Đề xuất thành lập doanh nghiệp trong trường Đại học

Giải pháp này được một số giảng viên đề xuất nhằm tăng cường hiệu quả quản trị tài sản trí tuệ, được cụ thể hóa bằng việc thương mại hóa tài sản này tại các trường Đại học, cao đẳng.

Báo cáo của PGS.TS Lê Thị Nam Giang, ĐH Luật TP.HCM mới đây cho thấy, hai trường ĐH kỹ thuật hàng đầu trong cả nước nhưng số bằng sở hữu trí tuệ (SHTT) được cấp chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Cụ thể, trong năm 2016, ĐH Bách khoa Hà Nội chỉ có 2 bằng sáng chế được cấp. Tương tự, ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2015, không có bằng sáng chế nào được cấp.

Ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP.HCM cho rằng, hoạt động quản trị tài sản trí tuệ chưa được quan tâm tại các trường ĐH.

Sinh viên ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM giới thiệu robot chăm sóc người bệnh với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.

Cần mô hình nào?

Đứng trước thực tế này, bà Hoàng Tố Như - Phó phòng SHTT, Sở KH&CN TP.HCM đề xuất việc đặt ra mô hình chung cho việc quản trị tài sản trí tuệ cho các trường ĐH,CĐ.

Một số đại diện các trường ĐH, CĐ tại TP.HCM cho rằng, cần phải thành lập các doanh nghiệp trong trường ĐH để thực hiện việc thương mại hóa, chuyển giao các kết quả nghiên cứu đã được bảo hộ quyền SHTT.

Th.s Đỗ Quang Doanh, đại diện trường CĐ kinh tế, kỹ thuật Vinatex (Bộ Công Thương) đề nghị, nên thành lập doanh nghiệp trong trường ĐH, CĐ. Th.s Doanh giải thích, ưu điểm của trường là có nhà xưởng, có chuyền may thực hiện sản xuất nhằm ứng dụng các kết quả nghiên cứu.

“Môi trường nhà xưởng cũng là để cho sinh viên có môi trường thực tập ngay trong trường.Tuy nhiên, việc thành lập doanh nghiệp trong trường ĐH gặp vướng mắc các quy định về hoạt động của các trường công lập sử dụng ngân sách nhà nước”- ông Doanh lo ngại.

Bà Hoàng Tố Như phân tích, doanh nghiệp trong trường ĐH, CĐ có thể hỗ trợ cho hoạt động quản trị tài sản trí tuệ. Mô hình doanh nghiệp có thể thực hiện chuyển giao công nghệ, ký kết các hợp đồng chuyển giao công nghệ.

Trường ĐH, CĐ cũng có thể thành lập các tổ chức trung gian hỗ trợ hoạt động quản trị tài sản trí tuệ. Các tài sản trí tuệ sau khi chuyển giao, các trung tâm này có thể trích một phần lợi nhuận cho nhà sáng chế, một phần lợi nhuận được giữ lại để duy trì hoạt động của trung tâm này.

Ông Nguyễn Văn Bảy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo, Cục SHTT (Bộ KH&CN) tỏ ra lo ngại về vấn đề thành lập các doanh nghiệp trong trường ĐH,CĐ. Ông cho rằng, nếu thực hiện hoạt động kinh tế trong môi trường giáo dục, các giảng viên sẽ khó lòng đảm đương được công việc dạy học.

Ông đề xuất có thể thành lập mô hình doanh nghiệp kiểu “ươm tạo” những kết quả nghiên cứu, sau đó chủ sở hữu doanh nghiệp có thể bán kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng để có được nguồn thu từ hoạt động thương mại hóa bằng sáng chế.

Cần chú trọng đến đào tạo cho giảng viên

Ông Bùi Đình Tiền, Phó trưởng phòng quản lý khoa học và hợp tác quốc tế, ĐH Công nghiệp TP.HCM cho rằng cần tập huấn cho đội ngũ giảng viên trong trường ĐH, CĐ vì họ vốn chưa quan tâm đến hoạt động tạo lập và khai thác quyền SHTT. Sở KH&CN TP.HCM cần tổ chức các lớp tập huấn cho giảng viên.

“Cần phải có người làm để hiểu rõ về lĩnh vực của mình để tạo ra một đội ngũ nhân lực am hiểu để thực hiện việc quản trị về SHTT. Bởi, thầy cô chỉ quan tâm đến vấn đề nghiên cứu, không quan tâm đến hiệu quả”- ông Tiền cho hay.

Bà Nguyễn Thị Xuân Anh, nguyên cán bộ ĐH khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM nhìn nhận cần có khái niệm thống nhất về tài sản trí tuệ là gì? Giá trị kinh tế của tài sản trí tuệ ra sao? Từ đó mới đưa ra quy trình quản lý, xác lập quyền, khai thác quyền SHTT trong trường ĐH, CĐ.

Bà Xuân Anh đề xuất nhà nước cung cấp dịch vụ, tư vấn cho các nhà khoa học, các giảng viên trong trường ĐH, CĐ tiếp nhận được các quy định về xác lập quyền và khai thác quyền SHTT.

Về vấn đề này, bà Hoàng Tố Như cho biết, Sở KH&CN TP.HCM có thể hỗ trợ cho các trường ĐH, CĐ về vấn đề này. Các chuyên gia của Sở có thể đến trực tiếp tại trường ĐH, CĐ để tư vấn cho giảng viên. Bà Như mong muốn các ĐH, CĐ sẽ nhiệt tình tham gia.

Bà Như cũng cho biết thêm, sắp tới Sở KH&CN TP.HCM sẽ phát hành cuốn tài liệu hướng dẫn xây dựng quy chế quản trị tài sản trí tuệ hỗ trợ cho các trường ĐH, CĐ.

Hà Thế An

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/de-xuat-thanh-lap-doanh-nghiep-trong-truong-dai-hoc-c7a529191.html