Đề xuất nghỉ Giỗ Tổ 4 ngày: Sao lạ thế?

Dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2017, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nghỉ 4 ngày liên tục.

Đây là nội dung được đề cập tại Công văn 5039/BNV-TCCB của Bộ Nội vụ về việc hoán đổi ngày nghỉ hàng tuần các dịp nghỉ Lễ, Tết năm 2017 gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH).

Theo đó, cán bộ, công chức nghỉ ngày Lễ vào thứ Năm, có 1 ngày làm việc xen kẽ là thứ Sáu. Theo phương án của Bộ LĐ-TB&XH hoán đổi 1 ngày làm việc với 1 ngày nghỉ hằng tuần và sẽ đi làm bù vào ngày thứ Bảy (15/4) cho ngày nghỉ thứ Sáu (7/4).

Số ngày nghỉ liên tục là 4 ngày, từ 6-9/4. Theo phương án này Bộ Nội vụ cơ bản thống nhất.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Bá Hoan, Chánh văn phòng Bộ LĐTB&XH cho hay, đây là đề xuất của Bộ Nội vụ, và Bộ LĐTB&XH vẫn chưa có quyết định cuối cùng. Tới đây khi Bộ LĐTB&XH có quyết định thì sẽ trình Thủ tướng xem xét để quyết định số ngày nghỉ lễ trong năm 2017.

Cũng tại văn bản này, Bộ Nội vụ thống nhất với Bộ Lao động, thương binh và xã hội về phương án nghỉ vào dịp 30/4, 1/5 với 4 ngày, dịp Quốc khánh 2/9 nghỉ 3 ngày.

Dự kiến Giỗ tổ Hùng Vương được nghỉ 4 ngày

Điều đáng nói, thông tin được đưa ra khi vừa kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào ngày 2/2, với thời gian nghỉ 7 ngày, được coi là khá dài, đặc biệt đối với các doanh nghiệp sản xuất tư nhân. Chỉ sau khoảng thời gian hơn 2 tháng, lại tiếp tục một kỳ nghỉ 4 ngày, nhiều ý kiến độc giả đặt câu hỏi: "Sao chúng ta nghỉ lễ nhiều như vậy? Những ngày hoán đổi công việc liệu có hiệu quả không?".

Bình luận về thông tin trên, một độc giả để nickname Doanh nghiệp kêu trời vì lễ tết viết: "Cứ đà này tết Tây vừa xong tới Tết ta, cơm áo gạo tiền thưởng tháng 13 thêm hệ số năm nữa, lo cho công nhân cho nghỉ 2 tuần, anh chị em xin thêm lý do miền trung miền Bắc thêm một hai tuần nữa, các hợp đồng với khách hàng buộc cắt giảm hủy".

Đồng tình độc giả có tên Nơi Nguyễn bày tỏ quan điểm: "Ở Mỹ, có một số ngày được nghỉ nhưng họ thực hiện rất hay. Ví dụ, Labor Day là thứ hai đầu tiên của tháng Chín (September). Với một số ngày kiểu như giỗ Tổ, chúng ta cũng nên thực hiện như vậy (VD: thứ Sáu đầu tiên hoặc thứ Sáu, thứ hai của tháng Ba âm lịch)".

Từng trao đổi với Đất Việt, về câu chuyện Việt Nam nghỉ lễ quá nhiều, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng, Việt Nam có một khuyết điểm lớn là vội vã hưởng thụ, vội vã nghỉ ngày thứ 7 khi đất nước vừa có chút thành tựu về phát triển.

"Việt Nam ta chỉ cần đất nước tăng trưởng kinh tế 8-9% trong một vài năm là đã vội vã nghỉ ngày thứ 7. Bao nhiêu công việc của cơ quan nhà nước không giải quyết xong một phần là do nghỉ ngày thứ 7. Các công ty tư nhân cũng bắt chước nghỉ thứ 7 hoặc chỉ làm buổi sáng thứ 7, mà thực tế họ làm với tâm lý chờ đợi để nghỉ buổi chiều.

Việc vội vã đó dẫn tới tình trạng công chức và công nhân trở nên lười biếng, tới ngày thứ 6 thì chờ sáng thứ 7 để được nghỉ, đến khi luật cho nghỉ ngày thứ 7 thì làm tới trưa thứ 6 đã chuẩn bị tâm lý nghỉ.

Rất nhiều cấp Sở ở TP.HCM chiều thứ 6 không làm việc mà dành để tự giải quyết công việc của họ hoặc học tập chính trị, sinh hoạt đoàn thể, thành ra thay vì làm việc cho dân 5 ngày, giờ chỉ còn 4 ngày rưỡi. Cũng với tâm lý đó, đến khi nghỉ lễ người Việt lại nghỉ " bắt cầu", ông Đực phân tích.

Theo ông Đực, người Việt có hai sai: một là nghỉ ngày thứ 7, hai là nghỉ "bắt cầu". Ở cơ quan tôi cũng nghỉ ngày thứ 7 nhưng nếu tuần này nghỉ " bắt cầu" thì tuần tới phải làm bù ngày thứ 7. Nhưng với công chức nhà nước thì rất khó bù vì ngày đó dẫu họ có làm thì dân cũng không dám tới. Ví dụ, tuần này cơ quan nhà nước nghỉ thứ 6, thứ 7 tuần tới làm bù thì chuyện làm bù chỉ trong cơ quan đó biết với nhau, còn người dân không biết mà tới.

Thực tế, mới đây theo một tính toán, nếu chọn nghỉ phép theo đúng quy định, mỗi người lao động năm 2016 được nghỉ 126-130 ngày. Số ngày làm việc còn 238 - 242 ngày. Như vậy, tức là bình quân cứ đi làm 2 ngày, chúng ta sẽ có 1 ngày nghỉ.

Trong khi, Việt Nam là một trong ba nước có năng suất lao động thấp nhất ASEAN, chỉ cao hơn Myanmar và Campuchia.

Về việc này, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri, Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học hành chính, Trưởng khoa Quản lý hành chính, Học viện hành chính Quốc gia cũng cho rằng, người Việt Nam nghỉ nhiều quá và điều này ảnh hưởng lớn đến sản xuất của các doanh nghiệp.

"Tôi nhớ trước đây, Tết Âm lịch chỉ được nghỉ 2,5-3 ngày, còn bây giờ nghỉ quá nhiều, tới 8-9 ngày, làm người lao động trở nên trì trệ, lười biếng. Có những người quê xa, sau kỳ nghỉ Tết họ nghỉ việc luôn hoặc lên muộn, ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp. Đây là điều cần thay đổi, nhất là khi nền kinh tế đã hội nhập", PGS.TS Nguyễn Hữu Tri nhấn mạnh.

Sơn Ca

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/de-xuat-nghi-gio-to-4-ngay-sao-la-the-3328396/