Để môi xinh luôn đẹp

Đáng buồn không khi mình bỏ ra ba mươi phút lượn quanh một số trang web dành cho teen, nghe thiên hạ bình luận người này người nọ kèm theo những từ ngữ rất bẩn, rất đen?

Ngày nay không khó để nhận ra rằng số teen chửi tục và nói bậy không phải là hiếm hoi. Đáng lo không, khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường mà teen không ngừng rủa xả nhau bằng những lời thóa mạ tục tĩu mỗi khi tranh cãi bùng lên không kiểm soát? Đáng xấu hổ không khi mấy anh chàng sắp trở thành cử nhân ngồi trong quán nước vẫn thoải mái dùng loại từ không có trong từ điển với một vẻ mặt thản nhiên? Và bạn có thấy đáng sợ không khi một cô gái xinh như hoa nhưng sẵn sàng buôn ra những lời miệt thị đầy cay nghiệt khi ai đó lỡ va trúng xe mình? Ngày càng nhiều những người trẻ nói bậy nhưng mấy người hiểu được hết những tai hại nó gây ra đối với người nghe lẫn chính bản thân người nói. Vậy tại sao người trẻ lại nói bậy? Chửi bậy chỉ vì bức xúc không kiềm chế Một điều khá rõ ràng là khi nóng giận không kiềm chế, người ta thường buông ra những lời cay nghiệt một cách dễ dàng. H. Nam (ĐH CNTT) trong một lần nóng giận đã buột miệng chửi nặng một người bạn mình. “Sau lần đó, nó không chơi với tớ nữa, đã xin lỗi rồi, nhưng vẫn thật khó để lại như xưa!”, Nam tâm sự. Cũng giống như việc bạn đóng một cây đinh lên gỗ, khi lấy ra vẫn còn những lỗ đinh. Vì thế, có bao nhiêu lời xin lỗi cũng không thể làm gần hơn khoảng cách đã gây ra đâu teen ạ. Nói tục chỉ để thấy mình sành đời M. Tài (lớp 12 trường M) đã thú nhận như thế. “Tớ ngồi nói chuyện chung với cả đám con trai, nếu như không đệm vài từ bây bạ hay kể nhựng câu chuyện tiếu lâm mặn thì không còn là con trai nữa.”. Để trở thành một cậu con trai trưởng thành hay sành điệu thì phải cần dựa dẫm vào những câu chửi thề? Nói bậy chỉ vì nghe nhiều và bắt chước theo rồi thành quen miệng? “Hồi xưa tớ không chửi bậy, nhưng chơi cùng một nhóm chửi bậy, riết thành quen!”- H. Ân ( lớp 11 trường L. Q.Đ) đã nói thế khi hỏi tại như bạn chửi tục. Khi không thể bắt những người nói bậy ngừng nói những điều đó, thì tốt nhất hãy giữ cho mình ngay thẳng và đàng hoàng dẫu mình có “gần bùn” hay “gần mực”, bạn hiểu không? Không chỉ con trai, mà các bạn nữ cũng không hề thua kém trong việc này. Họ thốt lên những lời tục tĩu từ những bờ môi xinh như hoa mà không hề để ý xem xung quanh nhận xét thế nào. “Lần nọ, tớ vào một quán ăn, thấy một nhóm teengirl xinh xắn đang cười đùa. Bất ngờ, có một đứa nhỏ vô tình lúc chìa vé số mời đã làm đổ cốc nước ngọt vô váy của một nàng. Và thật sửng sốt, giữa quán ăn, trong lúc đứa bé hoảng hồn xin lỗi, cô ấy không ngừng thốt ra những lời thóa mạ, lôi cả mẹ cả cha người ta ra để rủa xả. Thật kinh khủng với những cô nàng như thế, ai mà dám dây vào!”- M. Minh (trường T. V.K) kể lại. Mình đã đọc được ở đâu đó, ngày xưa, trong chiến tranh người ta còn có hẳn một đạo quân gọi là mạ thủ. Đó là những người làm nhiệm vụ chửi rủa thóa mạ đối phương, nhằm tăng khí thế phe mình, làm nhụt chí khí chiến đấu của địch, đôi khi lại lãnh luôn nhiệm vụ đi khích chiến để bắt đầu chiến tranh. Vì sao phải làm thế? Vì đó là thời đại con người còn nằm trong u mê tăm tối, là vì thành hay bại đôi khi mập mờ dựa vào những người mạnh mồm lớn tiếng, là vì ta vẫn chưa chạm được vào ánh sáng văn minh, và vì chửi rủa chỉ để bắt đầu hay dẫn tới những điều tệ hại ví như là chiến tranh hay tranh chấp thù hằn. Vậy thì, mình đang ở thế kỷ 21, nói tục, chửi thề là một việc thật đáng xấu hổ. Nó làm vấy bẩn kho từ ngữ sạch sẽ và lấm lem tâm hồn lẫn nhân cách của teen. Vậy thì, tự dặn lòng mình, là bạn có sẽ giữ gìn bản thân mình trong sạch từ suy nghĩ đến lời nói, được không? Đặng Thị Hạnh Dung

Nguồn Mực Tím: http://muctim.com.vn/vietnam/the-gioi-tuoi-moi-lon/lam-bao-cung-mto/2009/10-16/33141/