chất lượng, tại hội nghị phổ biến Luật Đất đai mới đây, ông Nguyễn Thanh Bình đề nghị Sở Tư pháp - Cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai đến với Nhân dân bằng các hình thức phù hợp. Sở TN&MT là cơ quan tham mưu quản lý Nhà nước pháp luật về đất đai ở địa phương chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan trong thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024 trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai đến với Nhân dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; các cơ quan chuyên môn và quản lý Nhà nước về đất đai tổ chức các Hội nghị tập huấn chuyên sâu pháp luật về đất đai cho cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ làm công tác địa chính tại cơ sở, góp phần nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ về đất đai.

Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Văn Hưng cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục quan tâm phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong triển khai thi hành Luật Đất đai. Qua đó, góp phần nâng cao hiểu biết, nhận thức về Luật Đất đai năm 2024 và trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong việc thi hành Luật Đất đai; tổ chức thi hành có hiệu quả Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai. Đồng thời, nâng cao chất lượng góp ý, thẩm định đối với các văn bản của cấp Trung ương và địa phương quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành theo đúng tinh thần và yêu cầu của Luật Đất đai năm 2024; đảm bảo hiểu đúng, áp dụng đúng, hợp lý quy định của Luật Đất đai năm 2024 trong thực tiễn.

Bài, ảnh: THÁI SƠN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/de-luat-dat-dai-som-di-vao-doi-song-140787.html