Đề xuất thu phí ô tô nội đô và bãi đỗ xe dưới đường trên cao

Trước thực trạng các đô thị lớn thiếu bãi đỗ xe, đường phố thường xuyên ùn tắc, các ĐBQH đề nghị cần thực hiện thu phí đối với ô tô ở khu vực nội đô cần tận dụng gầm đường trên cao làm bãi đỗ xe.

Sáng 21-5, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đường bộ. So với dự thảo luật được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2023), dự thảo luật được Quốc hội xem xét tại kỳ họp này có 6 chương, 86 điều, giảm 6 điều so với dự thảo Luật Chính phủ trình.

Dự luật đã chỉnh sửa nội dung 82 điều, bỏ 7 điều, đồng thời gom nội dung một số điều để xây dựng thành điều mới, sắp xếp lại vị trí 3 điều.

Đề xuất thu phí nội đô đối với ô tô

Tại phiên thảo luận, các ĐBQH bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới thực trạng giao thông tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, nhất là vấn đề ùn tắc, hạ tầng giao thông tĩnh…

Liên quan đến nội dung này, ĐB Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) cho rằng không nên quy định quá chi tiết tỉ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ trong đô thị so với đất xây dựng đô thị như dự thảo vì “có một số nội dung chưa phù hợp với thực tế của nhiều địa phương trong giai đoạn hiện nay cũng như phát triển đô thị trong tương lai...”.

 Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội). Ảnh: PHẠM THẮNG

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội). Ảnh: PHẠM THẮNG

Bà Thủy dẫn chứng dự thảo quy định tỉ lệ đất giao thông đô thị loại đặc biệt là từ 18-26%, nhưng thực tế ở Hà Nội hay TP.HCM, hiện tỉ lệ đất dành cho kết cấu giao thông mới chỉ đạt 13 -15%.

Quy định cứng tỉ lệ đất dành cho giao thông như ở dự thảo luật, áp dụng ngay cho các đô thị bao gồm cả đô thị hiện hữu, hình thành mới mà không kèm theo các chế tài, biện pháp bảo đảm thực hiện sẽ không khả thi.

Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội)

ĐB cũng cho rằng trong bối cảnh đất đai tại các đô thị ngày càng có giá, chi phí phát triển giao thông đô thị ngày càng đắt đỏ thì phương án đầu tư nhiều cho các loại hình giao thông công cộng hiện đại như tàu điện ngầm, tàu điện trên cao… sử dụng đất hiệu quả càng cần được tận dụng.

Do vậy, diện tích đất dành cho giao thông ở các đô thị không cần giữ ở mức cao như hiện nay mà có thể sử dụng ở các mục đích khác cần thiết, có hiệu quả hơn. Từ đó, ĐB đề nghị không nên quy định quá chi tiết về tỉ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ trong đô thị cho từng loại đô thị.

Thay vào đó, chỉ cần quy định tỉ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ phù hợp với tiêu chuẩn, trình độ phát triển cơ sở hạ tầng, kiến trúc cảnh quan của đô thị tương ứng để đảm bảo tính ổn định, lâu dài của luật.

Về các loại phí liên quan đến sử dụng đường bộ, ĐB Thủy đề nghị cân nhắc thu phí với ô tô cá nhân đi vào một số khu vực đô thị trong những khung thời gian nhất định. Đề xuất này nhằm hạn chế sự phát triển quá mức của phương tiện giao thông cá nhân, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại các đô thị.

Đồng thời bổ sung thời bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước để tăng cường phát triển kết cấu, hạ tầng giao thông đường bộ và hệ thống giao thông công cộng. Bà Thủy nói hiện tại cả 5 thành phố trực thuộc Trung ương đều đã được phép quy định các loại phí chưa được quy định trong luật. Trong đó, Hà Nội, TP.HCM đã tiến hành xây dựng các đề án về phí nội đô hay phí kẹt xe.

“Do cơ sở pháp lý chưa rõ ràng, ổn định nên việc triển khai áp dụng còn khá dè dặt”- bà Thủy cho biết.

Theo nữ ĐB, nếu Luật Đường bộ và Luật Phí, lệ phí quy định chính thức loại phí này và giao HĐND cấp tỉnh quy định về phạm vi, địa bàn, đối tượng, mức áp dụng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều cho việc triển khai tại các địa phương.

Tận dụng gầm đường trên cao làm bãi đỗ xe

Tại phiên thảo luận, ĐBQH Hà Phước Thắng (TP.HCM) cơ bản tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật, đồng thời góp ý thêm về quy định đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ (điều 13, dự thảo Luật).

 ĐBQH Hà Phước Thắng (TP.HCM) đề xuất sử dụng gầm cầu làm bãi đỗ xe. Ảnh: PHẠM THẮNG

ĐBQH Hà Phước Thắng (TP.HCM) đề xuất sử dụng gầm cầu làm bãi đỗ xe. Ảnh: PHẠM THẮNG

ĐB Thắng cho hay theo quy định hiện nay, không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, bãi đỗ xe và các dịch vụ kinh doanh khác. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhu cầu đỗ xe ở TP.HCM là rất lớn, việc thực hiện quy hoạch hệ thống giao thông tĩnh còn khó khăn, kho chứa vật tư phục vụ đảm bảo công trình đường bộ của thành phố còn thiếu nhiều. Trong khi đó, nhu cầu đòi hỏi phải đáp ứng kịp thời để sửa chữa, thay thế, khắc phục sự cố hư hỏng, đảm bảo an toàn giao thông.

Bên cạnh đó, trên địa bàn TP.HCM còn rất nhiều diện tích dưới mặt bằng các cầu đường bộ, cầu cảng các tuyến đường cao tốc để trống.

Ngoài ra, người dân TP cần có thêm nhiều khu vực phục vụ hoạt động thể dục thể thao, đặc biệt là cho lứa tuổi thanh thiếu niên. Việc tận dụng các diện tích dạ cầu để tổ chức các bãi trông xe, hoạt động thể dục thể thao, phục vụ mục đích công cộng sẽ góp phần giải quyết nhu cầu thiết yếu của người dân thành phố, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đảm bảo mĩ quan đô thị…

Từ những thực tế trên, ĐB Thắng đề xuất bổ sung vào dự thảo luật: UBND cấp tỉnh quyết định việc khai thác, sử dụng gầm cầu đường bộ, phần không gian dưới dạ cầu, cảng đối với các hệ thống đường bộ do địa phương chịu trách nhiệm quản lý, khai thác và bảo trì để làm bãi đỗ xe, đường giao thông, kho chứa vật tư phục vụ bảo trì đường bộ và các hoạt động khác phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Quá trình sử dụng yêu cầu không được làm ảnh hưởng đến an toàn, kết cấu của công trình đường, đường bộ, cầu, đảm bảo về ở phòng chống cháy nổ và không gây mất trật tự an toàn giao thông.

Đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên). Ảnh: PHẠM THẮNG

Tại phiên thảo luận, ĐB Tạ Thị Yên (Điện Biên) cho rằng quy định chỉ cho phép mỗi chuyến xe hợp đồng “chỉ được chở 1 hành khách, hoặc nhóm hành khách duy nhất” (tại khoản 10, điều 56, dự thảo luật) có thể hạn chế mô hình chia sẻ chuyến xe hợp đồng dưới 10 chỗ thông qua các nền tảng gọi xe trực tuyến đang rất phát triển.

Đại biểu Yên cho rằng về cơ bản, mô hình chia sẻ chuyến xe hợp đồng cho phép các hành khách khác nhau có cùng lộ trình nhưng khác điểm đón và trả khách có thể đi chung một chuyến xe.

Hành khách sẽ được hưởng cước phí di chuyển rẻ hơn, tài xế thì được gia tăng thu nhập do lượng hành khách trong một chuyến xe tăng lên.

Đồng thời, mô hình này cũng mang nhiều lợi ích cho xã hội, giảm tắc nghẽn, ô nhiễm. Theo đó, ĐB đề nghị điều chỉnh lại quy định này theo hướng vừa kiểm soát tình trạng “xe dù, bến cóc” nhưng vẫn tạo điều kiện cho dịch vụ chia sẻ chuyến xe dưới 10 chỗ hoạt động.

Tương tự, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cũng nhấn mạnh mô hình chia sẻ chuyến xe hợp đồng góp phần “tối ưu hóa quãng đường, chi phí” và khá phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

“Cách thức này giúp giảm bớt áp lực cho giao thông, ô nhiễm môi trường là điển hình kinh tế chia sẻ, kinh tế số, đem lại nhiều lợi ích kinh tế” – ĐB Trí nói và đề nghị chỉnh lý theo hướng quy định chỉ có ô tô khách mới phải thực hiện hợp đồng vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe bao gồm người lái.

Riêng loại xe chở người không phải ô tô khách thì chỉ cần hợp đồng bằng giấy hoặc điện tử mà không giới hạn về việc thuê cả chuyến hay không để tạo điều kiện triển khai luật trên thực tế.

NHÓM PV

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-xuat-thu-phi-o-to-noi-do-va-bai-do-xe-duoi-duong-tren-cao-post791731.html