Đề nghị không nên giao Chính phủ thẩm quyền quyết định mức thuế suất

Sáng nay, 21-10, ngày làm việc thứ 2 của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại tổ về dự thảo Luật thuế tài nguyên.

Theo tờ trình của Chính phủ, thuế tài nguyên hiện đang thực hiện theo Pháp lệnh thuế tài nguyên (năm 1998) và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Điều 6 Pháp lệnh thuế tài nguyên (năm 2008). Tuy nhiên, để khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới, Pháp lệnh thuế tài nguyên cũng đã bộc lộ một số hạn chế cần được bổ sung và sửa đổi cho phù hợp. Tài nguyên không có khả năng tái tạo sẽ bị thuế suất cao Hiện nay, thuế suất thuế tài nguyên được phân biệt theo từng nhóm, loại tài nguyên; mức thuế suất từ 0% (đối với nước thiên nhiên phục vụ các ngành nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và sinh hoạt) đến 20%, 30%, 40% (đối với tài nguyên, khoáng sản quý hiếm). Số thu thuế tài nguyên các năm từ 2005-2008 bình quân mỗi năm trên 23.200 tỷ đồng, chiếm khoảng 15% tổng thu ngân sách nhà nước từ sản xuất kinh doanh trong nước (trong đó, thuế tài nguyên từ dầu khí khoảng 22.160 tỷ đồng, chiếm 95,5% tổng số thu thuế tài nguyên; thuế tài nguyên của các tài nguyên khác khoảng 1.040 tỷ đồng, chiếm 4,5% tổng số thu thuế tài nguyên). Theo tờ trình của Chính phủ, Luật thuế tài nguyên thể hiện vai trò sở hữu của Nhà nước đối với tài nguyên. Tài nguyên là tài sản quan trọng của quốc gia, do Nhà nước quản lý thống nhất; các tổ chức, cá nhân tiến hành khai thác tài nguyên phải nộp thuế tài nguyên cho Nhà nước nhằm thể hiện vai trò chủ sở hữu của Nhà nước và đảm bảo công bằng trong hoạt động khai thác và sử dụng tài nguyên. Việc tăng cường công tác quản lý, thu thuế tài nguyên, góp phần tăng thu cho ngân sách để có nguồn kinh phí cho việc cải tạo môi trường; xây dựng, sửa chữa hạ tầng quanh khu vực khai thác, nâng cao nhận thức xã hội về vai trò của nguồn tài nguyên quốc gia. Vì vậy, Luật này đã quy định đối tượng chịu thuế tài nguyên, bao gồm: Khoáng sản kim loại; khoáng sản không kim loại; dầu thô, khí thiên nhiên, khí than; sản phẩm của rừng tự nhiên; hải sản tự nhiên; nước thiên nhiên và các loại tài nguyên thiên nhiên không thuộc các loại nêu trên. Người nộp thuế là các tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên thuộc đối tượng chịu thuế. Căn cứ tính thuế là sản lượng tài nguyên thực tế khai thác, giá tính thuế và thuế suất. Giá tính thuế tài nguyên là giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên của tổ chức, cá nhân khai thác chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Về thuế suất, dự thảo Luật quy định chi tiết hơn về nhóm, loại tài nguyên và điều chỉnh khung thuế suất theo nguyên tắc: Tài nguyên không có khả năng tái tạo thì thuế suất cao; tài nguyên có khả năng tái tạo thì thuế suất thấp; không có thuế suất 0% vì đây là tài nguyên quốc gia, bất kỳ ai sử dụng cũng phải có nghĩa vụ đóng góp; thuế suất quy định theo loại tài nguyên, hạn chế quy định phân loại theo mục đích sử dụng. Báo cáo thẩm tra về dự án Luật này của Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cũng đã khẳng định sự cần thiết ban hành luật này để khắc phục tình trạng khai thác tài nguyên diễn ra khá mạnh, có phần kém hiệu quả, khó kiểm soát, tình trạng khai thác quy mô lớn làm suy kiệt nguồn tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường ở nhiều địa phương trong những năm gần đây. Tuy nhiên, Ủy ban này cũng cho rằng dự án Luật cần làm rõ thêm nhiều vấn đề. Về tài nguyên nước ngầm, hiện ngay trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách vẫn tồn tại 2 ý kiến khác nhau: có ý kiến cho rằng, hiện nay việc khai thác và sử dụng lãng phí tài nguyên nước ngầm diễn ra khá phổ biến; nếu không có biện pháp kiểm soát và điều tiết bằng thuế có thể dẫn đến tình trạng khan hiếm nước sạch trong tương lai. Vì vậy, đề nghị xem xét, áp dụng thuế suất hợp lý để hạn chế tình trạng trên. Nhưng cũng có ý kiến khác cho rằng, cần khuyến khích cung cấp, tạo điều kiện để người dân được sử dụng nước sạch nhằm bảo vệ sức khỏe. Trong điều kiện Nhà nước, doanh nghiệp chưa cung ứng đủ nước sạch cho người dân thì khuyến khích nhân dân sử dụng nguồn nước ngầm một cách hợp lý là cần thiết. Mặt khác, việc khai thác nước ngầm đối với người dân rất khó quản lý. Vì vậy, đề nghị không đưa nước ngầm vào đối tượng chịu thuế. Nên để Quốc hội quyết định mức thuế suất tài nguyên Về thẩm quyền quy định thuế suất cụ thể trong khung thuế suất, dự thảo Luật quy định Chính phủ quyết định mức thuế suất cụ thể tại từng thời điểm đối với từng đối tượng chịu thuế. Tuy nhiên, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, việc giao Chính phủ quyết định mức thuế suất như hiện hành là chưa hợp lý, vì chỉ Quốc hội có thẩm quyền quyết định các vấn đề thuộc chính sách thuế, trong đó quyết định mức thuế suất cụ thể áp dụng cho mọi tổ chức, cá nhân. Trong trường hợp thật đặc biệt, để bảo đảm linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn của từng thời kỳ, Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định thuế suất cụ thể. Việc giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thuế suất không ảnh hưởng đến tính linh hoạt trong quản lý, điều hành kinh tế vì Ủy ban này mỗi tháng họp 1 lần. Sáng nay, thảo luận về dự án Luật này, nhiều đại biểu QH cũng đồng ý với đề nghị của Ủy ban Tài chính - Ngân sách đó là trước mắt Quốc hội quyết định khung thuế suất với biên độ hẹp hơn, đối tượng chịu thuế chi tiết hơn và giao Ủy ban Thường vụ QH quyết định mức thuế suất cụ thể đối với từng loại tài nguyên. Còn về lâu dài, mức thuế suất cụ thể đối với từng loại tài nguyên phải được quy định trong luật. Tại Tổ Hà Nội, nhiều ý kiến cũng cho rằng, bên cạnh nên để Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định mức thuế suất cụ thể đối với từng loại tài nguyên, các đại biểu cũng cho rằng cần chỉnh lại khung thuế suất vì quá rộng. “Nếu phải chỉnh lại, dự án Luật này có thể chưa cần vội thông qua ngay tại kỳ họp này”, ĐB Nguyễn Tiến Dĩnh, Hà Nội đề nghị. Tuy nhiên, tại tổ TPHCM, một số ý kiến lại tán thành với quy định của Dự thảo luật, theo đó Quốc hội chỉ quyết định khung thuế suất; mức thuế suất cụ thể do Chính phủ quy định trên nguyên tắc bảo đảm không thất thu ngân sách Nhà nước và tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác tài nguyên hiệu quả. ĐB Huỳnh Thành Đạt (TPHCM) cho rằng, thuế là công cụ để Chính phủ điều hành, nếu để Quốc hội thuế suất sẽ hạn chế sự linh động của Chính phủ. “Nên để Chính phủ quy định mức thuế suất cụ thể để điều hành linh hoạt, vừa hấp dẫn các nhà đầu tư, vừa bảo đảm lợi ích đất nước”, ĐB Đạt nói. Cũng có ý kiến cho rằng để Quốc hội quyết định khung thuế suất; mức thuế suất cụ thể do Chính phủ quy định sau khi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ QH. Ủy ban Thường vụ QH không nên quyết định mức thuế suất cụ thể, sẽ ảnh hưởng đến tính chủ động trong điều hành của Chính phủ, làm thay chức năng điều hành của Chính phủ. Không nên giảm mức trần thuế suất Một vấn đề khác, so với khung thuế suất hiện hành thì khung thuế suất trong Dự thảo luật đã được điều chỉnh theo hướng giảm mức thuế suất trần của khá nhiều nhóm tài nguyên. Đồng thời tăng một số nhóm. Theo ĐB Tất Thành Cang (TPHCM), việc tăng, giảm thuế suất của nhiều nhóm tài nguyên cần được làm rõ hơn. “Căn cứ tính thuế suất phải thể hiện việc khuyến khích hay không khuyến khích khai thác tài nguyên. Nếu tài nguyên không khuyến khích khai thác, phải thuế suất thật cao”, ĐB Cang phát biểu. ĐB Tất Thành Cang nhấn mạnh rằng thuế tài nguyên phải góp phần tái tạo tìa nguyên đã mất, bù đắp phần đã khai thác để dành lại cho đời sau, bù đắp sự mất mát của môi trường. Đối với các bãi biển đẹp đã giao cho doanh nghiệp sử dụng, cũng cần thu thuế vì mức độ sử dụng là rất lớn. Nhiều ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách QH cho rằng, việc điều chỉnh giảm thuế là chưa hợp lý. Vì trên thực tế, lợi nhuận thu được từ tài nguyên khai thác là rất lớn. Trong khi đó, số thuế Nhà nước thu được không đáng kể so với lợi nhuận của doanh nghiệp, thậm chí không đủ để khắc phục hậu quả môi trường. Đề nghị không hạ mức trần hiện hành; đối với một số tài nguyên không tái tạo, đề nghị tăng thuế suất nhằm điều tiết hợp lý nguồn thu, bảo đảm phát triển bền vững. Theo SGGPO

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/10/50/50/92711/Default.aspx