Đề xuất giám giờ làm xuống 48 giờ/tuần: Người lao động sợ không đảm bảo thu nhập

Nhiều lao động cho rằng, việc giảm giờ làm xuống dưới 48 giờ/tuần sẽ đồng nghĩa với việc giảm lương. Như vậy sẽ càng khó khăn hơn trong việc đảm bảo đời sống sinh hoạt cho gia đình.

Bộ LĐTBXH vừa có báo cáo gửi Chính phủ về việc xử lý các kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam liên quan đến đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường của người lao động xuống thấp hơn 48 giờ/tuần.

Bộ LĐTBXH cho biết, giảm giờ làm việc bình thường xuống dưới 48 giờ/tuần là một chính sách có tác động lớn đến kinh tế - xã hội vì thế cần nghiên cứu kỹ. Vì vậy, Bộ sẽ nghiên cứu đầy đủ các cơ sở khoa học và thực tiễn để bảo đảm tính khả thi khi đề xuất chính sách này trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động năm 2019.

Trước đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và một số đại biểu Quốc hội đã có kiến nghị về giảm giờ làm việc bình thường cho người lao động xuống dưới 48 giờ/tuần nhằm sớm thực hiện Nghị quyết số 101/2019/QH14 của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Cụ thể Nghị quyết nêu rõ, "Giao Chính phủ căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nghiên cứu đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường đối với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần, và báo cáo Quốc hội xem xét vào thời điểm thích hợp".

Ông Phạm Trọng Nghĩa - Đại biểu quốc hội, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề xuất giảm giờ làm việc bình thường cho người lao động trong khu vực tư từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần, tiến tới 40 giờ/tuần như trong khu vực công.

Chị Vân lo lắng giảm giờ làm đồng nghĩa với việc giảm lương. Ảnh: Quỳnh Mai.

Chị Vân lo lắng giảm giờ làm đồng nghĩa với việc giảm lương. Ảnh: Quỳnh Mai.

Theo ông Nghĩa, việc giảm giờ làm là việc hết sức cần thiết. Bởi, chúng ta áp dụng chế độ 48 giờ/tuần tức là 6 ngày/tuần từ rất lâu. Ở khu vực công đã giảm xuống chế độ 40 giờ/tuần từ năm 1999.

Mặt khác, ở Việt Nam, thời giờ làm thêm tương đối cao, quy định 200-300 giờ/năm. Như vậy, tổng thời gian làm việc thực tế của người lao động bằng thời gian làm việc tiêu chuẩn cộng giờ làm thêm là tương đối cao so với mặt bằng chung của các nước.

Người lao động lo sợ không đảm bảo thu nhập

Chị Nguyễn Thị Thanh Hằng (39 tuổi, Thạch Thất, Hà Nội) vừa mới phải nộp đơn xin nghỉ làm ở một Công ty chuyên về cung cấp suất ăn vì thời gian làm việc quá nhiều. Chị cho biết, phần lớn chị đều phải làm việc 10h/ngày, trong khi lương chỉ khoảng 5-6 triệu đồng/tháng.

"Sáng đi làm từ 5h30 hoặc 6h sáng, trưa chỉ được nghỉ 1h, nhiều khi doanh nghiệp cho ăn mì tôm thay cơm vì cơm đã bán hết. Chiều cũng 4h30-5h mới được nghỉ làm vì phải tăng ca mới xong hết việc.

Tôi đã cố gắng làm để tăng thêm thu nhập cho gia đình vì hiện tại xin được công việc cũng không phải dễ dàng. Nhưng vừa rồi họ lại báo tăng thêm 2000 suất ăn nữa mà lương thì không tăng thêm đồng nào nên tôi quyết định phải nghỉ làm. Nếu không chắc sẽ phải đi làm đến 7-8h tối mới về đến nhà mất", chị Hằng chia sẻ.

Chị Hằng cũng bày tỏ, bản thân đồng tình với đề xuất giảm giờ làm việc bình thường của người lao động xuống thấp hơn 48 giờ/tuần vì nghĩ đến sức khỏe. Nhưng chị lại lo lắng, giảm giờ làm thì tiền lương cũng sẽ bị giảm đi, như vậy chất lượng đời sống sinh hoạt của gia đình cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Cùng nỗi lo với chị Hằng, chị Nguyễn Thị Hoa (46 tuổi), công nhân một công ty ở Biên Hòa, Đồng Nai cho hay, nếu được giảm giờ làm xuống dưới 48 giờ/tuần thì chị sẽ có nhiều thời gian chăm lo cho gia đình hơn. Tuy vậy, chị cũng lo lắng rằng, tiền lương của mình sẽ giảm xuống.

Nhiều lao động cho rằng, việc giảm giờ làm xuống dưới 48 giờ/tuần sẽ đồng nghĩa với việc giảm lương. Ảnh minh họa (Nguồn Internet).

Nhiều lao động cho rằng, việc giảm giờ làm xuống dưới 48 giờ/tuần sẽ đồng nghĩa với việc giảm lương. Ảnh minh họa (Nguồn Internet).

"Vì lương của tôi chủ yếu "ăn" theo sản phẩm, làm càng nhiều thì lương thưởng sẽ càng cao. Nếu giảm giờ làm thì đồng nghĩa với việc sản phẩm làm ra cũng sẽ giảm xuống. Như vậy doanh nghiệp sẽ trả lương thấp hơn. Tôi cho rằng nếu đề xuất giảm giờ làm mà lương vẫn giữ nguyên thì mới có thể giúp cho người lao động", chị Hoa nói.

Cũng giống chị Hoa, chị Nguyễn Thị Vân (43 tuổi) làm việc tại một công ty ở Hải Dương, nhận lương chủ yếu theo sản phẩm. Chị Vân cho biết, tiền lương hiện tại của chị rơi vào khoảng 12-13 triệu đồng/tháng, nhưng 2/3 số lương là tiền "ăn" theo số lượng sản phẩm. Chị lo lắng, nếu giảm giờ làm thì số lượng sản phẩm chị làm ra cũng sẽ bị giảm đi, như vậy tiền lương mỗi tháng cũng sẽ vì thế mà giảm xuống.

Cũng liên quan đến vấn đề này, chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Phước Đại - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Juki Việt Nam (KCX Tân Thuận, quận 7, TPHCM) cho rằng, nếu được rút ngắn thời gian làm việc, người lao động sẽ rất vui vì có thời gian chăm sóc gia đình, có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động.

Tuy nhiên, đây chưa phải là thời điểm phù hợp để thực hiện vì thời gian qua, doanh nghiệp đã phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh, suy thoái kinh tế. Tại công ty nơi ông làm việc, tình trạng thiếu đơn hàng kéo dài từ tháng 8/2023 đến tháng 2/2024 và hiện vẫn chưa ổn định, có xưởng chỉ làm 12 ngày công/tháng, thu nhập người lao động giảm.

Ông Đại cho rằng, với tình hình thực tế hiện nay, lao động sẽ mong được tăng lương hơn là giảm giờ làm.

Xem tiếp bài viết liên quan:

Quỳnh Mai

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/de-xuat-giam-gio-lam-xuong-48-gio-tuan-nguoi-lao-dong-so-khong-dam-bao-thu-nhap-169240406210154906.htm