Để người tiêu dùng được sử dụng thực phẩm an toàn

Trước những lo lắng về tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm, sau kỳ họp HĐND thành phố diễn ra đầu tháng 7 vừa qua, nhiều cử tri tiếp tục kiến nghị thành phố tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh vi phạm các quy định của Nhà nước.

Mặc dù năm 2016, thành phố rất quyết liệt trong việc xử lý các cơ sở không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (đã có 4.193 cơ sở, chiếm hơn 50% bị xử phạt với số tiền hơn 25 tỷ đồng), song tình hình chưa được cải thiện nhiều. Đáng nói, ở tuyến quận, huyện, xã, phường còn tình trạng vi phạm nhiều, nhưng xử lý ít.

Xác định kiểm soát chất lượng và bảo đảm an toàn thực phẩm là vấn đề sống còn, từ đầu năm 2017 đến nay, UBND TP Hà Nội giao Sở Công Thương xác định rõ trách nhiệm trong công tác quản lý địa bàn, thường xuyên rà soát, kiểm tra các cơ sở, cá nhân kinh doanh thực phẩm và các chất bảo quản thực phẩm trên địa bàn thành phố. Cùng với đó là phối hợp với Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thanh, kiểm tra liên ngành, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhằm siết chặt từ "đầu vào".

Ngoài biện pháp này, ý kiến cử tri cho rằng, mấu chốt là cần làm tốt công tác hậu kiểm, với sự vào cuộc đồng bộ. Một mặt, các sở, ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Mặt khác, chính quyền các địa phương phối hợp hậu kiểm những đơn vị đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Cùng với đó, cử tri mong muốn thành phố đẩy mạnh phát triển mạng lưới kinh doanh rau, thực phẩm an toàn; kết nối với các vùng sản xuất rau, củ, nông sản như, Vân Nội (Đông Anh), Duyên Hà (Thanh Trì), Văn Đức (Gia Lâm), Thanh Đa (Phúc Thọ)… với hệ thống phân phối chuyên nghiệp để người tiêu dùng được sử dụng thực phẩm sạch, an toàn.

Bảo Vy

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Doi-song/875995/de-nguoi-tieu-dung-duoc-su-dung-thuc-pham-an-toan