Đem con bỏ chợ

PN - Thỉnh thoảng chúng ta vẫn được đọc trên báo, nghe trên đài chỗ này chỗ kia, có những bà mẹ trẻ đưa con sơ sinh hay vài năm tuổi để trước cổng viện cô nhi hay thả giữa chợ rồi bỏ đi.

Họ gửi đứa con mình đứt ruột đẻ ra cho người đời, hy vọng chúng sẽ được thương yêu, đùm bọc trong những vòng tay nhân ái. Những người mẹ ấy chỉ vì do nghèo đói, lầm lỡ hay lý do này khác bất khả kháng mà phải gạt nước mắt bỏ con. Nhưng mới đây, một chuyện tưởng là nhỏ đã gây phẫn nộ lớn. Đó là lá đơn của 19 sinh viên (được coi là nhân tài) đang du học ở Nga gửi đến Bộ GD-ĐT kêu cứu vì đã sáu tháng qua không nhận được tiền học bổng Nhà nước cấp để sinh sống và học tập! Vậy là sáu tháng qua ít nhất có 19 sinh viên, thuộc diện “đào tạo nhân tài” cho đất nước đã không có gì để sống trên xứ người, còn nói gì học tập. Tất nhiên, các em phải tự xoay xở để tồn tại, để không chết đói. Nhưng liệu ai có thể “học tốt” khi phải tự mình bươn chải để kiếm đủ ngày hai bữa? Kinh nghiệm của một thời vẫn còn nóng hổi khi nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh của ta được Liên Xô và các nước Đông Âu cấp học bổng nhằm đào tạo nhân tài đã phải xoay xở kiếm tiền giúp gia đình hay lo cho tương lai bản thân mà bê trễ học hành, mang về nước những tấm bằng thật nhưng kiến thức giả, còn để tiếng oan không hay cho chất lượng đào tạo của nước bạn. Nhiệm vụ của sinh viên thuộc chương trình 322 đào tạo nhân tài của Nhà nước chỉ là học và học để đóng góp cho đất nước. Tuy mức học bổng không phải dư dả gì nhưng các em không còn phải lo vừa học vừa kiếm tiền cho bản thân hay giúp gia đình như trước đây. Vậy mà chuyện đáng buồn, đáng trách vẫn xảy ra như đùa! Nước Nga không phải là nơi quá xa xôi hẻo lánh. Nhà nước đã cấp đủ tiền và trong thực tế, tiền học bổng của 19 sinh viên thuộc chương trình 322 tại ĐH Kỹ thuật Tổng hợp Bauman (Liên bang Nga) vẫn nằm yên vị trong két của Bộ Tài chính. Thời gian chuyển tiền của thời đại thông tin và ngân hàng online cũng được tính bằng tốc độ ánh sáng qua các loại tài khoản và thẻ tín dụng. Vậy mà chuyện chậm sáu tháng học bổng cho sinh viên ở ĐH Bauman không là cá biệt. Học bổng của sinh viên ta ở Nga chậm một hay hai tháng là chuyện bình thường. Một sinh viên ở Ba Lan cho biết: “Thường thì chúng tôi nhận được chậm sau hơn ba tháng, có khi là bốn tháng. Nếu không có gia đình hỗ trợ, chắc tôi cũng phải đi làm để kiếm tiền tồn tại”. Các em sẽ tồn tại bằng cách gì? Vay nợ, làm thêm, và cách dễ dàng nhất là…nhịn đói! Một đoạn trong bức thư kêu cứu: “Ngồi trong lớp học mà bụng đói meo, nhìn các bạn đi ăn mà mình lủi thủi ngồi trong góc tường thì thử hỏi làm sao đủ can đảm mà lên lớp đi học”! Vậy mà chính những người “bụng đói meo lủi thủi ngồi trong góc tường” đang là kỳ vọng của đất nước, chắc chắn tên tuổi, số lượng được ghi vào báo cáo hàng năm của Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ GD-ĐT) với những từ hào nhoáng. Xin đừng đổ vấy cho hoàn cảnh khách quan hay thủ tục chuyển tiền. Thủ phạm làm sinh viên du học khốn đốn chính là tinh thần trách nhiệm tồi tệ của những người ăn lương Nhà nước nhưng không làm gì hết hoặc tắc trách, vô trách nhiệm. Và trên hết là sự vô cảm với con người, với sự nghiệp chung mà chúng ta đã ca cẩm quá nhiều! Nguyễn Quang Thân

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://www.phunuonline.com.vn/2010/Pages/dem-con-bo-cho.aspx