Đem bán tài sản của công ty có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Theo luật sư, tùy vào tình tiết và mức độ, hành vi đem bán tài sản của công ty có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc tội trộm cắp tài sản.

Câu hỏi:

Chú tôi là lái xe tải chở hàng cho công ty A, do bị nợ nần quá nhiều vì đánh bạc. Trong một lần chở hàng, chú tôi đã lấy trộm số hàng đem bán được 70 triệu đồng. Bị phát hiện, công ty yêu cầu bồi thường số tiền 150 triệu đồng, bao gồm tiền hàng và tiền tổn thất bồi thường cho đối tác giao hàng vì vi phạm hợp đồng. Nếu không bồi thường, công ty sẽ tố cáo đến cơ quan chức năng. Số tiền này là quá lớn và chú tôi không có khả năng chi trả. Tôi xin hỏi rằng công ty A đưa ra mức bồi thường như thế có hợp lý không? Nếu không bồi thường đủ thì chú tôi có bị đi tù không?

Ảnh minh họa

Luật sư tư vấn:

Theo thông tin mà bạn cung cấp, PV đã trao đổi vụ việc này với luật sư Nguyễn Ngọc Linh - Đoàn luật sư TP Hà Nội và trả lời bạn như sau:

Thứ nhất, giá trị tài sản mà chú bạn bồi thường có hợp lý không thì phải căn cứ vào việc xác định giá trị thực tế của số hàng hóa bị mất, cộng thêm với chi phí phát sinh thiệt hại đã thỏa thuận trong hợp đồng nếu có.

Từ đó mới có thể xác định được số tiền chú bạn phải đền bù. Vì thế nếu công ty khai báo tổn thất lớn hơn thực tế thì bạn và những người khác cần tìm hiểu lại cho rõ ràng, liệu số khai báo của công ty có căn cứ chứng minh không và có đúng sự thật không. Nếu giá trị tài sản thực tế không lớn bằng giá trị công ty khai báo, chú bạn cần cung cấp thông tin này cho cơ quan điều tra để làm rõ tình tiết.

Thứ hai, tùy vào tình tình tiết và mức độ phạm tội mà chú của bạn có thể phải chịu trách nhiệm với tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc Trộm cắp tài sản quy định tại các Điều 140 và 138 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009.

Trong trường hợp này giá trị số hàng mà chú bạn đem bán là khá lớn (70 triệu đồng) nên khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự là rất cao. Vì thế để giảm nhẹ hình phạt cho mình, chú bạn cần sớm bồi thường tổn thất cho công ty.

Tội trộm cắp tài sản được quy định tại Điều 138 – Bộ luật Hình sự 1999 như sau:

Điều 138. Tội trộm cắp tài sản

1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Theo quy định tại Điều 140 của BLHS 1999

Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản:

“1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ một triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới một triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ trên năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng
đ) Tái phạm nguy hiểm;
e) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng

PV

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/dem-ban-tai-san-cua-cong-ty-co-bi-truy-cuu-trach-nhiem-hinh-su-p50855.html