Để Nậm Giôn thoát đói nghèo

Đó là câu hỏi day dứt, nỗi trăn trở suốt nhiều năm qua của cấp ủy đảng, chính quyền xã Nậm Giôn, huyện Mường La. Nậm Giôn là xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) nhất trong số xã ĐBKK ở tỉnh Sơn La, với tỷ lệ đói nghèo lên đến 76,5%. Tỉnh Sơn La và huyện Mường La đang dồn lực giúp Nậm Giôn thoát đói giảm nghèo, nhưng xem ra thực hiện mục tiêu ấy cần đổi mới cách nghĩ, cách làm...

Từ đập thủy điện Sơn La, xuống bến đò bãi đá bản Pềnh, chúng tôi theo đoàn công tác của huyện Mường La ngược hồ sông Đà về phía thượng nguồn, đi thuyền máy mất 1,5 giờ đồng hồ mới đến được trung tâm xã Mường Giôn.

Mùa này nước hồ trong xanh, bản làng ven hồ in bóng xuống dòng nước lung linh khiến cho ai cũng xao xuyến trước vẻ đẹp sơn thủy hữu tình. Nhưng đằng sau vẻ đẹp bề ngoài ấy, cuộc sống của đồng bào các dân tộc nơi đây đang đối mặt với muôn vàn khó khăn. Ngồi trên thuyền máy, câu chuyện của đồng chí Lò Anh Ngọc, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Mường La khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Vùng đất khó khăn này chỉ có cư dân bản địa, dân tộc thiểu số sinh sống từ nhiều đời nay, gồm ba dân tộc Kháng, La Ha, Mông. Địa hình ở đây núi cao, dốc đứng, không có lấy một chỗ nào bằng phẳng. Bà con canh tác theo lối trọc lỗ bỏ hạt, bằng dao cuốc, tự sản tự tiêu nên cuộc sống dường như tách biệt với thế giới bên ngoài. Từ khi xây dựng thủy điện Sơn La, một nửa số hộ dân sinh sống bên khe suối Nậm Giôn, bãi nhỏ ven sông Đà trước kia nay đều đã bị ngập nước, phải di chuyển lên cao. Mặc dù đã được Đảng và Nhà nước đầu tư xây dựng các điểm tái định cư, nhà cửa có phần khang trang hơn, nhưng vấn đề sản xuất, ổn định cuộc sống lâu dài thì vẫn còn khó khăn. Chúng tôi đặt vấn đề: Các chương trình, dự án đầu tư lớn như thế, lẽ ra bà con phải có cuộc sống tốt hơn mới phải, thì được giải thích rằng, đất sản xuất ở đây không thiếu, nhưng đất tốt, đất làm ruộng đều ngập hết. Bây giờ chỉ toàn đất dốc, đất nương bạc màu, cây sắn không ra củ, cây ngô không ra bắp. Chỗ nào làm được sản phẩm thì không có đường vận chuyển, không biết bán cho ai, mà nếu có bán được thì bán giá cũng như cho, kiếm được đồng tiền phải thấm đẫm mồ hôi, công sức. Bà con ở đây vào mùa giáp hạt từ tháng 2 đến tháng 4 hằng năm đều thiếu đói, phải ăn sắn thay cơm. Hàng trăm hộ phải cứu đói, xin cứu trợ gạo từ trung ương. Theo số liệu thống kê thì Nậm Giôn là xã thường xuyên có tên trong danh sách phải cứu đói ở Sơn La.

Nói về ổn định đời sống sản xuất cho người dân, đồng chí Quàng Thị Viển, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Giôn, một phụ nữ dân tộc La Ha hiếm hoi, mới tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp, cho biết: Xã Nậm Giôn có diện tích tự nhiên rộng lớn thứ hai ở huyện Mường La, với 12.061 ha, dân số gần 3.000 nhân khẩu, 621 hộ dân, sinh sống ở 17 bản, trong đó 8 bản Mông, 6 bản Kháng, 3 bản La Ha. Một phần do trình độ dân trí thấp, nhận thức hạn chế, tập quán sản xuất lạc hậu, phần do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, khiến cho Nậm Giôn chưa thể thoát đói nghèo. Bà con ở đây chủ yếu trồng ngô, lúa nương và chăn nuôi nhỏ. Nếu vùng thấp 1 kg ngô giống DK888 cho thu hoạch một tấn thì ở đây chỉ được 300 kg, một ha đất nương vụ đầu thu được hai-ba tấn ngô, thì vụ thứ hai, thứ ba chỉ còn một nửa, do vậy bà con lại phát rừng để luân canh, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho diện tích rừng bị thu hẹp, đồi núi ven hồ bị cạo trọc nham nhở. Chuyện làm ăn còn thua thiệt ở chỗ, giá ngô chuyển từ trên đỉnh núi xuống bờ hồ bán được 2.400 đồng/kg, chỉ bằng một nửa giá so với nơi thuận đường giao thông. Thu nhập của người dân 200-300 nghìn đồng/người/tháng. Thế nên bản Pá Bát của dân tộc La Ha có 52 hộ, 230 nhân khẩu thì mới có 4 hộ thoát nghèo, 10 hộ cận nghèo, còn lại là đói nghèo. Bản Huổi Lẹ của dân tộc Kháng có 55 hộ, 278 nhân khẩu, hầu hết số hộ thuộc diện đói nghèo. Công cuộc mưu sinh ở đây gian nan vất vả, miếng cơm, manh áo của người dân phải đánh đổi nhọc nhằn.

Nói về giao thông, xã Nậm Giôn đã được Chương trình 135 giai đoạn II và dự án hỗ trợ các xã ĐBKK của tỉnh Sơn La đầu tư rất lớn, nhưng đường làm xong mưa lũ sạt lở, sau vài năm xuống cấp, có đường nhưng không đi được, hàng tỷ đồng của Nhà nước lại "trượt" theo dốc núi. Đường từ huyện Mường La về đến trung tâm xã Nậm Giôn đi đường sông khoảng 25 km, nếu đi ô-tô phải vòng qua ba xã khác, dài thêm 78 km. Đường từ xã về bản chỉ có thể đi xe máy, tính bằng giờ đồng hồ. Thí dụ: Về Huổi Ngàn hai giờ, về Huổi Pươi 2,5 giờ, về Nậm Cừm bốn giờ đồng hồ. Nếu mùa mưa thì tốt nhất là nên đi bộ. Chính vì xa xôi cách trở như vậy, việc học hành của các cháu cũng là một câu chuyện thương tâm và xót xa. Thầy giáo Trần Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường THCS Nậm Giôn, cho biết: Địa bàn rộng, đi lại khó khăn nên học sinh ở đây chủ yếu phải ở bán trú. Khối THCS có 206 cháu thì 176 cháu phải ở bán trú, khối tiểu học có 269 cháu thì 216 cháu ở bán trú, hằng tuần phải mang theo gạo, muối để đi học, rất thương nhưng không biết làm thế nào!

Chúng tôi đã đi nhiều nơi, đến nhiều vùng ĐBKK của tỉnh Sơn La, nhưng câu chuyện nghèo khó như ở Nậm Giôn thì hiếm gặp, cứ ám ảnh, day dứt trong lòng. Trong buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La tại xã Nậm Giôn đầu tháng 10 vừa qua, chúng tôi tường tận nghe tâm tư nguyện vọng của bà con Nậm Giôn. Bà con bảo: Không lẽ bỏ đất này mà đi, đây là đất của ông cha mình, phải gìn giữ, làm cho cuộc sống ấm no. Muốn thực hiện được điều ấy, ngoài nỗ lực của người dân, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ từ huyện, tỉnh và trung ương. Nhưng cách làm cũ, kiểu đầu tư cũ làm mãi rồi, không hiệu quả, nay cần có cách làm mới, suy nghĩ mới.

Trong câu chuyện làm gì để thoát nghèo ở đây, xuất hiện những ý tưởng mới, cách làm ăn bền vững, hiệu quả. Ông Quàng Văn Thắng, dân tộc La Ha ở bản Huổi Lẹ, là người đầu tiên làm đơn xin UBND xã chuyển đổi 20 ha đất nông nghiệp bạc màu sang thành đất lâm nghiệp để khoanh nuôi bảo vệ rừng, gắn với chăn nuôi gia súc. Năm 2012, ông Thắng được chi trả thanh toán tiền bảo vệ tài nguyên rừng 15 triệu đồng. Bốn năm qua, số tiền xã Nậm Giôn được thanh toán lên đến 3,1 tỷ đồng, cho 102 chủ rừng là cộng đồng bản, nhóm hộ và 32 chủ hộ, với diện tích là 6.735 ha rừng khoang nuôi bảo vệ.

Toàn bộ diện tích tự nhiên của xã Nậm Giôn đều là vùng đầu nguồn, rừng phòng hộ cho sông Đà. Nếu không có phương án trồng rừng, khoanh nuôi bảo vệ thì môi trường khu vực này cũng như toàn bộ lưu vực lòng hồ thủy điện Sơn La sẽ cạn kiệt nguồn nước, biến động môi trường khó lường hết hậu quả. Bài toán để Nậm Giôn thoát nghèo có lẽ không đâu xa mà chính từ việc khoanh nuôi, bảo vệ rừng gắn với chăn nuôi. Chỉ cần số tiền thu từ phát điện trong vài ngày của thủy điện Sơn La dành cho công tác bảo vệ rừng, thì người dân sẽ sống được từ rừng, chẳng bao lâu rừng Sơn La sẽ xanh trở lại.

Bức tranh một xã nông thôn miền núi như Nậm Giôn hiện ra với muôn vàn khó khăn, trong mảng tối vẫn còn khe sáng, đang hé mở cách làm ăn mới, giúp cho người dân sống dựa vào rừng. Điều này rất cần những cơ chế, chính sách từ trung ương được tổng kết đánh giá, nghiên cứu một cách kỹ lưỡng.

Bài và ảnh: ĐỨC TUẤN

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/kinhte/tin-tuc/item/21508902-.html