ĐỂ 'MỘT CỬA' THỰC SỰ THÔNG SUỐT

Dự thảo Nghị định về Cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) được đánh giá có nhiều điểm mới và tiến bộ. Theo đó, dự thảo nghị định đề cao nguyên tắc công khai, minh bạch; bảo đảm sự tham gia của người dân vào giám sát, đánh giá thực hiện cải cách hành chính (CCHC) theo chế độ một cửa; áp dụng hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) trong vận hành văn phòng một cửa điện tử, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công...

Tuy vậy, để cơ chế thực sự phát huy hiệu quả, các cơ quan chức năng vẫn tiếp tục tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, với tinh thần nghiêm túc, thẳng thắn, cầu thị.

CCHC và thực hiện thủ tục CCHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông được Chính phủ xác định là nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình CCHC Nhà nước giai đoạn 2011-2020. Đây là giải pháp quan trọng trong đổi mới phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, kiểm soát chặt chẽ việc giải quyết, tăng cường tính công khai, minh bạch và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức.

Ảnh minh họa. Nguồn: baochinhphu.vn.

Tuy nhiên, cơ chế “một cửa” thời gian qua vẫn còn nhiều “khóa” cùng không ít tồn tại, bất cập, thiếu thống nhất trong triển khai thực hiện, làm giảm hiệu quả của cơ chế này. Chất lượng giải quyết TTHC ở nhiều địa phương còn thấp; còn tình trạng quá hạn trong giải quyết hồ sơ TTHC; người dân và doanh nghiệp vẫn phải đi lại nhiều lần, đến nhiều cơ quan để thực hiện một TTHC, hoặc muốn nhanh thì phải “lót tay”; việc ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC hiệu quả còn thấp...

Trước “vấn nạn” TTHC rườm rà, chồng chéo, gây phiền hà, cản trở, tốn kém cho người dân và doanh nghiệp, thì việc Chính phủ ban hành một nghị định quy định về cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC là hết sức cần thiết, góp phần cải thiện, thay đổi mạnh mẽ hơn các quan hệ hành chính giữa hệ thống cơ quan nhà nước với người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Đi liền với đó là các chế định pháp luật để kiểm soát quá trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả của việc giải quyết TTHC tại các cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương; gắn cải cách TTHC với xây dựng Chính phủ điện tử.

Có nhiều công việc cần làm, cần giải quyết rốt ráo, đồng bộ để nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Tuy nhiên, việc đề cao vai trò tham gia của người dân, doanh nghiệp vào quá trình quản lý, giám sát, “chấm điểm” chất lượng dịch vụ công là hết sức quan trọng. Thực tế ở một số địa phương, khi người dân chấm điểm càng cao về mức độ hài lòng, thì tỷ lệ hồ sơ được giải quyết đúng hẹn càng tăng, giảm số ngày hoàn thành TTHC và các khoản “tiêu cực phí”. Cùng với công khai minh bạch các TTHC thì vai trò giám sát, phản hồi của người dân góp phần làm thay đổi mạnh mẽ suy nghĩ và ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết TTHC.

Một yếu tố tiên quyết, quyết định sự thành-bại, thông suốt của cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong cải cách TTHC là quyết tâm chính trị của người đứng đầu địa phương, đơn vị. Nơi nào người đứng đầu bộ máy quan tâm thì cải cách TTHC đạt nhiều kết quả tích cực, được người dân, doanh nghiệp đánh giá cao. Việc cải cách TTHC cũng không thể tách rời vai trò của người đứng đầu trong việc kiện toàn, sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gắn với chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao tính chủ động trong điều hành, quản lý, đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ nhân dân.

ANH QUÂN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/de-mot-cua-thuc-su-thong-suot-517823