Để Thái Bình ghi danh trên bản đồ du lịch Đồng bằng Bắc Bộ

Với tiềm năng du lịch đa dạng, từ du lịch biển, du lịch tâm linh đến du lịch làng nghề truyền thống, du khách có thể đến Thái Bình bất kỳ thời điểm nào trong năm. Nhưng tới nay Thái Bình vẫn chưa trở thành điểm đến hấp dẫn trong bản đồ du lịch Đồng bằng Bắc Bộ.

Cần phát triển dịch vụ phụ trợ

Biển không phải thế mạnh của du lịch Thái Bình xét trong tổng thể du lịch biển vùng Đồng bằng sông Hồng. Nhưng hiện nay, hai khu du lịch biển Cồn Vành (Tiền Hải) và Cồn Đen (Thái Thụy) đã được lập quy hoạch và được xác định là trọng điểm thu hút đầu tư xây dựng của tỉnh. Đây cũng chính là hai điểm đến đông khách và ổn định nhất ở Thái Bình.

Số liệu thống kê Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho thấy, lượng khách đến khu du lịch sinh thái Cồn Vành, Tiền Hải tăng đáng kể. Theo Ban Quản lý khu du lịch sinh thái cồn Vành, trong ba ngày từ 30/4-02/5/2016, lượng khách đến Cồn Vành rất đông, ước khoảng hơn 20.000 lượt người, tập trung cao điểm vào ngày 01/5 với khoảng 8.000 lượt người. Trong khi đó, các điểm du lịch lịch sử tâm linh như chùa Keo (Vũ Thư), Đền Trần (Hưng Hà) hay các làng nghề thủ công mỹ nghệ thường gắn với các lễ hội truyền thống, chỉ đông khách vào mùa hội chính tháng Giêng- Hai, nhiều năm qua không có sự biến động đáng kể về lượng khách. Tuy vậy, dù du lịch biển đang khởi sắc, khách du lịch đến Thái Bình vẫn chủ yếu là khách bình dân, khách nội tỉnh (chiếm 70-80%), và một số tỉnh lân cận. Thời gian lưu trú ngắn, chủ yếu đi trong ngày, mức độ chi tiêu trung bình do các dịch vụ kèm theo chưa đa dạng, phong phú.

Du lịch biển mùa hè lên ngôi. Ảnh chụp Cồn Vành ngày 01/7/2016. Mặc dù trời mưa nhẹ, hơn 6h chiều và không phải ngày nghỉ, bãi tắm Cồn Vành vẫn khá đông du khách vui chơi tắm biển

Tại làng nghề chạm bạc Đồng Xâm (Kiến Xương), mặc dù các đoàn khách thương mại đến thăm khá ổn định nhưng hầu như không có dịch vụ kèm theo tương xứng. Trong làng nghề không có chợ trưng bày, nhà triển lãm hay cửa hàng bán đồ lưu niệm lớn nào để du khách có thể tìm hiểu về lịch sử làng nghề hay mua quà lưu niệm. Khách muốn lưu trú qua đêm thì không có khách sạn, nhà nghỉ; và khách muốn ăn uống thì phải quay ra thị trấn cách hơn 10 cây số.

Tương tự, tại khu du lịch Cồn Vành, các nhà chòi ăn hải sản tuy rẻ nhưng thực đơn thiếu hấp dẫn, chủ yếu là các món hấp, luộc. Dịch vụ cho thuê áo tắm, phao bơi, tráng nước ngọt sơ sài và lạc hậu. Hoàn toàn không có dịch vụ giải trí về đêm. Dịch vụ lưu trú và ăn uống chưa đủ khả năng tiếp đón khách du lịch trung lưu.

Theo ông Nguyễn Công Hoan, Giám đốc Công ty Du lịch Redtour, đại đa số du khách đến Thái Bình kết hợp du lịch với hội thảo, hội nghị, hành hương, thăm thân. Trong đó, nhu cầu nghỉ ngơi, ăn uống cao hơn nhu cầu khám phá, trải nghiệm. Vì thế, phát triển dịch vụ hỗ trợ để san sẻ nguồn khách từ các trung tâm kinh tế, du lịch trọng điểm như đầu tư phát triển dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm, lưu trú… làm trạm dừng chân cho các đoàn khách khi di chuyển giữa các điểm đến trong khu vực Đồng bằng Sông Hồng là một hướng đi mà Thái Bình nên tính đến bên cạnh phát triển các hoạt động du lịch chính.

Liên kết tạo sản phẩm du lịch đặc thù

Điểm yếu của du lịch các tỉnh phía Bắc là thuộc tính “mùa vụ”. Mùa xuân các điểm di tích lịch sử thường quá tải, còn mùa hè du lịch biển lên ngôi. Trong khi đó, du lịch làng nghề có thể hoạt động quanh năm lại chưa được khai thác đầu tư hiệu quả. Theo các chuyên gia, hướng đi tốt nhất cho du lịch Thái Bình là kết hợp du lịch tâm linh, “làng” với biển để “giãn mùa” đồng thời tạo nên sản phẩm du lịch đặc thù.

Thời điểm thu hoạch lúa chiêm xuân, tất cả các xưởng nghề Đồng Xâm đều không hoạt động để thợ làm mùa chỉ một số “xưởng” tại gia vẫn thực hiện các đơn hàng nhỏ

Chuyên gia du lịch Đỗ Đình Cương cho rằng: Thái Bình có tiềm năng du lịch nhất định, nơi còn lưu giữ đa dạng nhất các giá trị văn hóa tiêu biểu của Đồng bằng Bắc bộ hiện nay. Không chỉ là hệ thống di tích lịch sử Đinh - Lý - Trần - Lê - Trịnh - Nguyễn, Thái Bình còn nổi trội so với các tỉnh khác trong vùng về số lượng lẫn giá trị của các làng nghề thủ công cổ, các sinh hoạt làng quê truyền thống gắn với nghệ thuật diễn xướng dân tộc như hát chèo, rối nước, múa cổ, lễ hội dân gian… Vì thế nếu biết chuyển hóa các tiềm năng này thành các sản phẩm du lịch đặc thù với các hoạt động du lịch hấp dẫn, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cao.

Hơn nữa, cũng theo ông Cương, một địa phương không thể phát triển du lịch một mình. Việc phát triển du lịch của một địa phương cần nằm trong mối liên kết với các địa phương khác. Liên kết tổ chức các hoạt động du lịch, liên kết xây dựng các tuyến du lịch liên tỉnh… liên kết giữa các loại hình du lịch để xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù. Nếu như cơ quan quản lý của Thái Bình cùng các địa phương lân cận như Nam Định, Hưng Yên, Hà Nam, Hải Phòng có thể ngồi lại với nhau để bàn các chiến lược liên kết phát triển thì chắc chắn du lịch vùng đồng bằng sông Hồng sẽ từ “điểm trũng” thành “điểm sáng” của du lịch phía Bắc.

Bài và ảnh: Thái Bình

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/du-lich/de-thai-binh-ghi-danh-tren-ban-do-du-lich-dong-bang-bac-bo-228360.html