Để phát triển sản xuất rau an toàn

Trước yêu cầu ngày càng cao về chất lượng của người tiêu dùng, trồng rau an toàn đang là một trong những chiến lược phát triển ngành trồng trọt ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, sản xuất rau an toàn hiện đang gặp không ít khó khăn, nhất là trong công tác quản lý, đầu tư sản xuất và chất lượng sản phẩm...

Nông dân phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) chăm sóc vườn rau an toàn. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG

Đã có "đất" phát triển...

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính riêng vụ đông, cả nước có khoảng 180 nghìn héc-ta rau các loại, sản xuất hơn 2,9 triệu tấn mỗi năm. Trong đó, các tỉnh đồng bằng sông Hồng đang dẫn đầu cả nước về diện tích và sản lượng với hơn 90 nghìn héc-ta rau, năng suất đạt hơn 1,86 triệu tấn/năm. Xu hướng sản xuất rau an toàn (RAT) theo các tiêu chuẩn Viet GAP, Global GAP, rau hữu cơ... có truy xuất nguồn gốc, được Nhà nước cấp đăng ký sản xuất, kinh doanh đang phát triển tốt. Một số địa phương tại các tỉnh, thành phố phía bắc có diện tích trồng RAT lớn là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Giang...

Chúng tôi tới Vĩnh Phúc đúng dịp các nhà vườn vào vụ thu hoạch rau. Tại khu trồng RAT của Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco (Tập đoàn Vingroup), đại diện doanh nghiệp cho biết, hiện nay công ty đã đưa ra thị trường hơn 100 chủng loại sản phẩm rau các loại, trong đó rau mầm và rau thủy canh là hai loại RAT cao cấp được sản xuất trong nhà kính công nghệ Israel. Rau mầm của công ty được sản xuất thiết kế theo dây chuyền tự động khép kín với các sản phẩm rau siêu sạch có giá trị dinh dưỡng cao, được coi như nguồn rau thực phẩm chức năng. VinEco chính thức đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp từ năm 2015, với tổng số vốn lên tới 4.000 tỷ đồng. Hiện nay, công ty đang triển khai Chương trình "Đồng hành hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Việt", thông qua việc liên kết với 1.000 hợp tác xã (HTX) và hộ nông dân để hỗ trợ nông dân tiếp cận với kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, nhằm thay đổi tư duy và tối ưu hóa sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao vị thế nông sản Việt Nam trên trường quốc tế. Ngoài Vingroup, đến nay trên lĩnh vực nông nghiệp đã có một số doanh nghiệp tham gia như Hòa Phát, Hoàng Anh - Gia Lai, TH True milk..., Đây là dấu hiệu đáng mừng đối với nông nghiệp nói chung và sản xuất, kinh doanh RAT nói riêng.

Đến HTX nông nghiệp Mai Anh, xã Sa Pả, huyện Sa Pa (Lào Cai), Giám đốc Bùi Trọng Trung cho biết, hiện nay HTX đang trồng 45 ha RAT, trong đó có 30 ha canh tác theo mô hình VietGAP. Trước năm 2006, đất nông nghiệp nơi đây khô cằn, chỉ cấy được một vụ lúa hiệu quả thấp, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Sau khi được huyện ủng hộ chủ trương trồng RAT, HTX đã triển khai trồng 10 ha. Chỉ qua vài ba vụ đã cho hiệu quả khá tốt do rau ở đây thích hợp với đất đai, khí hậu. Mỗi năm HTX trồng và thu hoạch được ba vụ rau; bình quân đạt 20 tấn rau/ha/vụ; mỗi héc-ta thu nhập khoảng 200 triệu đồng, trừ chi phí, lãi vài chục triệu đồng. Thấy hiệu quả, người dân địa phương đã đến học hỏi và làm theo mô hình trồng RAT để nâng cao thu nhập. Chị Lại Thị Nga, xã Tả Phìn, huyện Sa Pa (Lào Cai) chia sẻ, đầu năm 2016, gia đình chị bắt đầu trồng khoảng 5,5 ha RAT với các loại như su hào, bắp cải, cải mèo, xà lách, rau mùi theo hướng trái vụ, đến nay, đã có 2,7 ha rau cho thu hoạch, với khoảng năm lần bán, thu về khoảng 350 triệu đồng.

Cùng với các địa phương khác có lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, thị trường tiêu thụ, TP Hà Nội đang nổi lên như một trung tâm sản xuất RAT của miền bắc với sự tham gia hiệu quả của các doanh nghiệp, HTX và hộ nông dân. Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, toàn thành phố hiện có tổng diện tích canh tác rau vụ đông xuân khoảng 12 nghìn ha, phân bố ở 22 quận, huyện, thị xã. Chủng loại rau khá phong phú với hơn 40 loại, sản lượng đạt gần 600 nghìn tấn/năm, đáp ứng khoảng 60% nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô. Riêng về RAT, đến hết năm 2015, diện tích được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất đạt hơn 5.000 ha; 242 ha rau VietGAP và hơn 40 ha rau hữu cơ. Đã hình thành một số mô hình tập trung, khép kín sản xuất và tiêu thụ RAT tại các xã: Văn Đức, Đặng Xá (huyện Gia Lâm); Vân Côn, Tiền Lệ (huyện Hoài Đức); Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ); Nam Hồng (huyện Đông Anh)... mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Theo quy định hiện hành, việc sản xuất RAT phải áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn. Tuy nhiên, công tác quản lý sản xuất RAT hiện nay rất khó khăn do nông dân sản xuất quy mô nhỏ, phân tán. Bên cạnh đó, số hoạt chất và tên thương hiệu thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có mặt trên thị trường không ngừng tăng lên; như tại địa bàn Hà Nội, hiện có tới hơn 1.700 hoạt chất và 4.000 thương phẩm. Các doanh nghiệp kinh doanh thuốc BVTV liên tục quảng cáo với nhiều hình thức và khuyến mại hấp dẫn khiến người trồng rau khó khăn trong việc lựa chọn đúng thuốc, nhất là đối với những hộ chưa qua tập huấn về quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Mặt khác, người tiêu dùng khó mua được RAT có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Người sản xuất chưa bán được RAT theo đúng giá trị, trong khi đó lại rất ít doanh nghiệp kinh doanh, tiêu thụ rau. Một khó khăn khác là, người tiêu dùng còn thiếu lòng tin khi không thể phân biệt được RAT với các loại rau thông thường bằng cảm quan, chỉ phân biệt được khi có tem nhãn nhận diện của các doanh nghiệp. Dù vậy, hiện vẫn có ít doanh nghiệp thực hiện việc này. Hơn nữa, sự liên kết giữa doanh nghiệp, các HTX, với nông dân không chặt chẽ, chưa hài hòa giữa lợi ích các bên, cho nên các hợp đồng thường bị phá vỡ. Vai trò của các HTX nông nghiệp còn hạn chế, mới chỉ đáp ứng một số dịch vụ đầu vào, không có vốn hoặc vốn rất thấp nên chưa tham gia một cách hiệu quả việc bảo đảm đầu ra nông sản cho xã viên.

Từ thực tế địa phương, trao đổi với chúng tôi, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Sa Pa (Lào Cai) Nguyễn Tiến Thành cho biết, trên địa bàn huyện hiện sản xuất 1.355 ha rau đậu các loại, sản lượng đạt 24.704 tấn/năm, trong đó diện tích rau chuyên canh an toàn là 270 ha, sản lượng đạt 5.400 tấn. Huyện đã xây dựng được nhãn hiệu tập thể "su su Sa Pa" và đang xây dựng nhãn hiệu "Rau an toàn Sa Pa". Song, vùng sản xuất RAT mới chỉ tập trung tại thị trấn Sa Pa và một số xã lân cận. Việc liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau chưa tốt, người sản xuất rau chủ yếu tự tiêu thụ sản phẩm.

Phó Cục trưởng Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho rằng, theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, không có khái niệm rau không an toàn tồn tại ngoài thị trường. Việc tồn đọng dư lượng tạp chất, hóa chất không có lợi cho sức khỏe con người trên sản phẩm rau là do đạo đức của một số nhà sản xuất kém và công tác kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng chưa triệt để. Mặt khác, Bộ luật Hình sự mặc dù đã có chế tài xử lý đối với các hành vi sai trái trong sản xuất, kinh doanh nông sản, nhưng do phần lớn người vi phạm là nông dân sản xuất manh mún, nhỏ lẻ cho nên việc áp dụng xử lý hình sự đối với họ gặp nhiều khó khăn. Muốn RAT phát triển, trước tiên phụ thuộc vào ý thức của người sản xuất, kinh doanh, sau nữa là công tác quản lý chặt chẽ, thường xuyên của các cơ quan có trách nhiệm; sự vào cuộc rốt ráo của chính quyền địa phương, các đoàn thể. Theo Cục Trồng trọt, để đạt được mục tiêu sản xuất RAT theo kế hoạch, cần tận dụng đến mức cao nhất điều kiện đất đai, nhân lực, mở rộng diện tích gieo trồng, hướng dẫn nông dân trồng rải vụ để tránh hiện tượng khủng hoảng thừa lúc chính vụ làm rớt giá. Các địa phương cần có chính sách hỗ trợ để thúc đẩy sản xuất RAT theo VietGAP, đẩy mạnh tìm kiếm thị trường RAT, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung ổn định, tăng hiệu quả. Bên cạnh đó, cần áp dụng khoa học kỹ thuật như sản xuất rau áp dụng công nghệ cao trong nhà màn, nhà lưới; tăng cường sử dụng phân hữu cơ sinh học, phân bón qua lá; tưới nước tiết kiệm, sử dụng màng phủ nông nghiệp trong trồng rau. Đồng thời, hỗ trợ người trồng rau nâng cao nhận thức, thực hiện đúng quy trình sản xuất RAT từ khâu chọn giống, làm đất, phân bón, thuốc BVTV đến đầu ra cho mỗi sản phẩm.

MINH HÂN ĐẠT

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/31611802-de-phat-trien-san-xuat-rau-an-toan.html