Để sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm của Thủ đô

Sáng 29-3, tại kỳ họp chuyên đề HĐND thành phố khóa XVI, thảo luận về Dự thảo Nghị quyết Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các đại biểu HĐND thành phố đã đưa ra nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm.

Đại biểu Nguyễn Tiến Minh (Tổ Thường Tín):
Quy hoạch hệ thống giao thông đi trước một bước

Đại biểu Nguyễn Tiến Minh (tổ Thường Tín) phát biểu thảo luận tại hội trường

Tôi bày tỏ đồng tình cao với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội với mục tiêu tổng quát: Khơi dậy khát vọng phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, xanh, thông minh, ngang tầm với thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới. Trong đó, xác định sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm của Thủ đô, trục văn hóa di sản, du lịch văn hóa kết nối vùng Thủ đô và vùng đồng bằng sông Hồng. Đặc biệt, tôi nhất trí cao với 5 trụ cột phát triển Thủ đô: Văn hóa và di sản; phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn; hạ tầng đồng bộ, giao thông hiện đại; xã hội số - đô thị thông minh, kinh tế số; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo - việc làm.

Để thực hiện được quy hoạch, lấy sông Hồng làm trung tâm quy hoạch, việc quy hoạch hệ thống giao thông vận tải, đường sắt đô thị phải đi trước một bước.

Theo đó, nên điều chỉnh đường 2 bên bờ sông Hồng, phạm vi mặt cắt ngang với phạm vi như đường Trần Quang Khải hiện nay, kết hợp phát triển các cây cầu qua sông, để phát triển trục này. Đối với quy hoạch đường nội đô, nên quy hoạch theo ô bàn cờ, bổ sung đường sắt đô thị, đường sắt ngầm.

Hiện thành phố quy hoạch 10 tuyến đường sắt đô thị vẫn còn ít, cần quy hoạch thêm tuyến, để bổ sung kết nối giữa đường bộ, đường thủy.

Về vấn đề môi trường, hiện nay, thành phố có các dòng sông cổ bị ô nhiễm rất nặng, do đó, cần làm tốt quy hoạch, xây dựng cơ chế thực hiện cho đến năm 2045, không xả thải vào các dòng sông cổ như Tô Lịch, Nhuệ…, mà có hệ thống cống ngầm 2 bên, để sau đó, nước mặt sông chỉ có nước mưa…

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (Tổ Hoàng Mai):
Giải pháp giảm ùn tắc giao thông

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (tổ Hoàng Mai) phát biểu thảo luận tại hội trường

Đến nay, Hà Nội đã có bản báo cáo quy hoạch đầy đủ, toàn diện, lần đầu tiên đưa ra bức tranh về quy hoạch Thủ đô, được cử tri vui mừng với hướng phát triển của Thủ đô trong tương lai. Điều này cho thấy sự tích cực của Thường trực Thành ủy, UBND thành phố, các sở, ban ngành…

Các nội dung về kinh tế, văn hóa, đô thị… được cập nhật đầy đủ, trên cơ sở kế thừa nền tảng, kết quả về phát triển kinh tế Thủ đô thời gian qua. Những vấn đề kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, các vấn đề đô thị hiện đại cũng được cập nhật.

Để thực hiện tốt quy hoạch trên, cần quan tâm đến giao thông, đặc biệt là đường sắt đô thị. Để giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông, việc phát triển đường sắt đô thị là cốt yếu của Hà Nội trong thời gian tới. Hiện tại, mới có 1 tuyến hoàn thiện, 1 tuyến sắp vận hành, trong khi thành phố quy hoạch 10 tuyến, nhưng việc triển khai còn chậm. Nếu chúng ta phát triển tốt giao thông đường sắt, hệ thống này sẽ gánh được 30% cho vận tải hành khách. Tuy nhiên, đầu tư cho đường sắt không hề nhỏ, vì vậy, thành phố cần có bài toán huy động vốn, cơ chế về vốn để dồn nguồn lực đầu tư.

“Chỉ có phát triển đường sắt đô thị mới giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông. Nếu thành phố không quyết liệt, dự án sẽ trậm trễ, tăng chi phí, cho nên rất cần việc giám sát thực hiện”, đại biểu Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh thêm.

Bên cạnh đó, lâu nay, Hà Nội có hệ thống sông nội đô (Hồng, Đuống) nhưng việc tận dụng hệ thống đường sông để đỡ cho đường bộ chưa được quan tâm đúng mức. Vì thế, cần quan tâm việc làm sống lại các dòng sông để tạo huyết mạch giao thông thủy ở Hà Nội.

Đồng thời, phát triển giao thông phải song hành với cải thiện, bảo đảm môi trường không khí. Trên thế giới đã một số nước dừng cấp phép cho ô tô chạy xăng, Hà Nội cũng nên có chủ trương mạnh mẽ hơn nữa khuyến khích phát triển giao thông xanh (ưu đãi về vốn, tín dụng, lãi suất), phát triển hệ thống ô tô buýt điện.

Một vấn đề quan trọng hàng đầu để bảo đảm quy hoạch được thực hiện hiệu quả, cần có cơ chế giám sát đủ mạnh, bởi thực tế đã có những quy hoạch không được thực hiện, bị “treo”, chồng quy hoạch... Thành phố cần xác định rõ cơ quan nào giúp thành phố đốc thúc, giám sát việc thực hiện Quy hoạch Thủ đô thời gian tới.

Đại biểu Đường Hoài Nam (Tổ Long Biên)
Trục không gian cảnh quan sông Hồng sẽ là không gian đáng sống

Đại biểu Đường Hoài Nam.

Tôi tâm đắc với bản quy hoạch Thủ đô và mong chờ bản quy hoạch sớm được phê duyệt. Bản quy hoạch đã được thông qua nhiều vòng, kỹ lưỡng, khoa học, phù hợp Nghị quyết số 15 của Bộ chính trị, nhưng để thực hiện được cũng có nhiều thách thức.

Từ nay đến năm 2030 chỉ còn 6 năm, vì thế, thành phố cần ưu tiên thực hiện giải pháp hoàn thiện về mặt thể chế - điều kiện quan trọng. Với bản quy hoạch bố trí nguồn lực lớn, cần có ưu tiên mô hình quản trị đô thị thành phố thuộc Thủ đô; mối quan hệ giữa phân cấp, phân quyền và nguồn lực cần đồng bộ, nhất quán. Hiện tại, thành phố đã phân cấp, phân quyền một số lĩnh vực, nhưng nhiệm vụ và nguồn lực chưa đồng bộ.

Trục không gian cảnh quan sông Hồng được xác định trong quy hoạch rất quan trọng, nhưng cũng cần tính đến kết nối không gian, cảnh quan xanh sông Đuống. Đây là 1 trong 3 vùng không gian phát triển của Long Biên, là trục cảnh quan tự nhiên, gắn với sự hình thành, phát triển của Long Biên.

Để trục cảnh quan sông Hồng phát triển, cần sớm xác định tổ hợp kiên trúc dọc sông Hồng, ưu tiêu phát triển hệ thống giao thông tiếp cận dọc 2 bên bờ sông, thêm các cây cầu bắc qua sông, các tuyến đường thủy…

Chính sách huy động, sử dụng vốn, lựa chọn nhà đầu tư; cơ chế giải phóng mặt bằng cũng cần thông thoáng hơn, mới có thể sớm triển khai được quy hoạch. “Trục không gian cảnh quan sông Hồng là khó khăn, phức tạp, nếu thực hiện được sẽ là không gian đáng sống”, đại biểu Đường Hoài Nam nhấn mạnh.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/de-song-hong-la-truc-xanh-canh-quan-trung-tam-cua-thu-do-662148.html