Để ngăn chặn bạo lực học đường

Bình quân mỗi năm học, cả nước xảy ra hơn 1.500 vụ bạo lực học đường trong và ngoài nhà trường; cứ 5.200 học sinh lại có 1 học sinh đánh nhau.

Luật sư Nguyễn Như Tuấn (Đoàn Luật sư Đồng Nai) nói chuyện chuyên đề pháp luật về bạo lực gia đình và bạo lực học đường cho học sinh Trường THCS Tân Thành (xã Bàu Cạn, H.Long Thành). Ảnh: Đ.PHÚ

Luật sư Nguyễn Như Tuấn (Đoàn Luật sư Đồng Nai) nói chuyện chuyên đề pháp luật về bạo lực gia đình và bạo lực học đường cho học sinh Trường THCS Tân Thành (xã Bàu Cạn, H.Long Thành). Ảnh: Đ.PHÚ

Chỉ tính từ ngày 1-9-2021 đến 5-11-2023, cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường, liên quan hơn 2.016 học sinh, trong đó có 854 học sinh nữ, bình quân cứ 50 cơ sở giáo dục xảy ra 1 vụ bạo lực học đường.

Đó là thông tin được đại biểu Quốc hội và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đưa ra tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Theo nhiều đại biểu thì đây là thực trạng rất đáng báo động, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các đoàn thể, trong đó có Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ và là trách nhiệm của toàn xã hội, mỗi gia đình để góp phần chấm dứt bạo lực học đường.

Theo Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, có nhiều nguyên nhân gây ra bạo lực học đường, cả về phía nhà trường, học sinh, gia đình và xã hội. Trong đó, nhà trường có trách nhiệm phát hiện, xử lý những tình huống bạo lực, song thực tế nhiều vụ phát hiện chưa kịp thời; xử lý vụ việc còn lúng túng, thiếu kỹ năng.

Về phía học sinh, rõ ràng sau thời gian dịch bệnh kéo dài, học sinh học online lâu, dẫn đến có vấn đề về tâm lý. Tâm sinh lý của tuổi đang trưởng thành cũng là yếu tố góp phần gây ra tình trạng bạo lực học đường gia tăng.

Một nguyên nhân khác, theo Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn là từ phía gia đình. Thống kê của TAND tối cao về việc hàng năm có 220 ngàn vụ ly hôn, trong đó 70-80% có liên quan bạo lực gia đình. Học sinh trong các gia đình này có thể vừa chứng kiến bạo lực gia đình, vừa bị bạo lực, vì thế dễ là môi trường để xảy ra bạo lực.

Xử lý, ngăn chặn bạo lực học đường đòi hỏi trách nhiệm từ nhiều phía. Trong đó, có thể thấy nỗ lực của ngành GD-ĐT thời gian qua trong việc triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn bạo lực học đường như: tích cực tổ chức tập huấn kỹ năng sống cho học sinh và cả giáo viên khi có vấn đề nguy cơ phát sinh bạo lực với chính mình…; bố trí vị trí chuyên trách tư vấn tâm lý học đường vào trong các cơ sở giáo dục; tăng cường triển các hoạt động vui chơi, giải trí tích cực, góp phần hạn chế, giảm khả năng phát sinh các vấn đề bạo lực, tiêu cực… Đồng thời, đẩy mạnh sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc bảo vệ con em khỏi bạo lực học đường.

Tuy nhiên, muốn học sinh không xảy ra bạo lực học đường thì mỗi thầy cô trước hết phải là những tấm gương sáng để học sinh nhìn vào để noi gương, học tập. Việc có những vụ việc giáo viên đánh, chửi nhau ngay trong trường học hay dùng vũ lực với học trò của mình đã để lại những ấn tượng rất xấu, bị xã hội lên án mạnh mẽ. Bạo lực học đường sẽ được hạn chế khi cả thầy và trò được dạy và học trong môi trường lành mạnh, đảm bảo an toàn với nhiều hoạt động tích cực, ý nghĩa, thực sự mỗi ngày đến trường là mỗi ngày vui.

Minh Ngọc

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202311/de-ngan-chan-bao-luc-hoc-duong-abc6773/