Để ngày hội văn hóa thành sự kiện du lịch?

Ý tưởng hay, giàu tính nhân văn, truyền thống và mục tiêu là để ngày hội văn hóa trở thành sự kiện du lịch. Nhưng do thời tiết không ủng hộ và công tác tổ chức còn gấp gáp, nên hoạt động này dù khá ấn tượng, vẫn còn nhiều điều tiếc nuối...

Biểu diễn trống hội. (LĐ) - Gió mưa "cắt gọt" ngày vui Đề ra khá nhiều hoạt động văn hóa, thể thao ngay từ chiều 13.10 - trước ngày hội chính thức khai cuộc (14.10), các hoạt động phong phú này hứa hẹn sự tham gia đông đảo của các diễn viên chuyên và không chuyên, vận động viên quần chúng, các đoàn đại biểu và đặc biệt là sự góp mặt của hàng vạn người dân TP.Thái Bình - nơi diễn ra lễ hội. Nhưng rất tiếc bão số 10 gây áp thấp nhiệt đới vào quê lúa và "tấn công" đúng vào ngày vui, khiến hội chợ ẩm thực không kéo dài đến hết sáng 16.10 như dự kiến. Hội thi tuyên truyền lưu động phải chuyển từ chiều 14 sang sáng 15. Lễ dâng hương tại đền Trần (xã Đức Tiến, huyện Hưng Hà) chỉ có được phần lễ, chứ thiếu đi không khí sôi nổi của phần hội. Các trò chơi, loại hình nghệ thuật dân gian như trống trắc, cà kheo, múa rồng, lân... cũng không biểu diễn được trước giờ khai mạc ngày hội. Cả đến lễ khai mạc "Âm vang sông Hồng" tối 14.10 được truyền trực tiếp trên VTV2, VTV4 và đài truyền hình các tỉnh Đồng bằng sông Hồng cũng "suýt" phải hoãn khi mưa ngày càng to. Trong bối cảnh này, điểm nhấn ấn tượng nhất có lẽ là màn biểu diễn trong mưa của các diễn viên Nhà hát Chèo VN, chèo Thái Bình, học sinh, sinh viên... Chương trình với kịch bản của nhà văn Nguyễn Khắc Phục, đạo diễn NSND Lan Hương, phần đầu khá tập trung, nhưng về sau hơi dài và có phần "loãng". Và tiếc là chương trình đã sử dụng bài hát "Tình ta biển bạc đồng xanh" mang âm hưởng Trung Bộ nên có vẻ hơi "lệch pha"! Phong cách riêng của du lịch Đồng bằng sông Hồng? Việc tổ chức ngày hội của toàn vùng cũng là dịp để bàn bạc, trao đổi về tiềm năng và hướng hợp tác phát triển du lịch Đồng bằng sông Hồng gắn với văn hóa, truyền thống, bản sắc và di sản các địa phương. Từ lâu đã có các tour mang tính liên thông, nhưng dường như còn đơn lẻ, thiếu sự phối hợp giữa ngành du lịch các tỉnh nên dẫn đến nhiều hạn chế trong thúc đẩy du lịch trên địa bàn vùng. Tổng GĐ Cty CP du lịch VN tại Hà Nội Lưu Nhân Vinh cho rằng, chất lượng sản phẩm du lịch một số địa phương chưa cao, kinh doanh lữ hành nhiều tỉnh còn nhỏ và quá ít. Theo TS Nguyễn Văn Lưu - Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL) thì đội ngũ quản lý du lịch, quản lý kinh doanh còn nhiều hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực, đội ngũ lao động nói chung chưa được đào tạo lại, thiếu cập nhật, nhân lực được đào tạo lại mỏng... gây ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ. Để cải thiện tình hình, trong hội thảo Phát triển du lịch Đồng bằng sông Hồng vào chiều 14.10, nhiều ý kiến đã đưa ra về việc tăng cường kết nối, nâng cao hơn nữa năng lực của "đầu tàu" phát triển du lịch vùng. Phó GĐ Sở VHTTDL Ninh Bình Nguyễn Ngọc Luyên đề nghị Tổng cục Du lịch khảo sát, nghiên cứu phát triển du lịch Đồng bằng sông Hồng mang phong cách riêng để thành vùng du lịch trọng điểm của cả nước, gắn với xóa đói, giảm nghèo... Theo PGS-TS Phạm Trung Lương - Viện Nghiên cứu phát triển du lịch - có thể tổ chức và khai thác tiềm năng của các lãnh thổ du lịch như: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên; địa bàn ven biển từ Hải Phòng đến Ninh Bình; địa bàn vùng núi Vĩnh Phúc - Hà Tây (cũ) và phía tây Ninh Bình... Có thể nói, trong bối cảnh hiện nay, việc khai thác du lịch một cách bền vững, hợp lý và đậm tính văn hóa chính là một phương thức bảo tồn hiệu quả các giá trị cổ truyền và hòa đồng vào đời sống hiện đại. Với ngày hội VHTTDL các tỉnh Đồng bằng sông Hồng lần sau (năm 2010 sẽ diễn ra ở Hà Nam), hy vọng sẽ thành một sự kiện du lịch lớn. • Cho đến thời điểm bế mạc trưa ngày 16.10, ngày hội còn diễn ra một số hoạt động như triển lãm ảnh và tranh cổ động về Bác Hồ, Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về "Tam nông"; cuộc bầu chọn vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên thế giới mới. Ngoài ra là các hoạt động thể thao: Giải vật nông dân, giải bóng bàn thanh niên, giải kéo co, thi bơi chải, giải bóng chuyền "Bông lúa vàng"... H.H • Hội nghị tổng kết 20 năm xây dựng làng văn hóa (LVH) các tỉnh phía bắc do Bộ VHTTDL tổ chức, diễn ra ngày 15.10 tại Thái Bình, trong khuôn khổ "Ngày hội văn hóa - thể thao và du lịch các tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Khởi xướng vào năm 1989 từ LVH thôn Tráng Liệt, xã Đồng Quang, huyện Từ Sơn, tỉnh Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Ninh) - theo Cục Văn hóa cơ sở, sau 20 năm đến nay, cả nước đã có 46.515 LVH được ghi nhận thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Tuy nhiên, hiện 15% số LVH chưa có sân chơi thể thao, 35% số hộ chưa có đủ các công trình vệ sinh. T.Hà Hoàng Hoa

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/home/de-ngay-hoi-van-hoa-thanh-su-kien-du-lich/200910/159563.laodong