Để TP.HCM thành 'gã khổng lồ' trong sản xuất chip

Thông qua thiết lập các chính sách phù hợp và đưa ra những ưu đãi tốt nhất, có lợi cho các doanh nghiệp, doanh nhân, TP.HCM có thể đạt được mục tiêu vươn ra khỏi khâu đóng gói như hiện tại, tiến tới sản xuất vi mạch.

TP.HCM đang định vị và vươn mình trở thành trung tâm sản xuất chip hàng đầu thế giới. Điều này hoàn toàn khả thi khi TP có đầy đủ các yếu tố nền tảng quan trọng, từ cơ sở hạ tầng sẵn có, cơ chế, chính sách và đầu tư linh hoạt cũng như nguồn nhân lực tài năng.

Đầu tư vào Việt Nam (VN) từ năm 2006, sau 15 năm (đến năm 2021), Intel trở thành công ty Mỹ đầu tiên mở nhà máy và lắp ráp chip tại VN với mức đầu tư khởi nguồn là 1 tỉ USD. Tương tự, gã khổng lồ Marvell Technology của Mỹ đã thành lập trung tâm thiết kế vi mạch ở TP.HCM. Không những thế, Marvell còn định hướng đây sẽ là trung tâm hàng đầu của tập đoàn trên phạm vi toàn cầu.

Cách đây 10 năm, các kỹ sư VN của Trung tâm Đào tạo và thiết kế vi mạch (ICDREC) thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM cũng đã chế tạo thành công con chip “Make in Vietnam”.

Tất cả yếu tố trên cho thấy TP.HCM đang là điểm đến đầu tư hấp dẫn của các ông lớn trong ngành vi mạch. Đặc biệt, với nền tảng chính sách từ Nghị quyết 98/2023, TP đang đặt mục tiêu lớn trong việc thúc đẩy mạnh mẽ hơn cho sự phát triển ngành vi mạch, hướng đến làm chủ hoàn toàn công nghệ này.

Để cụ thể hóa mục tiêu, TP đã và đang đầu tư vào việc thành lập các trung tâm nghiên cứu, giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực sản xuất chip. Hơn thế, TP đã sẵn có nguồn nhân lực trẻ, được đào tạo bài bản để trở thành nhân tố quan trọng trong ngành công nghiệp chip.

Theo nhiều chuyên gia, những tập đoàn toàn cầu trong lĩnh vực vi mạch có xu hướng thiết lập sản xuất tại các quốc gia có môi trường kinh doanh thuận lợi về lao động, có chi phí hợp lý, cơ sở hạ tầng ổn định, quyền sở hữu trí tuệ được đảm bảo cũng như chính sách ưu đãi hấp dẫn của Chính phủ.

Hiện TP.HCM đang đáp ứng khá tốt các vấn đề này. Do đó, TP cần xây dựng thương hiệu là nơi tốt nhất cho ngành sản xuất vi mạch toàn cầu. Điều này có thể được thực hiện bằng cách thúc đẩy đổi mới và tinh thần khởi nghiệp để thiết lập một ngành công nghiệp điện tử cạnh tranh trong nước.

Thông qua thiết lập các chính sách phù hợp và đưa ra những ưu đãi tốt nhất, có lợi cho các doanh nghiệp, doanh nhân, TP.HCM có thể đạt được mục tiêu vươn ra khỏi khâu đóng gói như hiện tại, tiến tới sản xuất vi mạch.

Thế nhưng nếu chỉ dựa vào những nền tảng và tiềm năng vốn có, có lẽ chưa đủ để TP đạt mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất chip hàng đầu thế giới. TP cần phải có cách tiếp cận đa diện nhằm cân bằng giữa phát triển doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước bằng cách đưa ra sự kết hợp phù hợp giữa các ưu đãi và cơ sở hạ tầng hiện đại. Làm được điều này, TP sẽ thu được lợi ích về mặt đầu tư và tiến bộ trong phát triển kinh tế - xã hội. Và tất nhiên, đây sẽ là một lực đẩy rất mạnh để TP chuyển mình trở thành “gã khổng lồ” về sản xuất chất bán dẫn hàng đầu toàn cầu.

PHƯƠNG MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-tphcm-thanh-ga-khong-lo-trong-san-xuat-chip-post754495.html