Đề xuất tăng mức xử phạt hành vi xâm hại an toàn du khách

(Toquoc)-Bộ VHTTDL được giao đề xuất bổ sung hành vi, chế tài xử lý các hành vi xâm hại môi trường và an toàn của khách du lịch theo hướng tăng mức xử phạt.

Đây là một trong những nội dung của Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch.

Thủ tướng yêu cầu giao cho một đơn vị trong ngành ở Trung ương và địa phương là đầu mối chịu trách nhiệm nếu để tình trạng mất an ninh, chèo kéo, chèn ép khách du lịch (Ảnh: Ngọc Thành)

Theo đó, Chỉ thị nêu rõ, bên cạnh những thành quả đáng khích lệ đạt được thời gian qua, ngành du lịch Việt Nam vẫn phải nhìn nhận thực tế rằng tốc độ tăng trưởng của lượng khách quốc tế đến Việt Nam có xu hướng giảm. Trong 6 tháng đầu năm 2013, tổng lượt khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 3,5 triệu lượt khách, chỉ tăng 2,6% so cùng kỳ năm 2012 và thấp hơn rất nhiều so với mức tăng của 6 tháng đầu năm 2012 (tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2011) và của 6 tháng đầu năm 2011 (tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2010).

Thủ tướng Chính phủ đánh giá, một trong những nguyên nhân của sự giảm sút trên là do hiện tượng lừa đảo, gian lận, ép giá, chèo kéo, đeo bám, xâm hại tài sản, tính mạng du khách chưa được kiểm soát và có chiều hướng gia tăng, nhất là tại các địa bàn du lịch trọng điểm như TP Hà Nội, TP HCM, Sầm Sơn (Thanh Hóa), Hạ Long (Quảng Ninh)…

Những hiện tượng tiêu cực này đã và đang tác động xấu đến hình ảnh du lịch của địa phương và du lịch cả nước, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Để khắc phục tình trạng trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đơn vị nêu trên có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện quyết liệt và áp dụng các biện pháp cụ thể, đồng bộ, hiệu quả để tạo ra chuyển biến cơ bản trong công tác quản lý môi trường, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch, coi đây vừa là nhiệm vụ cấp bách trước mắt, vừa là công việc thường xuyên, lâu dài nhằm xây dựng Việt Nam trở thành điểm đến du lịch an toàn, thân thiện.

Đồng thời, giao cho một đơn vị trong ngành ở Trung ương và địa phương thực hiện nhiệm vụ đầu mối tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn, chịu trách nhiệm nếu để tình trạng mất an ninh, an toàn, chèo kéo, theo bám, chèn ép khách du lịch. Chú trọng công tác tuyên truyền giáo dục, phát động sự tham gia của cộng đồng dân cư trong việc đấu tranh, phòng ngừa các hành vi tiêu cực ảnh hưởng đến môi trường du lịch. Ngoài ra, tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, thường xuyên, đột xuất việc thực thi các quy định của pháp luật về môi trường du lịch, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng cũng giao Bộ VHTTDL có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật nhằm tăng cường vai trò quản lý nhà nước, đảm bảo an ninh, an toàn, vệ sinh tại các khu, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch; đề xuất, xây dựng thống nhất mô hình cơ quan quản lý các điểm, khu du lịch.

Hướng dẫn các địa phương và cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch triển khai các giải pháp nhằm bảo vệ an toàn cho du khách, nâng cao chất lượng dịch vụ tại các khu, điểm du lịch; chỉ đạo thực hiện việc công nhận dịch vụ du lịch đạt chuẩn đối với các cơ sở dịch vụ khách du lịch.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Bộ VHTTDL đề xuất bổ sung hành vi, chế tài xử lý các hành vi xâm hại môi trường và an toàn của khách du lịch theo hướng tăng mức xử phạt; chỉ đạo, tổ chức các Đoàn công tác liên ngành, tăng cường công tác thanh tra, kiêm tra, giám sát hoạt động du lịch tại các địa phương vào thời điểm lễ hội, ngày lễ tết, tháng cao điểm, tập trung tại các nhà ga, bến cảng, khu, điểm du lịch tập trung đông khách du lịch./.

L. Minh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.gov.vn/Sites/vi-vn/details/21/kinh-te-du-lich/118910/de-xuat-tang-muc-xu-phat-hanh-vi-xam-hai-an-toan-du-khach.aspx