Đề nghị cân nhắc bỏ quy định về mức lương hưu thấp nhất

Đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị Chính phủ cân nhắc khi bỏ quy định về mức lương hưu thấp nhất, được quy định tại khoản 5 Điều 56 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, các đại biểu đã thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Vấn đề trợ cấp hưu trí xã hội, mức lương hưu thấp nhất, chi phí quản lý bảo hiểm xã hội... tiếp tục được các đại biểu thảo luận.

Theo dự thảo Luật trình các đại biểu, công dân Việt Nam được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội khi có đủ các điều kiện: Đủ 75 tuổi trở lên; không hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng; không hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng theo quy định của Chính phủ.

Công dân Việt Nam từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn và không hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, không hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ theo đề nghị của Chính phủ. Mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã bỏ quy định về mức lương hưu thấp nhất. (Ảnh minh họa, ảnh: P.Diệp)

Trợ cấp hưu trí xã hội gồm các chế độ sau: Trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng; hỗ trợ chi phí mai táng; hưởng bảo hiểm y tế do Ngân sách nhà nước đóng.

Thảo luận tại hội nghị, đại biểu Ma Thị Thúy (Đoàn tỉnh Tuyên Quang) cho rằng, mức trợ cấp hưu trí xã hội chưa đảm bảo nguyên tắc an sinh xã hội, chỉ là trợ cấp cho người cao tuổi chuyển sang từ Luật Người cao tuổi, sẽ không đảm bảo mức sống tối thiểu hoặc gần tiệm cận mức sống tối thiểu của nhóm người cao tuổi này. Vì vậy, đại biểu đề nghị ít nhất mức hưu trí xã hội phải cao hơn mức trợ cấp xã hội, ví dụ trợ cấp xã hội tăng lên 500.000 đồng/tháng thì mức hưu trí xã hội phải tăng 750.000 đồng/tháng.

Đáng quan tâm, liên quan đến việc quy định mức lương hưu thấp nhất, đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị dự thảo Luật cần có quy định cụ thể về nội dung này. Đại biểu băn khoăn, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định mức lương hưu thấp nhất bằng mức lương cơ sở. Nhưng dự thảo Luật bỏ quy định này, vậy tính mức mức lương hưu thấp nhất ra sao, có đảm bảo cuộc sống của người lao động về hưu không?

"Nếu như chúng ta chỉ tính tăng số người tham gia bảo hiểm xã hội mà không chú trọng tới chất lượng an sinh thì không thể bền vững. Như các đối tượng người hoạt không chuyên trách, hay chủ hộ kinh doanh cá thể khi đến tuổi nghỉ hưu thì lương thấp phải điều chỉnh cao mà không đủ tiền từ Quỹ. Đây là vấn đề rất quan trọng vì nó bảo vệ mức sàn an sinh tối thiểu", đại biểu nói.

Do vậy đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị Chính phủ cân nhắc khi bỏ quy định về mức lương hưu thấp nhất được quy định tại khoản 5 Điều 56 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

Liên quan đến chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, đại biểu đề nghị cần có sự kiểm soát chi, nhất là đối với định mức chi cho các hoạt động trung tâm dịch vụ việc làm, chi cho cơ sở vật chất, cho hoạt động bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho các tổ chức ngoài ngành Bảo hiểm xã hội, tránh bị lạm dụng.

Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Tuyên Quang cũng đề nghị Quốc hội cân nhắc xem xét thông qua dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi tại Kỳ họp thứ 8, thay cho dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 7.

Theo đại biểu, cải cách tiền lương là một chính sách lớn, khó và phức tạp, tác động mạnh tới nhiều lĩnh vực, nhóm lao động khác nhau trên toàn xã hội. Do đó, cần có thời gian triển khai cải cách tiền lương để điều chỉnh, xử lý các vấn để phát sinh (nếu có) cho phù hợp với thực tiễn, tránh tình trạng Luật Bảo hiểm xã hội vừa thông qua lại phải rà soát, sửa đổi.

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/de-nghi-can-nhac-bo-quy-dinh-ve-muc-luong-huu-thap-nhat-168259.html