Đề xuất tăng thuế chất đốt, miễn thuế “nắng, gió”

NDĐT – Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XII, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã đề nghị tăng thuế suất đối với tài nguyên là than, dầu thô và khí, chưa đánh thuế “nắng” và “gió”, đồng thời miễn thuế 5 năm, và giảm 50% thuế các năm tiếp theo cho đối tượng đánh bắt thủy sản xa bờ.

Báo cáo thẩm tra Dự án Luật thuế tài nguyên của Ủy ban Tài chính - Ngân sách (UBTCNS) nhất trí nâng Pháp lệnh thuế tài nguyên thành Luật, để kiểm soát nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, UBTCNS nhận thấy, việc giao Chính phủ quyết định mức thuế suất như hiện hành là chưa hợp lý, vì trái Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội. UBTCNS đề nghị giao UBTVQH quyết định thuế suất, vì cho rằng UBTVQH mỗi tháng họp một lần nên sẽ không ảnh hưởng đến tính linh hoạt trong quản lý, điều hành kinh tế của Chính phủ. UBTCNS cũng tán thành thời điểm Luật thuế tài nguyên có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2010, để sớm góp phần quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả, hợp lý nguồn tài nguyên, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Chưa đánh thuế “nắng, gió” Trong quá trình hoàn thiện Dự thảo luật, có ý kiến cho rằng, nên mở rộng đối tượng chịu thuế, trong đó có các loại tài nguyên như gió, kho số, tần số, danh lam thắng cảnh thiên nhiên... Tuy nhiên, đa số ý kiến trong UBTCNS cho rằng, đối với một số tài nguyên như gió, năng lượng mặt trời là năng lượng sạch, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đang khuyến khích sử dụng. Ngoài ra, kho số, tần số... là những lĩnh vực mới, bước đầu được khai thác, Nhà nước đang áp dụng thu phí sử dụng. Do vậy, trước mắt, chưa nên bổ sung các tài nguyên trên vào đối tượng chịu thuế. Về tài nguyên nước ngầm, UBTCNS cho rằng, hiện nay việc khai thác và sử dụng lãng phí tài nguyên nước ngầm diễn ra khá phổ biến; nếu không có biện pháp kiểm soát và điều tiết bằng thuế có thể dẫn đến tình trạng khan hiếm nước sạch trong tương lai. Vì vậy, Ủy ban đề nghị xem xét, áp dụng thuế suất hợp lý để hạn chế tình trạng trên. Tăng thuế đối với than, dầu thô và khí Về khung thuế suất đối với đối với than, có ý kiến cho rằng, lợi nhuận thu được từ ngành khai thác than thời gian qua là khá cao, trong khi đó khung thuế suất đối với than chỉ ở mức tương đương với một số loại tài nguyên tái tạo được. Do vậy, để bảo đảm tính hợp lý về khung thuế suất giữa các loại tài nguyên, góp phần điều tiết hợp lý lợi nhuận, Ủy ban đề nghị nâng mức thuế suất sàn và trần đối với than lên mức cao hơn mức quy định trong Dự thảo luật. Theo Dự thảo luật thì mức thuế suất thuế tài nguyên đối với nhóm dầu thô là 6-40% (nâng thuế suất trần từ 30% lên 40% so với mức hiện hành). UBTCNS cho rằng, đây là loại tài nguyên có giá trị kinh tế lớn, trữ lượng dầu còn lại của nước ta theo kết quả thăm dò là rất hạn chế. Hiện nay, dầu thô của Việt Nam chủ yếu do các liên doanh và nhà thầu nước ngoài khai thác, sản phẩm được xuất khẩu với giá tương đối cao, có lợi cho nhà khai thác, trong khi đó nước ta lại phải nhập khẩu các loại xăng dầu giá cao. Điều này gây bất lợi cho ta. Hơn nữa, với các nhà máy lọc dầu đang và sắp đi vào hoạt động nên việc hạn chế xuất khẩu dầu thô là hợp lý. Vì vậy, UBTCNS đề nghị tăng cả mức thuế suất sàn và mức thuế suất trần cao hơn mức quy định trong Dự thảo luật. Ủy ban cũng cho rằng, đối với những khu vực có điều kiện khai thác khó khăn hiện đã có chính sách ưu đãi khác, và với khung thuế suất khá rộng thì vẫn thuận tiện trong việc áp dụng thuế suất đối với khu vực này. Dự thảo luật quy định mức thuế suất đối với khí thiên nhiên, khí than từ 1-30%. Một số ý kiến cho rằng, trong điều kiện hiện nay, khí đốt là một trong những nguồn năng lượng quan trọng và hữu hạn, được tập trung khai thác với quy mô và số lượng ngày một lớn. Việc áp dụng mức thuế suất sàn 1% là quá thấp, đề nghị nâng từ 1% lên 3 % để điều tiết nguồn thu cho NSNN. Hải sản xa bờ được miễn, giảm thuế Trong Dự thảo luật quy định: tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản xa bờ được miễn thuế trong 5 năm kể từ khi được cấp giấy phép và giảm 50% trong các năm tiếp theo. UBTCNS nhận thấy, đánh bắt cá trên biển, nhất là đánh bắt xa bờ gặp rất nhiều khó khăn, cần được hỗ trợ và khuyến khích. Do vậy, việc miễn, giảm thuế đối với lĩnh vực này là hợp lý. Xuân Bách

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=159684&sub=131&top=38