Đề thi môn Ngữ văn chủ yếu kiến thức cơ bản

(HQ Online)- Năm nay, đề thi môn Ngữ văn được đánh giá là khá dễ, không đề cập đến các vấn đề thời sự nóng bỏng trong thời gian qua.

Thí sinh trao đổi bài thi sau khi kết thúc môn Ngữ văn. Ảnh ĐH.

Sáng nay, thí sinh làm bài thi THPT quốc gia môn Ngữ văn theo hình thức tự luận, thời gian làm bài thi là 180 phút.

Theo ghi nhận của phóng viên báo Hải quan, nhiều thí sinh hoàn thành bài thi môn Ngữ văn khi vừa hết 2/3 thời gian thi. Bước ra phòng thi với tâm trạng vui vẻ, thí sinh Bùi Ngọc Anh, trường THPT Ngô Quyền (Ba Vì- Hà Nội) chia sẻ: “Đề thi môn Ngữ văn sát với kiến thức trong sách giáo khoa, không có những vấn đề thời sự của xã hội. Ở phần câu nghị luận đòi hỏi thí sinh có kiến thức thực tế mới có thể hoàn thành bài thi tốt”.

Kết thúc môn thi Ngữ văn, theo nhận xét của nhiều thí sinh tại các cụm thi của TP.HCM, đề thi môn này khá dễ, nên nhiều thí sinh không cần đến thời gian 180 phút để làm bài.

Là một trong những thí sinh ra sớm nhất ở điểm thi trường Đại học Công nghệ TPHCM, thí sinh Phạm Hồng Quân, học sinh trường THPT Gia Định nhận định đề dễ. “Em chỉ mất 2 tiếng để làm xong đề này dù không phải học sinh chuyên văn. Em nghĩ mình đạt khoảng 6-7 điểm. Mặc dù đề thi không mang tính thời sự như dự đoán ban đầu của em nhưng em thích nhất câu nghị luận xã hội nói về sự hèn nhát và dũng cảm”, thí sinh Phạm Hồng Quân cho biết.

Đánh giá về đề thi môn Ngữ văn, thầy Trịnh Quỳnh, giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh (Nam Định) nhận xét: Đề thi khá cũ, không có tính mới mẻ và chưa cập nhật tính thời sự xã hội cũng như các vấn đề từ thực tiễn. Các văn bản lấy trong sách giáo khoa học sinh đã ôn luyện kỹ nên không có gì bỡ ngỡ.

Câu nghị luận văn học mang tính truyền thống vẫn cần đến việc tái hiện kiến thức. Tuy nhiên, học sinh phải biết giải thích ý kiến tình hướng bất thường và khát vọng bình thường, biết cách phân chia luận điểm rõ ràng. Câu nghị luận xã hội đề cập đến tư tưởng đạo lý nhưng học sinh có thể lấy vấn đề, hiện tượng đời sống đề làm sáng rõ. Đề có hai vế sẽ nhấn vào vế thứ 2 đó là đề cao sự dũng cảm, trong đó quan trọng nhất là dũng cảm đối diện với chính mình, tự nhận sai và sửa sai thì mới tìm được chính mình.

Thầy Trịnh Quỳnh đánh giá: Đề thi môn Ngữ văn vẫn đòi hỏi học thuộc lòng văn bản nên không mới, học sinh dễ tư duy đề theo lối mòn.

Đánh giá về đề thi môn Ngữ văn năm nay, thầy Nguyễn Công Toàn, giáo viên môn Văn học, Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP.HCM) cho biết, đề thi nằm trong kiến thức cơ bản, không đánh đố thí sinh, nếu học sinh ôn tập kỹ các sẽ cầm chắc 6 điểm. Riêng câu Nghị luận văn học học sinh phải chú ý một chút vì trước hết phải hiểu đề yêu cầu bắt đầu triển khai phần Thân bài từ đâu (Tình huống truyện- Nội dung Tràng nhặt được vợ thế nào- Rồi mới tới phần mẹ con bà cụ Tứ nói gì với nhau trong đêm đó và buổi sáng hôm sau.) Nếu học sinh học bài không kỹ nhưng tinh ý chút và chỉ cần nhớ cốt truyện và tóm tắt lại truyện cũng đạt 1,5/ 4 điểm của câu này.

Sáng 2-7, trong buổi thi môn Ngữ văn tại điểm thi trường Đại học Bách khoa Hà Nội có một thí sinh nam bị phát hiện sử dụng phao thi. Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết khi giám thị lập biên bản và đề nghị dừng làm bài, thí sinh này cãi lại giám thị, không chịu ký vào biên bản. Giám thị phòng thi phải yêu cầu một thí sinh chứng kiến ký vào biên bản, sau đó yêu cầu nam sinh vi phạm ở lại phòng hội đồng coi thi, sau 2/3 thời gian mới được ra ngoài. Hội đồng thi Đại học Bách khoa cho biết sẽ áp dụng theo đúng hướng dẫn của Bộ Giáo dục- Đào tạo với trường hợp này và bảo vệ giám thị trước hành động quá khích của thí sinh.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/de-thi-mon-ngu-van-chu-yeu-kien-thuc-co-ban.aspx