Đề xuất giảm mức hình phạt tù đối với người chưa thành niên phạm tội

Bên cạnh mở rộng áp dụng hình phạt tiền với người đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, dự thảo luật cũng quy định trường hợp người chưa thành niên bị phạt tù được cho hưởng án treo; giảm mức hình phạt tù cao nhất…

Sáng 17/4, tại phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến với Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Đây là dự án luật mới, được Quốc hội khóa XV đưa vào chương trình.

Mức phạt tù tối đa với người chưa thành niên còn nghiêm khắc

Trình bày tờ trình, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Tiến nhấn mạnh, việc xây dựng Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên là đòi hỏi bức thiết của cuộc sống.

Việt Nam có nhiều bộ luật, luật, văn bản dưới luật điều chỉnh về tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên.

“Các chính sách hình sự cơ bản theo hướng khoan hồng… Thiết chế bảo vệ người chưa thành niên trong hoạt động tư pháp, đặc biệt là hệ thống Tòa gia đình và người chưa thành niên, đã được kiện toàn...”, theo tờ trình.

Tuy nhiên, hệ thống pháp luật hiện hành cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Trong đó, hệ thống hình phạt chưa phù hợp với độ tuổi, đặc điểm, tính chất hành vi phạm tội của người chưa thành niên.

Đề xuất giảm mức hình phạt tù đối với người chưa thành niên phạm tội (Ảnh minh họa)

Một số hình phạt không có sự phân hóa giữa người chưa thành niên và người trưởng thành. Mức hình phạt tù tối đa áp dụng với người chưa thành niên vẫn còn nghiêm khắc; điều kiện người chưa thành niên được tha tù trước hạn vẫn còn chặt chẽ...

TAND Tối cao cũng cho hay, thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự có người chưa thành niên tham gia cho thấy thủ tục giải quyết còn rườm rà, thời gian giải quyết còn dài.

“Quan điểm xử lý người chưa thành niên phạm tội vẫn còn nặng về răn đe, áp dụng hình phạt mà chưa xác định việc trừng phạt chỉ nên được sử dụng như là biện pháp cuối cùng…”, tờ trình nêu.

Cân nhắc áp dụng hình phạt tiền với người đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội

Đáng chú ý, dự thảo luật mở rộng đối tượng người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu có tài sản riêng cũng có thể áp dụng hình phạt tiền và mức phạt tiền không quá một phần ba mức tiền phạt mà điều luật quy định.

“Để đề cao tính nhân văn nhưng vẫn bảo đảm nghiêm minh của chính sách hình phạt với người chưa thành niên, dự thảo luật quy định giảm mức hình phạt tù với người chưa thành niên theo từng trường hợp cụ thể”, ông Tiến cho hay.

Cụ thể, dự thảo luật quy định giảm mức hình phạt tù với người chưa thành niên theo hướng: giảm mức hình phạt cao nhất đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi từ 18 năm xuống 15 năm tù; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội từ 12 năm xuống 9 năm tù.

Tuy nhiên, với trường hợp phạm loại tội xâm phạm tính mạng sức khỏe và ma túy (giết người, hiếp dâm, hiếp dâm người dưới 16 tuổi, cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi và tội sản xuất trái phép chất ma túy) thì mức hình phạt theo quy định của pháp luật hiện hành.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban tán hành với dự thảo chỉ quy định 4 hình phạt (cảnh cáo; phạt tiền; cải tạo không giam giữ; tù có thời hạn) với người chưa thành niên phạm tội.

Cơ quan thẩm tra cũng “cơ bản nhất trí” với dự thảo luật về các hình phạt cụ thể và việc tổng hợp hình phạt.

Ngoài ra, với hình phạt cảnh cáo, theo bà Nga, có ý kiến đề nghị mở rộng việc áp dụng với người từ đủ 14 tuổi đến 16 tuổi phạm tội lần đầu, là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.

Còn hình phạt tiền, có ý kiến đề nghị cân nhắc giữ quy định hiện hành, không áp dụng với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội do các đối tượng này chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng.

Một số ý kiến khác trong cơ quan thẩm tra đề nghị quy định người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi có các điều kiện như người trưởng thành cũng được áp dụng hình phạt tiền để bảo đảm công bằng trong chính sách hình sự.

Không có hình phạt với tố tụng thân thiện, thì luật là sản phẩm “khuyết tật"

Luật Tư pháp người chưa thành niên điều chỉnh trong lĩnh vực tư pháp hình sự. Theo đó, dự thảo luật quy định về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội; hình phạt và các chính sách hình sự chuyên biệt.

Dự thảo luật cũng quy định thủ tục tố tụng thân thiện; thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, ủy ban có 2 loại ý kiến.

Loại ý kiến thứ nhất tán thành dự thảo luật quy định về hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự đối với với người chưa thành niên.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị dự thảo luật không quy định về hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự đối với người chưa thành niên.

Nêu ý kiến, bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Công tác đại biểu tán thành với loại ý kiến thứ nhất. Điều này xuất phát từ đặc điểm người chưa thành niên là người chưa trưởng thành về mọi mặt.

“Trong quan hệ pháp luật, người chưa thành niên được coi là yếu thế, cần được pháp luật bảo vệ đặc biệt”, bà Thanh nhấn mạnh.

Thêm nữa, theo bà Thanh, Quốc hội khóa XV quyết định xây dựng một đạo luật chuyên biệt về tư pháp người chưa thành niên. Với tư cách là một đạo luật chuyên biệ, 2 vấn đề quan trọng nhất của tư pháp người chưa thành niên là hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự.

“Tôi cho rằng cần điều chỉnh 2 nội dung này trong luật, tạo cơ sở cho việc thiết kế các hình phạt, cũng như các thủ tục tố tụng phù hợp với đặc điểm của người chưa thành niên, khắc phục được những bất cập của Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành”, Trưởng Ban Công tác đại biểu nêu ý kiến.

Chung quan điểm, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng chọn phương án 1.

“Tôi thấy ý kiến phát biểu của các đồng chí trong Ủy ban Thường vụ rất thuyết phục. Thậm chí có những nội dung thuyết phục hơn cả tờ trình của TAND Tối cao”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình phát biểu.

Giải trình thêm, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, nếu không có hình phạt và tố tụng thân thiện thì không hình thành được bộ luật về tư pháp người chưa thành niên theo đúng quan điểm của Đảng và Hiến pháp.

“Cả thế giới này không có bộ luật nào chỉ có biện pháp mà không có hình phạt và tố tụng hình phạt”, ông Bình nói.

Chánh án cho rằng, nếu Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên là thành tựu, là bước tiến của nền tư pháp và của Quốc hội thì sản phẩm đưa ra phải "trọn vẹn, không nên có một sản phẩm khuyết tật”.

“Không có hình phạt với tố tụng thân thiện thì đây là một sản phẩm khuyết tật, không giống một luật nào trên thế giới này và cũng không nên để mất thời gian của Quốc hội khi đưa ra một đạo luật khuyết tật như thế”, theo lời Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình.

Theo dự kiến, dự luật này sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp 7 vào tháng 5 tới.

Dự thảo luật gồm 166 điều, được bố cục thành 5 phần, 11 chương. 5 phần cụ thể:

Những quy định chung; Xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội; Hình phạt và tố tụng đối với người chưa thành niên; Thi hành án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng và Điều khoản thi hành.

Trong đó, về hình phạt, dự thảo quy định giữ nguyên hệ thống hình phạt với người chưa thành niên phạm tội như Bộ luật Hình sự hiện hành, gồm: cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ và tù có thời hạn.

“Hình phạt tù chung thân và tử hình không áp dụng với người chưa thành niên”, Phó Chánh án TAND Tối cao cho biết.

Dự thảo bổ sung điều luật về hình phạt cảnh cáo cho người chưa thành niên khi phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng do vô ý và có tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt. Mở rộng trường hợp người chưa thành niên bị phạt tù được cho hưởng án treo.

. Thanh Nhung

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/vi-tre-em/de-xuat-giam-muc-hinh-phat-tu-doi-voi-nguoi-chua-thanh-nien-pham-toi-20240417162704198.htm