Đề xuất huy động tiền nhàn rỗi của dân để xây dựng TP HCM

Chuyên gia cho rằng, 5 năm tới, thành phố cần 500.000 tỷ đồng giải quyết ùn tắc giao thông, ngập nước, cải thiện môi trường... nhưng nguồn vốn hiện hạn chế do nhiều lực cản.

Chiều 7/7, phát biểu tại hội thảo Các giải pháp huy động vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng TP HCM, ông Trần Du Lịch – Phó đoàn Đại biểu quốc hội TP HCM - cho biết, đến năm 2020, thành phố cần 500.000 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng; 10 năm tiếp theo cần đến một triệu tỷ nhưng nguồn vốn đầu tư hiện nay rất khó khăn.

TP HCM hiện rất cần vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng. Ảnh: Trần Bảo Hòa

Theo ông Lịch, thành phố sau 30 năm đổi mới có nhiều đột phá trong các mô hình nhưng vẫn gặp khó khăn trong sáng tạo, tìm cái mới. Hướng phát triển của thành phố là một đô thị - cảng biển với các cảng lớn như Cát Lái, Hiệp Phước nhưng hạ tầng kết nối không đồng bộ.

"Dẫn chứng rõ nhất là đường Đồng Văn Cống, trừ chủ nhật ra thì đường này kẹt xe kinh khủng gây bất lợi cho doanh nghiệp. Phát triển cảng biển nhưng đường dẫn vào như vậy sao được, đầu tư giao thông của mình quá chậm, nhiều bất cập. Làm đường Vành đai trong hiện cũng không giải quyết được", ông Lịch nói.

TS Lịch mong muốn TP HCM có một cơ chế đặc thù để khai thác hết tiềm năng của địa phương hiện là đầu tàu cả nước. Thành phố đưa ra tiêu chí tăng GDP trên 8% mỗi năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 8.500 đôla vào năm 2020, để đảm bảo tốc độ này phải tăng mạnh đầu tư hạ tầng nhưng hiện nguồn vốn rất hạn chế.

"Chúng ta phải xã hội hóa, dựa vào nguồn đất công để thực hiện đổi đất lấy hạ tầng. Tận dụng các tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước hay các công ty đầu tư làm vốn mồi để huy động các nguồn lực khác", ông Lịch đề xuất.

Hiện đầu tư hạ tầng ở TP HCM không đồng bộ dẫn đến kẹt xe, ùn ứ thường xuyên. Ảnh: Duy Trần

Đưa ra giải pháp khác, PGS TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo – Đại học Kinh tế TP HCM – cho rằng cần dựa vào các nguồn lực xã hội để phát triển thành phố. Người dân hiện có nguồn tiền nhàn rỗi lớn cất giữ ở nhà như vàng (17-21 tỷ USD), ngoại tệ (9,7 tỷ USD), tiền đồng (khoảng 2,6 tỷ USD).

Theo ông Bảo, nguồn tiền này nếu huy động được sẽ là nguồn lực quan trọng để đầu tư xây dựng thành phố. Ông Bảo suy luận, nếu muốn 500.000 tỷ đồng đầu tư hạ tầng 5 năm tới mà TP HCM vẫn bó buộc trong cơ chế tài chính hiện hành thì không thể làm được. Thêm nữa, nợ công gần chạm mức nguy hiểm như hiện nay thì việc xin vốn từ trung ương rất khó.

"Thành phố phải huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân thông qua việc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương. Muốn người dân lựa chọn loại trái phiếu này thì thành phố phải tạo dựng được niềm tin khi phát hành. Ngoài ra, thành phố phải xây dựng chính quyền đô thị với việc được phân cấp mạnh, có quyền tự chủ ngân sách", PGS Bảo nói.

Với đề xuất này, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM – nói rằng cần phải tính toán kỹ lưỡng. Ông kể câu chuyện mấy chục năm trước cũng mua trái phiếu "nhưng chỉ để dành làm kỷ niệm" vì lợi nhuận hàng năm thấp hơn ngân hàng rất nhiều.

"Người dân sẽ không chọn trái phiếu làm kênh đầu tư nếu lợi nhuận quá thấp, phải tính toán sao cho người dân có lợi ích mới huy động được", ông Châu nói.

Ông Phạm Phú Quốc – Tổng giám đốc công ty đầu tư tài chính nhà nước (HFIC) - cho biết, việc tập trung, sử dụng vốn của nhà nước hiện khá hiệu quả khi đơn vị này bỏ một đồng vốn sẽ thu được 29 đồng đầu tư từ các nguồn khác. Theo ông, cái chính là muốn trung ương cho TP HCM một cơ chế để có thể phát triển.

Ngập nước là vấn đề mà thành phố đang đối mặt. Ảnh: Duy Trần

Đại diện UBND TP HCM, Phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến hoan nghênh những ý kiến tâm huyết của các chuyên gia. Ông nói, hạ tầng có phát triển mới kéo theo kinh tế xã hội phát triển. Nhà đầu tư nhìn và cơ sở hạ tầng mới quyết định đầu tư hay không bởi có thuận lợi mới dễ làm ăn.

"Ngay cả việc mình mua nhà cũng phải nhìn vào hạ tầng, đường sá tốt mới quyết định mà. Qua hội thảo, chúng tôi sẽ ghi nhận và chuẩn bị đề án tham mưu cho thành ủy, UBND", ông Tuyến cho hay.

Theo VNE

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/de-xuat-huy-dong-tien-nhan-roi-cua-dan-de-xay-dung-tp-hcm-249227.html