Để pháp luật là thượng đế

PN - Cách đây gần ba thế kỷ, khi các ông vua châu Âu vẫn vỗ ngực “Nhà nước chính là ta” - L'Etat c'est moi - thì một “người buôn rượu nho thành Bordeaux” (như Montesquieu thường tự nhận), đã đưa ra lý thuyết “quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp phải độc lập với nhau”. Tư tưởng vĩ đại này đã thượng tôn pháp luật lên ngôi Thượng đế và Montesquieu được coi là một trong những ngôi sao sáng nhất trên bầu trời Thế kỷ Ánh sáng, thế kỷ đã làm nên Cách mạng Pháp, chủ nghĩa dân chủ và tự do.

Vụ tiền sử dụng đất đang nóng lên ở khu Phú Mỹ Hưng tuy chỉ liên quan đến một số người, nhưng lại làm chúng ta suy nghĩ rất nhiều về tình trạng “sống và làm việc theo pháp luật”, “ thượng tôn pháp luật” của xã hội ta hiện nay. Có thể nói, nếu cả ba phía: chính quyền, người dân và doanh nghiệp thật sự sống theo tinh thần đó và pháp luật được thực thi một cách chuyên nghiệp thì vấn đề đã trở thành quá đơn giản. Hãy đặt một chữ “nếu” trong vụ này: nếu những người mua nhà chịu đọc một điều khoản trong “phụ lục 3” và suy nghĩ thật kỹ về nó trước khi mua nhà. Nếu nhà doanh nghiệp không lắt léo đặt một điều khoản quan trọng như vậy (có giá trị khoảng một phần ba hợp đồng ) vào “phụ lục” và có thiện chí nhấn mạnh với khách hàng. Nếu chi cục thuế quận 7 kín kẽ và chuẩn bị kỹ càng hơn về mặt pháp lý trước khi ra quyết định thu tiền sử dụng đất. Nếu cả ba phía liên quan không tắc trách thì đâu đến nỗi chuyện xảy ra rồi mới “chữa cháy”, thành phố mới phải lập “tổ công tác liên ngành" trực tiếp nghiên cứu nội dung khiếu nại của các khách hàng, rồi phải tham khảo với các quy định của pháp luật v.v. những việc hoàn toàn có thể làm kỹ trước đó. Cái sẩy rất có thể nẩy thành cái ung. Hiện nay chúng ta không đến nỗi thiếu luật, thiếu pháp lệnh để điều hành đất nước. Nhưng để pháp luật thật sự được thượng tôn, phải có một hệ thống thực thi chuyên nghiệp trong một xã hội thực sự dân chủ. Vì pháp luật không thể lên ngôi trong một ngày. Đã qua rồi thời kỳ xã hội vắng bóng luật sư, nhưng chúng ta vẫn còn đang “tập sự” tính chuyên nghiệp trong thực thi pháp luật. Luật đã có, đã được Quốc hội thông qua, Chủ tịch nước ban hành. Nhưng để đưa luật vào đời sống xã hội vẫn còn một khoảng cách, hiện nay là rất lớn. Nhiều người dân chưa biết luật, nói gì chuyện hiểu luật để thi hành. Thực sự thì không thể đòi hỏi mỗi người dân đều phải biết và phải hiểu trọn vẹn. Một trong những việc phải chú ý là dân cần có luật sư giúp đỡ thực thi pháp luật, cũng như con chiên hay tín đồ phải qua cha cố hay sư sãi để tiếp thông với Chúa hay Đức Phật. Trong những xã hội phát triển, mỗi cá nhân, mỗi gia đình, công ty, thậm chí một số cơ quan công quyền, đều có luật sư riêng. Mỗi luật sư có thể phục vụ nhiều người và họ có trình độ chuyên nghiệp cao nên chi phí thuê luật sư luôn trong tầm tay và khả năng thanh toán của mỗi người dân. Ngay trong xã hội ta hiện nay, nhiều người đã tính toán chính xác rằng, nếu thuê luật sư chỉ để làm một số thủ tục hành chính hay dịch vụ dân sự thôi, số tiền chi ra và thời gian sẽ ít hơn là tự mình làm lấy. Luật sư cần được đào tạo với chất lượng cao, cơ quan tư pháp như tòa án cần tôn trọng ý kiến tranh cãi của họ trong khuôn khổ pháp luật, nghĩa là đảm bảo cho họ làm được vai trò luật pháp quy định. Để luật sư “cãi vụ nào cũng thua” một cách bất bình đẳng thì họ không thể hành nghề, và người chịu thiệt cuối cùng vẫn là dân chúng và bản thân nền pháp trị của quốc gia. Trở lại vụ Phú Mỹ Hưng, bắt đầu từ việc nhỏ, nếu (lại nếu) người mua nhà giao cho luật sư của mình thì chắc chắn họ không bỏ qua cái “phụ lục 3” oái oăm kia và sự thể đã khác. Đó chỉ là một ví dụ, một khâu trong toàn bộ quá trình phát triển dân chủ để đưa pháp luật trở thành Thượng đế trong một xã hội pháp trị lành mạnh. Đường đi lúc nào cũng xa vời vợi phía trước. Nhưng không đi thì đường mãi vẫn xa lắc xa lơ mà thôi! Nguyễn Quang Thân

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://www.phunuonline.com.vn/2009/Pages/de-phap-luat-la-thuong-de.aspx