Để nhà khoa học đưa KH-CN ứng dụng tới nhân dân

Những nhà khoa học tâm huyết thực sự cần một tổ chức để đưa những kiến thức khoa học tới nhân dân mà không bị gắn mác "đi quảng cáo hộ".

Sáng 22/12, Liên Hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam (LHH Việt Nam) đã tổ chức Hội thảo "Triển khai chương trình hợp tác khung VUSTA- MOST trong hoạt động truyền thông và phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ".

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TSKH. Nghiêm Vũ Khải - Phó Chủ tịch LHH Việt Nam đã đánh giá vai trò lớn mạnh của các cơ quan cấp dưới thuộc LHH Việt Nam trong việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học tới công chúng, nâng cao dân trí và thúc đẩy sáng tạo khoa học công nghệ. Đồng thời, thông qua hội thảo lấy ý kiến của các nhà khoa học về Kế hoạch hoạt động truyền thông và phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ giai đoạn 2016-2020 của LHH Việt Nam, từ đó góp phần củng cố Luật về Hội.

Hội thảo về phổ biến kiến thức khoa học công nghệ tới công chúng.

"Đối tượng truyền thông là cộng đồng, là nhân dân và người mang sứ mệnh đi truyền thông chính là những nhà khoa học. LHH Việt Nam với vai trò là một tổ chức tập hợp giới trí thức khoa học công nghệ ở Việt Nam cũng có sứ mệnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học công nghệ tới giới khoa học trong nước, vừa là cầu nối tuyên truyền chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước"- GS.TSKH. Nghiêm Vũ Khải nhấn mạnh.

Đánh giá chi tiết về các hoạt động chung trong năm qua, ông Đặng Vũ Cảnh Linh, Trưởng ban Thông tin và phổ biến kiến thức của LHH Việt Nam nhấn mạnh tới 3 hoạt động chính bao gồm các hoạt động vận động chính sách; xây dựng, quản lý các cơ quan đầu mối và hoạt động phổ biến kiến thức khoa học của các Hội thành viên của LHH.

Đối với hoạt động vận động chính sách, LHH Việt Nam luôn lấy kiến thức của các nhà khoa học đầu ngành để phổ biến kiến thức thông qua các ấn phẩm báo chí, tổ chức các hội thảo, tọa đàm khoa học, đóng góp trực tiếp cho việc xây dựng chính sách. Tiêu biểu cho các hoạt động đi đầu trong các hoạt động tuyên truyền vận động chính sách là các Liên Hiệp hội địa phương: Hải Dương, Bắc Ninh, Yên Bái, Bắc Giang, Lào Cai.. Các Hội phối hợp, liên kết chặt chẽ với các Bộ ngành như: Tổng Hội Y Dược với Bộ Y tế, Tổng Hội Xây dựng với Bộ Xây dựng.. trong phổ biến kiến thức khoa học đối với từng lĩnh vực.

Đơn cử, Hội các ngành sinh học Việt Nam đã biên soạn và xuất bản hơn 200 đầu sách dạy 100 ngành nghề cho nông dân; đồng thời phối hợp với Hội Làm vườn Việt Nam thực hiện chuyên đề hướng dẫn áp dụng tiến bộ KH-KT bằng chương trình "Bạn của Nhà nông".

Quỹ VIFOTEC (thuộc LHH Việt Nam) phối hợp với hầu hết các LHH các tỉnh/thành phố tổ chức các Hội thi sáng tạo kỹ thuật, Hội thi sáng tạo thanh, thiếu niên nhi đồng. Từ đó, hàng ngàn công trình, giải pháp, ý tưởng sáng tạo đã được đưa vào cuộc sống.

Cũng trình bày tại Hội thảo, TS. Nguyễn Xuân Toàn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển truyền thông khoa học và công nghệ (CESTC) thuộc Bộ KH-CN (MOST) chia sẻ các chương trình được thường xuyên phát sóng trên các kênh truyền hình nhằm đưa kiến thức khoa học sâu rộng tới bà con như: Công nghệ và Đời sống, Đối thoại chính sách, Dân hỏi Bộ trưởng trả lời... đã nhận được các phản hồi tích cực từ nhân dân.

Bên cạnh đó, trung tâm cũng tổ chức nhiều sự kiện khoa học, giải thưởng khoa học như TECHmart, TECHdemo, TECH fest,... các hội nghị khoa học mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế đều được truyền thông đưa tin, khai thác, đưa các sự kiện và kiến thức khoa học công bố rộng rãi tới giới khoa học trong nước.

Tại Hội thảo, bà Dương Thị Nga, Phó Trưởng ban Hợp tác quốc tế, LHH Việt Nam dẫn các mô hình và kinh nghiệm của hoạt động phổ biến kiến thức của Trung Quốc, Hàn Quốc cho thấy những điểm tương đồng với Việt Nam ở điểm xuất phát nhưng tới nay đã vượt tầm cỡ gấp nhiều lần.

Bà Nga cũng đề xuất phương án huy động các nhà khoa học đầu ngành thực hiện các chương trình đưa các nhà khoa học tới công chúng, tới các bạn trẻ để kích thích tinh thần hoạt động vì khoa học, đam mê khoa học, chia sẻ các đam mê khoa học công nghệ của mình với giới trẻ. Bởi mục tiêu cuối cùng của truyền thông là nâng cao nhận thức khoa học thì sẽ tạo ra những nhà khoa học tương lai ở đầy đủ mọi ngành và lĩnh vực.

Theo ý kiến của GS.TS Nguyễn Lân Dũng, Tổng thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam, các hoạt động khoa học hiện nay của VUSTA chưa xứng đáng với một chương trình hợp tác khung của toàn bộ giới tri thức Việt Nam trong cả nước mà cần phải có một sự tổ chức mang tính vĩ mô hơn.

GS. TS. Nguyễn Lân Dũng nêu ví dụ như các tạp chí khoa học ở nước ngoài mang tính nghiên cứu và phổ biến kiến thức rất rộng, có chất lượng cao như tạp chí Khoa học và Đời sống (của Nga, Pháp), Tạp chí Khoa học đại chúng của Trung Quốc.... chưa được tới được tay các nhà khoa học Việt Nam, tất yếu người dân chưa thể hưởng được các thành quả khoa học tiên tiến trên thế giới. Nếu có thể dịch được các tác phẩm nghiên cứu khoa học ở tạp chí này tới cộng đồng khoa học Việt Nam cũng có thể coi là hoạt động hướng đến công chúng "vị nhân sinh".

PGS. TS Bùi Thị An - Phó Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam cho rằng, cần đánh giá hiệu quả của công tác truyền thông và minh bạch về tài chính cho từng dự án được tổ chức trong năm của các tổ chức KH-KT trực thuộc LHH để đánh giá hiệu quả và rút kinh nghiệm . Bên cạnh đó, trong phản biện các chính sách, đường lối cần tập trung vào các dự báo, tiên lượng các sự cố có thể xảy ra trong quá trình thực hiện chính sách để củng cố hoàn thiện chính sách pháp luật của Nhà nước.

Cúc Phương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/de-nha-khoa-hoc-dua-kh-cn-ung-dung-toi-nhan-dan-3325565/