Để người nhiễm HIV có cơ hội tiếp cận với thuốc điều trị

Theo các báo cáo và nghiên cứu của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đã ghi nhận rằng trong vài năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc hỗ trợ điều trị ARV cho những người sống với HIV, làm tăng số lượng người nhận được điều trị ARV gấp hơn 14 lần từ năm 2005 đến năm 2009. Tuy nhiên, trong tương lai, Việt Nam sẽ phải đối mặt với một số sức ép về ngân sách dành cho điều trị HIV. Vì thế, câu hỏi làm thế nào để người nhiễm HIV có cơ hội được tiếp cận thuốc điều trị một cách dễ dàng và tốt nhất luôn là nỗi trăn trở của các nhà hoạch định chính sách y tế.

Nguyện vọng của những người nhiễm HIV ở Việt Nam

Anh Đồng Đức Thành- thành viên Mạng lưới những người sống chung với HIV (VNP+) đại diện cho rất nhiều người nhiễm HIV của Việt Nam tâm sự: "Năm nay tôi 35 tuổi đã sống chung với HIV khoảng 18 năm và phát hiện ra tình trạng có HIV của mình vào năm 2001. Vào thời gian đó, rất nhiều người bạn của tôi đã chết vì AIDS do không được tiếp cận với điều trị bằng thuốc kháng virus ARV). Tôi may mắn được điều trị bằng thuốc ARV khi CD4 chỉ còn 80. Sức khỏe tôi dần hồi phục và ổn định trở lại. Sau này, khi được tham gia khóa tập huấn về HIV/AIDS, anh Thành đã trở thành tư vấn viên đồng đẳng, chuyển gửi những người trong nhóm có hành vi nguy cơ cao đến cơ sở tư vấn và xét nghiệm tự nguyện, phân phát bơm kim tiêm, bao cao su... Cũng giống anh Thành, rất nhiều các bạn sống chung với HIV, cho đến nay, đã trở thành chuyên gia về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS. Điều đáng mừng đối với những người nhiễm HIV ở Việt Nam là khi Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn điều trị dựa theo hướng dẫn của tổ chức Y tế thế giới WHO vào thời điểm đó, dưới sự góp ý từ các chuyên gia trong nước và quốc tế đã tạo điều kiện cho những người nhiễm HIV được tiếp cận với điều trị và được làm việc thông qua chương trình PEPFAR. "Qua đó, nhiều người trong chúng tôi đã được sống và đã tìm được tình yêu, lập gia đình ngay cả đối với những người không nhiễm HIV và sinh ra những đứa con kháu khỉnh không nhiễm HIV”, anh Đồng Đức Thành vui vẻ nói.

Anh Đồng Đức Thành và nhiều người nhiễm HIV ở Việt Nam lo lắng về việc khó tiếp cận các thuốc điều trị ARV khi các khoản viện trợ kết thúc. Đặc biệt là sắp tới, người nhiễm HIV cần được tiếp cận với phác đồ điều trị bậc 2, thậm chí bậc 3. Họ mong muốn được tiếp cận với thuốc kháng virus như bậc 2 với chi phí thấp hơn.

Phác đồ điều trị bậc 2

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), "các phác đồ điều trị thuốc kháng virus HIV (ARVs) bậc 2 với giá cả phải chăng hiện có là một phần quan trọng trong việc tiếp cận phổ cập điều trị HIV chất lượng cao”. WHO cũng chỉ ra rằng: "Nếu phác đồ điều trị bậc 1 của người bệnh xuất hiện sự kháng thuốc và không đáp ứng hiệu quả, để sống khỏe mạnh, họ cần nhận được phác đồ điều trị dòng thứ hai”. ARVs dòng thứ hai có thể giúp làm giảm sự tích tụ của các đột biến kháng thuốc trong cơ thể người bệnh. Việc trì hoãn tiếp cận điều trị dòng thứ hai có thể dẫn đến đề kháng chéo và làm phát sinh nhu cầu chữa trị, bởi ARVs dòng thứ ba khiến việc điều trị trở nên vô cùng phức tạp và tốn kém.

Công thức thuốc mới của tập đoàn Abbott Laboratories về chất ức chế protease, Kaletra/ Aluvia (lopinavir + ritonavir hay LPV/r), là một loại thuốc ARV dòng thứ hai chủ yếu cho người sống với HIV. GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 1.191 USD, trong khi giá thị trường của phác đồ điều trị phối hợp có Kaletra/ Aluvia là dao động từ 1092 đến 2767 USD (theo số liệu của PEPFAR Việt Nam – Hiệp Hội quản lý chuỗi cung ứng) cho một người trong một năm. Như vậy, giá của phác đồ điều trị phối hợp có Kaletra/ Aluvia cao gấp hai lần thu nhập bình quân đầu người. Trong khi đó, những người chung sống với HIV phần lớn là những người có thu nhập thấp. Chúng tôi thực sự lo ngại về vấn đề giá thị trường khá cao của Kaletra/ Aluvia. Mức giá này sẽ cản trở đối với những người Việt Nam sống với HIV cần được điều trị và tạo ra một gánh nặng kinh tế lớn không những đối với các cá nhân cần điều trị mà còn với chính phủ Việt Nam trong việc đảm bảo phúc lợi xã hội cho người dân.

Tuy nhiên, các chủng thuốc, bao gồm các sản phẩm trước khi được WHO chứng nhận đã có mặt trên thị trường toàn cầu với một mức giá thấp hơn. Một giấy phép sử dụng của Chính phủ cho các sáng chế của Abbott sẽ cho phép Việt Nam nhập khẩu những chủng thuốc này hoặc sản xuất chủng Lopinavir + Ritonavir hay LPV/r trong nước, góp phần làm gia tăng cơ hội tiếp cận thuốc đối với cộng đồng thông qua các chương trình của Chính phủ và các tổ chức tài trợ điều trị khác. Điều này sẽ giúp Việt Nam có khả năng cung cấp liệu pháp điều trị dòng thứ hai ở mức giá thấp và tăng sự hiệu quả trong việc tiếp cận điều trị.

Theo chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, Việt Nam có khoảng 150.000 người nhiễm HIV cần tiếp cận điều trị. Mục tiêu có thể đáp ứng được 50% so với nhu cầu. Mặc dù có những nỗ lực mạnh mẽ từ những vận động y tế toàn cầu, các quỹ tài trợ không thể tăng mà thậm chí sẽ giảm trong thời gian tới. Tính đến năm 2007, Chính phủ Việt Nam chỉ đóng góp khoảng 1% các nguồn lực điều trị từ ngân sách Nhà nước. Trong bối cảnh nói trên, để có thể huy động tối đa nguồn lực cho việc điều trị hiện nay, nhu cầu mở rộng các biện pháp liên quan đến nguồn lực là vô cùng cấp thiết.

Kiều Việt Thành

Gửi cho bạn bè

Bản in

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=42255&menu=1425&style=1