Đề xuất điều chỉnh mức thuế thu nhập cá nhân, mức giảm trừ gia cảnh phù hợp

Cần xem xét điều chỉnh mức thuế thu nhập cá nhân, mức giảm trừ gia cảnh áp thuế thu nhập cá nhân phù hợp với mức sống và lạm phát thực tế của người lao động.

Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại chương trình.

Đây là nội dung được đông đảo doanh nghiệp, Chủ tịch Công đoàn cơ sở doanh nghiệp quan tâm góp ý, kiến nghị và đề xuất giải pháp với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh tại Chương trình “Đồng hành cùng doanh nghiệp” do Liên đoàn Lao động Thành phố tổ chức ngày 10/5.

Theo bà Huỳnh Thị Thu Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lạc Tỷ, đời sống của công nhân, người lao động thời gian gần đây gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm, thu nhập không bắt kịp so với giá cả thị trường. Do vậy, việc áp dụng mức thuế thu nhập cá nhân như hiện nay không còn phù hợp, nhất là khi đã 15 lần tăng lương nhưng giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân chỉ tăng 2 lần. Thuế thu nhập cá nhân hay cách tính số tuyệt đối cũng không phù hợp bởi mỗi vùng miền, khu vực thành thị, nông thôn… có mức sống khác nhau.

Cụ thể, thu nhập của người lao động Thành phố vừa đủ sống là phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Bà Thu Hà kiến nghị cần xem xét lại cánh tính thuế thu nhập cá nhân hoặc đề xuất cách tính dựa theo mức lương cơ sở, lương tối thiểu vùng…

Cùng quan điểm, ông Âu Dương Tú, đại diện Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh cũng đề xuất thay đổi chính sách về thuế thu nhập cá nhân và người phụ thuộc để giảm gánh nặng về thuế và tăng thu nhập cho người lao động. Ông Tú kiến nghị nên có chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân cho người lao động nghèo đang điều trị bệnh nan y, khi họ nhận được từ nguồn tài chính giúp đỡ…

Nhận định tình hình sản xuất kinh doanh không thuận lợi do ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu, sức chi tiêu của người dân giảm nên nhiều đại biểu kiến nghị giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số lĩnh vực; tăng cường hỗ trợ thúc đẩy các chương trình hợp tác nhằm tăng nguồn thu, tạo công ăn việc làm cho người lao động; tăng cường các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bị nợ thuế…

Bà Trần Phương Thảo, Công ty SGS Trách nhiệm hữu hạn đánh giá cao việc thành lập các điểm phúc lợi đoàn viên tại các doanh nghiệp có đông công nhân lao động trong thời gian qua. Điều này cho thấy hoạt động Công đoàn có nhiều đổi mới. Bà Phương Thảo đề xuất các cấp Công đoàn Thành phố hỗ trợ, tạo điều kiện kết nối doanh nghiệp với Công đoàn tại các trường đại học, nhằm tăng cường trao đổi thông tin, cung cấp nguồn lực tiềm năng cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho nhà trường, sinh viên tốt nghiệp có cơ hội việc làm.

Tương tự, nhiều đại biểu đề xuất tổ chức Công đoàn cùng các ngành liên quan hỗ trợ vốn vay cho doanh nghiệp; giới thiệu, tìm nguồn lao động, giới thiệu việc làm miễn phí; các cơ quan chức năng xem lại điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp tại điều 111 Dự thảo Luật Việc làm, đồng thời kiến nghị vẫn giữ nguyên như quy định cũ.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng đánh giá cao các doanh nghiệp đã và đang đồng hành cùng Thành phố, quan tâm chăm lo người lao động qua việc tăng thời gian nghỉ, các chế độ, chính sách quyền lợi của người lao động… Đặc biệt, khi nền kinh tế chịu nhiều tác động, doanh nghiệp tuy gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn dành sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động có việc làm, ổn định cuộc sống.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại chương trình.

"Năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá để về đích hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế giai đoạn 2020-2025. Đây là dịp nghe, hiểu, đồng hành và tháo gỡ các khó khăn của doanh nghiệp tại Thành phố. Các sở, ngành Thành phố sẽ đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, đơn hàng, việc làm của người lao động… để TP Hồ Chí Minh ổn định, phát triển, hoàn thành nhiệm vụ 2020-2025", ông Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh.

Cũng tại Chương trình, đại diện các đơn vị, sở, ngành liên quan đã tiếp thu và có những giải đáp trực tiếp, làm rõ các nội dung được quan tâm, giúp doanh nghiệp nắm, hiểu rõ hơn về các quy định pháp luật; tiếp tục nghiên cứu đổi mới hoạt động để phù hợp trong tình hình mới, cùng tổ chức Công đoàn xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ trong doanh nghiệp.

Tin, ảnh: Thanh Vũ (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/de-xuat-dieu-chinh-muc-thue-thu-nhap-ca-nhan-muc-giam-tru-gia-canh-phu-hop-20240510185227310.htm