Để tín ngưỡng thờ Mẫu không bị thương mại hóa

Tối 2/4, đã diễn ra Lễ đón bằng UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại dành cho 'Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt' tại Phủ Dầy (Nam Định).

Tới dự Lễ đón nhận có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo của nhiều bộ, ban, ngành, các đại biểu hội đồng di sản văn hóa quốc gia, đại diện UNESCO và đại sứ các nước là thành viên UNESCO…

Ngày 2/12/2016 UNESCO đã công nhận Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trở thành di sản văn hóa phi vật thể thế giới dưới góc độ Lễ hội, tín ngưỡng thờ cúng, trang phục, âm nhạc… Tại buổi lễ, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam bà Susan Vize đã trao Bằng công nhận di sản phi vật thể thế giới cho đại diện lãnh đạo Bộ VHTT&DL, lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định.

Một buổi thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt

Một buổi thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt

Phát biểu tại buổi lễ, bà Susan Vize đánh giá, Chiến tranh kéo dài hàng chục thập kỷ đã đặt ra thách thức trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, từ chỗ bị hạn chế do hiểu lầm những giá trị đích thực đã lan tỏa mạnh mẽ. Có được kết quả này là nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và những người gánh vác trên vai nhiệm vụ “trên lo việc thánh, dưới gánh việc trần”.

Thực hành nghi lễ tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ tiêu biểu là nghi lễ lên đồng, là cuộc đối thoại và giao tiếp tâm linh của những con người về trời, sông nước, việc nước. Việc chia sẻ các giá trị tín ngưỡng về tình thương bác ái của các vị thánh, đặc biệt thánh mẫu liễu hạnh về nền tảng giá trị đạo đức, giá trị nhân văn, ở phương diện xã hội tính chất cởi mở của di sản được khích lệ. Chính vì những giá trị đó nên UNESCO đã ghi danh vào danh sách di sản phi vật thể của nhân loại.

Đáp lễ tấm lòng của đại diện UNESCO, ông Nguyễn Ngọc Thiện - Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đã công bố chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, gồm có năm nội dung, gồm:

1. Tiếp tục nhận diện giá trị, nghiên cứu, kiểm kê, tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội;

2. Tạo điều kiện cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, khuyến khích các nghệ nhân cao tuổi truyền dạy những bài bản hát văn cổ cho thế hệ trẻ, tăng cường các hình thức giáo dục về giá trị và ý nghĩa của di sản trong trường học;

3. Tôn vinh các cá nhân, cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản, có chính sách khen thưởng và phong tặng danh hiệu… cho các nghệ nhân có nhiều đóng góp…;

4. Thực hiện các biện pháp quản lý Nhà nước nhằm gìn giữ, bảo vệ và phát huy những giá trị tốt đẹp của di sản, loại bỏ, ngăn ngừa những hủ tục và các hành vi lợi dụng di sản để trục lợi….

5. Phối hợp với các cơ quan truyền thông, các hội nghề nghiệp tổ chức giới thiệu, quảng bá cho di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu dưới nhiều hình thức…

Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam trao Bằng công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là sản phi vật thể thế giới cho đại diện Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá sự kiện này là niềm tự hào của Nam Định, của các địa phương sở hữu tín ngưỡng và của tất cả người dân Việt Nam. Phó Thủ tướng cho rằng, khi tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO ghi danh đã thêm một di sản văn hóa vô giá mà cha ông ta đã lưu truyền lại được cam kết tỏa sáng trong dòng chảy văn minh nhân loại. Tuy nhiên, song song với niềm vinh dự là trách nhiệm phải bảo tồn, phát huy giá trị di sản tốt hơn, nên cần thực hiện thật tốt chương trình hành động quốc gia, để di sản không bị làm sai lệch, bị tầm thường hóa, thương mại hóa.

Lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định hứa sẽ xây dựng Đề án chi tiết, cụ thể hóa những nội dung của Chương trình hành động quốc gia bảo vệ, và phát huy giá trị di sản Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt giai đoạn 2017 - 2020, để Di sản có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của đất nước, và sự đa dạng văn hóa của nhân loại.

Sau nghi lễ trao bằng, một chương trình nghệ thuật chương trình nghệ thuật chào mừng được xây dựng trên nền âm nhạc chủ đạo là Hát văn, đây là một loại hình âm nhạc dân tộc độc đáo gắn liền với Nghi lễ chầu văn mà Nam Định là cái nôi của loại hình nghệ thuật này. Nội dung chương trình nghệ thuật tôn vinh bản sắc và giá trị đặc sắc của di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đồng thời cũng phản ánh Nam Định vùng đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa có nhiều đóng góp vào kho tàng Di sản văn hóa của dân tộc.

Linh Anh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/chinh-thuc-dua-ra-ke-hoach-de-tin-nguong-tho-mau-khong-bi-thuong-mai-hoa-284484.html