Để sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng 'hút' khán giả...

Nằm trong khuôn khổ Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất, do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức tại Hải Phòng, cuộc tọa đàm về sân khấu dành cho đối tượng nhỏ tuổi diễn ra chiều 20-5, đã xới xáo nhiều vấn đề của lĩnh vực nghệ thuật này.

Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: T.D

Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: T.D

Khi thiếu nhi yêu thích nhân vật nước ngoài hơn...

Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất diễn ra từ ngày 13 đến 20-5, thu hút 14 đơn vị nghệ thuật với 17 tác phẩm thuộc nhiều thể loại như kịch nói, chèo, múa rối, xiếc…

Nhà hát Kịch Hà Nội tham gia liên hoan với vở diễn “Lời bà kể” dựa trên 2 tác phẩm “Sự tích cây nêu ngày Tết” và “Mồ Côi xử kiện”. Không chỉ nhận được sự hưởng ứng của khán giả thành phố “hoa phượng đỏ”, vở diễn cũng “làm mưa, làm gió” tại các trường học ở Hà Nội nhiều tháng qua. NSND Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho biết, sân khấu vốn là một loại hình mang đủ yếu tố để có thể thu hút và khiến khán giả nhỏ tuổi yêu thích. Tuy nhiên, sân khấu hiện nay khan hiếm kịch bản dành cho đối tượng khán giả này.

Vở "Cây tre trăm đốt" của Nhà hát Chèo Hà Nội. Ảnh: T.D

Vở "Cây tre trăm đốt" của Nhà hát Chèo Hà Nội. Ảnh: T.D

“Các tác phẩm sân khấu hiện nay đa số lấy cảm hứng từ hình tượng nhân vật hoặc cốt truyện nước ngoài. Vì thế, nhiều thế hệ thiếu nhi yêu thích các nhân vật nước ngoài hơn những câu chuyện mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Đó là điều đáng suy ngẫm và cần tìm phương án giải quyết”, NSND Trung Hiếu nhấn mạnh.

Để khắc phục tình trạng này, Nhà hát Kịch Hà Nội đã lựa chọn lấy chất liệu văn học dân gian, các câu chuyện cổ tích Việt Nam phù hợp để chuyển thể thành kịch bản sân khấu. “Điều này giúp khán giả nhí được hiểu hơn về văn hóa nước nhà, được tiếp cận một cách nhẹ nhàng, vui tươi và dễ dàng hơn qua hình thức nghệ thuật biểu diễn”, NSND Trung Hiếu chia sẻ về yếu tố thành công gần đây của đơn vị.

Việc thiết kế mỹ thuật, tạo hình nhân vật, âm thanh... mang tính đương đại… cũng sẽ khiến các tác phẩm sân khấu dành cho thiếu nhi thêm phần sinh động và gần gũi hơn với hơi thở của cuộc sống hiện đại, giúp khán giả nhỏ tuổi hào hứng hơn.

Lấy ví dụ về cách thức lôi cuốn khán giả nhỏ tuổi của Nghệ sĩ nhân dân Xuân Bắc trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật, Nghệ sĩ nhân dân Lê Chức cho rằng, phải biết tương tác với khán giả nhí, “ngây thơ hóa” bản thân để sáng tạo tác phẩm phù hợp và khiến các bạn nhỏ thích thú.

Đại diện cho thế hệ trẻ đến với tọa đàm, em Nguyễn Như Khôi, nguyên Chủ tịch Hội đồng trẻ em thành phố Hà Nội, Đại sứ trẻ em Việt Nam - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, hiện đang là học sinh lớp 12, Trường Trung học phổ thông Chu Văn An (Hà Nội), tiết lộ bản thân đã từng tham gia các vở diễn sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng của Nhà hát Tuổi trẻ, Sân khấu Lệ Ngọc. Theo em, các bạn thích xem những hình thức nghệ thuật mới, nên sân khấu muốn thu hút cần đẹp, hiện đại. Nội dung tác phẩm phải dễ hiểu, đem lại tiếng cười. Đặc biệt, khi dàn dựng và biểu diễn, các đơn vị nghệ thuật cần phân hóa nội dung theo lứa tuổi.

Thế hệ tương lai cho sân khấu

Với nhiều năm kinh nghiệm phục vụ khán giả thiếu nhi, được trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với các “thượng đế” của sân khấu, NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam cho rằng, việc phát triển sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng là rất cần thiết.

“Thanh thiếu niên cũng là thế hệ tương lai của sân khấu và sân khấu giúp các em trưởng thành, có trách nhiệm hơn”, NSND Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh.

Cảnh trong vở "Chú mèo dạy hải âu bay" của Nhà hát Tuổi trẻ. Ảnh: T.D

Cảnh trong vở "Chú mèo dạy hải âu bay" của Nhà hát Tuổi trẻ. Ảnh: T.D

Đại diện đơn vị nghệ thuật quốc gia duy nhất tại Việt Nam có chức năng biểu diễn phục vụ thiếu nhi và khán giả trẻ, với 46 năm hoạt động, NSƯT Cao Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết, có những khán giả nhỏ tuổi của nhà hát từ nhiều chục năm trước nay trở thành phụ huynh, tiếp tục đưa con em đến đây thưởng thức nghệ thuật. Đây là niềm tự hào và cũng là trách nhiệm, thách thức của những nghệ sĩ làm sân khấu thiếu nhi hiện nay.

Theo Nghệ sĩ ưu tú Cao Ngọc Ánh, Nhà hát Tuổi trẻ đã tổ chức cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu dành cho thiếu nhi để tạo nguồn kịch bản mới. Bên cạnh đó, đội ngũ sáng tạo như biên kịch, đạo diễn, nhạc sĩ... của nhà hát luôn học hỏi, cập nhật những yếu tố mới, hiện đại trên thế giới để tăng tính hấp dẫn cho tác phẩm.

Là đơn vị sân khấu xã hội hóa nổi bật của Hà Nội trong phục vụ đối tượng thiếu niên, nhi đồng với những hàng nghìn buổi diễn “cháy vé”, NSND Lệ Ngọc – người sáng lập Sân khấu Lệ Ngọc chia sẻ: Chúng tôi làm sân khấu xã hội hóa nên rất quan tâm đầu ra cho tác phẩm. Mỗi lần dựng tác phẩm mới, luôn phải suy nghĩ, nghiên cứu, tính toán và thực hiện thật chỉn chu thì mới có thể đưa các em nhỏ đến với sân khấu nhiều nhất.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/de-san-khau-danh-cho-thieu-nien-nhi-dong-hut-khan-gia-666910.html