Đề Văn "dễ thở", thí sinh dời phòng thi sớm

Trái với 2 môn thi đầu tiên (Toán, Ngoại ngữ) được đánh giá là khó nhằn, ở môn thi thứ 3 - Ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia diễn ra sáng nay (2/7), thí sinh đã thở phào vì đề thi "dễ thở", nhiều em dời phòng thi sớm trước 1 tiếng.

Thí sinh trao đổi bài sau khi kết thúc môn Ngữ văn tại điểm thi Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: TTH

Đa phần thí sinh nhận xét đề thi môn Văn năm nay "dễ thở" hơn so với dự đoán. Tuy nhiên nhiều thí sinh tỏ ra bất ngờ vì phần thi nghị luận không rơi vào các chủ đề thời sự mà lại là câu hỏi về sự hèn nhát và dũng khí: “Sự hèn nhát khiến con người tự đánh mất mình, còn dũng khí lại giúp họ được là chính mình”.

Thí sinh Ngô Uyên Nhi (Sơn Tây, Hà Nội) chia sẻ: Đề thi Văn những năm gần đây luôn gắn với các vấn đề thời sự. Vì vậy trong lúc ôn thi em vẫn không dám bỏ một chương trình thời sự nào lúc 7 giờ tối, ngoài ra em còn dành thời gian đọc báo, đọc mạng Internet... nhưng đề Văn lại không đả động tới vấn đề thời sự nào. Mặc dù "lệch tủ" nhưng em vẫn làm khá tốt và kết thúc thời gian làm bài sớm vì phần đọc hiểu tương đối dễ, bài văn nghị luận thì em viết theo ý mình.

Khá thích thú với câu hỏi nghị luận xã hội, Nguyễn Tài Đô (học sinh Trường Chuyên Sư phạm Hà Nội) chia sẻ: Đề bài tự luận e thích nhất vì em có thể thể hiện được quan điểm của bản thân. Đề bài thiết thực và gần gũi, phù hợp với học sinh và giới trẻ.

Theo nhiều thí sinh câu hỏi khó nhất trong đề Văn là câu hỏi nghị luận văn học liên quan đến tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân: "Trong truyện ngắn Vợ nhặt, Kim Lân đã xây dựng được một tình huống bất thường để nói lên khát vọng bình thường mà chính đáng của con người”. Thí sinh Hoàng Trung Kiên, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm , Hà Nội cho biết: Năm nay, đề Văn dễ hơn năm ngoái. Nhưng câu hỏi liên quan đến tác phẩm Vợ nhặt khá hóc búa. Em không hiểu rõ câu hỏi nên làm không tốt câu này.

Chiều nay, các thí sinh sẽ bước vào môn thi Vật lý với thời gian 90 phút theo hình thức trắc nghiệm.

Đề thi... cũ

Thầy Trịnh Quỳnh - giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh (Nam Định) nhận xét: Đề thi khá cũ, không có tính mới mẻ và chưa cập nhật tính thời sự xã hội cũng như các vấn đề thực tiễn. Các văn bản lấy trong SGK học sinh đã ôn luyện rất kỹ nên không có gì bỡ ngỡ.

Câu nghị luận văn học mang tính truyền thống vẫn cần đến việc tái hiện kiến thức. Tuy nhiên học sinh giỏi phải biết giải thích ý kiến tình huống bất thường và khát vọng bình thường, biết cách phân chia luận điểm rõ ràng.

Câu nghị luận xã hội đề cập đến tư tưởng đạo lý nhưng học sinh có thể lấy các vấn đề hiện tượng đời sống để làm sáng rõ. Đề có 2 vế sẽ nhấn vào vế thứ 2 đề cao sự dũng cảm trong đó quan trọng nhất là dũng cảm đối diện với chính mình, tự nhận sai sửa sai thì mới tìm được chính mình.

Theo thầy Quỳnh, đề thi vẫn đòi học thuộc lòng văn bản nên không mới, học sinh dễ tư duy đề thi đi theo lối mòn.

TTH

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/giao-duc/de-van-de-tho-thi-sinh-doi-phong-thi-som_t114c8n105584