Đề xuất đánh thuế tiền lãi gửi tiết kiệm: Tranh luận nóng

Đề xuất đánh thuế với tiền lãi gửi tiền kiệm của người giàu do LS Trương Thanh Đức đưa ra vấp phải sự phản ứng gay gắt từ các chuyên gia.

Phải đánh thuế tiền lãi gửi tiết kiệm

Mới đây tại Hội thảo lấy ý kiến sửa 5 Luật do Phòng Công nghiệp - Thương mại VN (VCCI) tổ chức, Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico (Hà Nội) đã đề nghị đánh thuế vào khoản tiền lãi, tiền gửi tiết kiệm của người giàu.

Theo ông Đức, đối với người gửi tiết kiệm chỉ có vài chục triệu đồng hay thậm chí lên tỷ đồng vẫn không tính là nhiều. Tuy nhiên, với những người gửi tiết kiệm lên mức hàng chục tỉ đồng thì đó nên gọi là tiền đầu tư và phải chịu thuế.

Đặc biệt, theo quy định hiện hành, mức thuế khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân là 108 triệu đồng/năm. Nếu một cá nhân có tiền lãi gửi tiết kiệm hằng năm lên hơn gấp 2 mức thu nhập chịu thuế quy định hiện nay thì đây là khoản tiền lớn và cần phải chịu thuế thu nhập.

Luật sư Trương Thanh Đức đề nghị đánh thuế với lãi tiền gửi tiết kiệm của người giàu

Luật sư Trương Thanh Đức đề nghị đánh thuế với lãi tiền gửi tiết kiệm của người giàu

Ông Đức nhận định, nếu một khoản lãi từ tiền gửi tiết kiệm của một cá nhân cao hơn 200 triệu đồng thì cần phải xét vào diện chịu thuế. Hiện với mức lãi suất cho vay hiện khoảng 7%/năm, để có số tiền lãi 200 triệu đồng/năm, người cho vay tiền sẽ gửi ngân hàng khoảng 3 tỷ đồng trở lên.

“Thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập bất thường, cần tính theo từng khoản thu nhập, không cộng dồn, tránh phức tạp, thu không được bao nhiêu... Lâu nay chúng ta đã quá yêu chiều ngành ngân hàng. Nhiều người thu nhập từ tiết kiệm ngân hàng tới hai trăm triệu đồng thì như vậy phải gọi là đầu tư rồi”, ông Đức khẳng định.

Đây không phải là lần đầu tiên đề xuất đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm được đưa ra. Năm 2013, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM từng đưa ra đề xuất đánh thuế thu nhập với những khoản tiền gửi tiết kiệm trên 500 triệu đồng để khuyến khích dòng tiền đưa vào sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, ngay sau đó, đề xuất này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ.

Tăng thuế VAT không ảnh hưởng tới người nghèo: Giải thích lạ

Khó thực hiện trong thực tiễn?

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong khẳng định bản thân không đồng tình với kiến nghị trên đồng thời dự đoán đề xuất sẽ không được thực hiện.

“Đấy là một ý kiến tồi vì, phần lớn những người gửi tiết kiệm đều là đối tượng chính sách và người nghèo. Họ có ít tiền gửi tiết kiệm để bổ sung vào lương còi mà đánh thuế thì xã hội không nhân văn. Thứ hai nữa ngân hàng đang tăng tín dụng mà đánh thuế, người ta sẽ không gửi nữa thì lấy đâu ra tiền huy động”, ông Phong khẳng định với tờ Reatimes.

Luật sư Phạm Công Út, Đoàn Luật sư TP.HCM cũng cho rằng, tiền tiết kiệm tạo vấn đề an toàn tín dụng tài chính. Nó là nguồn quỹ dồi dào mà các cơ quan tài chính, ngân hàng có thể kiểm soát và lưu thông hàng hóa được.

Các chuyên gia dự đoán đề xuất đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm khó có thể thực hiện được

Đối với số tiền nhàn rỗi thay vì cất trong tủ không sinh lãi được, người dân sẽ gửi ngân hàng. Khi gửi ngân hàng lãi suất tiết kiệm là một mức lãi suất thấp nhất. Như vậy, nếu đánh thuế sẽ ảnh hưởng đến vấn đề huy động vốn trong nhân dân với số tiền nhàn rỗi này.

“Hiện nay số tiền lãi đã thấp, nếu còn đánh thuế thì người ta sẽ không gửi. Đó là điều bất hợp lý”, luật sư Phạm Công Út nói.

Về việc đánh thuế, theo luật sư Phạm Công Út, hiện nay hầu hết những hoạt động sinh ra lợi nhuận, thu nhập đều đã đánh thuế, còn một số khác không đánh thuế là mang tính chất nhân đạo, hoặc chủ trương mang tầm vỹ mô của Nhà nước là khuyến khích nên không đánh thuế.

Hoàng Nam(Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/de-xuat-danh-thue-tien-lai-gui-tiet-kiem-tranh-luan-nong-3343225/