Đến Châu Âu ngắm lòng yêu nước

Chỉ có lòng yêu nước mới giúp một đất được vẹn toàn, không chỉ là những cường quốc về kinh tế mà còn là cường quốc về văn hóa, sâu sắc và tinh tế.

Tháp Eiffel - biểu tượng của nước Pháp

Chuyến bay đến nước Pháp hạ cánh vào một buổi sáng sớm mùa hè đẹp trời, từ cửa sổ máy nhìn xuống đã thấy xứ sở này được ưu ái nằm trên một miền đất bằng phẳng và nhiều màu sắc như một bức tranh.

Càng bay thấp, tiến sâu vào thành phố Paris tôi mới nhận ra vẻ đẹp này chính là cái đẹp của... quy hoạch. Nhà cửa không dồn vào một cục như ở xứ ta mà rải rác, cứ chen giữa một khu nhà là một cánh rừng hay những cánh đồng, đủ loại từ lúa mì, bắp, rau cải và những loại cây mà có người nói là cây “khiết bông”, nghĩa là... cây không biết!

Xuống sân bay tôi nao nức gặp Paris như gặp cố nhân, đúng hơn là gặp thần tượng mà mình ngưỡng mộ từ khi biết chạm đến văn chương. Sân bay Charles De Gaulle thì cũng rộng lớn, hiện đại như nhiều sân bay quốc tế tôi đã từng ghé qua, chẳng có gì đặc biệt.

Thế nhưng tôi vẫn nhìn quanh quất để tìm kiếm một điều gì đó ẩn chứa ở đây, vì cái sân bay này mang tên một vĩ nhân của nước Pháp, vị tướng nổi tiếng, một tổng thống tài giỏi và... đẹp trai, được nhiều phụ nữ hâm mộ.

Vì thế khi De Gaulle qua đời, báo chí Pháp cho rằng “De Gaulle mất đi, nước Pháp từ nay góa bụa”. Họ chơi chữ vì nước Pháp thuộc... giống cái - La France.

Cuộc dạo chơi đầu tiên những ngày ghé thăm Paris là đi thuyền trên sông Seine, nghe cứ như trong mơ, trong hồn tôi tự nó ngân nga: “Nhưng người về đâu, người về đâu? Như nước sông Seine bỡ ngỡ chảy quanh cầu. Sao người không là vì sao nhỏ. Để cho ta nhìn trong đêm thâu... (Thơ Nguyên Sa). Rồi thơ Pháp cũng cất tiếng trong tôi: Sous le pont Mirabeau coul la Seine. Et nos amours. Faut-il qu il m én souvienne (Thơ Apollinaire)

Chẳng cần lục lọi, tôi còn lôi được cả trong trí nhớ chật chội, lộn xộn của mình được bức tranh “Những cô gái trên cầu Mirabeau” của Picasso nữa! Trời đất, ở đâu mà thơ văn nhạc họa về sông Seine nhiều dữ vậy cà? Thảo nào dòng sông này quá nổi tiếng. Sức mạnh của nghệ thuật thật là kinh khủng, nó tạc bóng dáng của sông Seine thành bất tử, trên toàn cầu.

Nhìn kỹ lại sông Seine, sông cũng bình thường thôi, có điều người Pháp lại “trồng cây si” quanh nó nhiều công trình kiến trúc tuyệt đẹp để đời. Nào tháp Eiffel, Nhà Thờ Đức Bà Paris... và nhiều lâu đài danh tiếng khác.

Ở một thành phố lớn nhưng giòng sông vẫn xanh, không bị ô nhiễm. Hai bên bờ sông được kè đá tươm tất, trên bờ có những công viên, những bãi cát nhân tạo để mọi người ra đây tắm nắng hay chỉ là một không gian có cây xanh để người dân ra đó ngồi chơi ngắm sông, trẻ con nô đùa, chạy xe đạp.

Chỉ một đoạn sông ngắn là có một cây cầu bắc qua, nghe nói đến hơn ba chục cái cầu, mỗi cái có mỗi vẻ đẹp khác nhau, có tên tuổi, có lý lịch riêng... Có vài cái cầu chỉ dành cho người đi bộ, xe không được chạy vào. Thật là một dòng sông sang trọng, danh giá.

Ở những chỗ bờ sông vắng, rất thơ mộng có những đôi nam nữ ngồi tình tự... Thế là sông Seine đẹp, chủ yếu là nhờ con người giữ gìn, tô điểm thêm từ thế hệ này qua thế hệ khác. Ôi giá mà sông, rạch ở Sài Gòn cũng được quy hoạch, gìn giữ như thế thì đâu nhan sắc Sài Gòn cũng có thua kém gì nàng hoa hậu này của Paris!

Khi qua Hà Lan, đất nước được xây dựng trên đầm lầy, kênh rạch... Vì thế thành phố Amsterdam cũng được ví như một Venice - của nước Ý. Mọi người thích thú khi được "chiêu đãi" một chuyến dạo chơi quanh thành phố bằng thuyền trên những thủy lộ này. Lại nhớ đến những con kênh ở xứ mình. Ai cũng bảo đã đi chơi thì đừng nhớ gì cả, khi xài Euro cũng đừng nhẩm tính ra tiền đồng làm gì cho khổ! Nhưng liên tưởng là một hoạt động khó kiềm chế nhất của con người.

Cái đập ngăn biển do nhân dân Hà Lan xây dựng mới thật là một kỳ quan. Dân Hà Lan có câu “Thượng Đế tạo ra thế giới nhưng người Hà Lan tạo ra đất nước của mình.” Ôi, một đất nước xinh đẹp, tràn ngập hoa và cây xanh, cũng giống như khi đi xe từ Pháp qua Brussells cứ giống như đi vào rừng, nhiều lúc du khách lẫn lộn không biết đây là thành phố trong rừng hay rừng trong thành phố...

Thế là, một lần nữa, nhận ra lòng yêu nước cũng không có gì khó, cũng giống như đến nhà ai lập tức nhận ra họ có yêu căn nhà, cái tổ ấm của họ không bằng cách nhìn vào cách bày biện, giữ gìn, trang trí cái không gian sống ấy. Tất nhiên một người yêu nhà mình, cái nhà của ông cha để lại không bao giờ cho hàng xóm lấn chiếm, hay lén con cháu cắt bán bớt chút đất đai, một khoảnh vườn chẳng hạn!

Khi dạo chơi ở những khu phố cổ như Brussells, Munich, Amsterdam... nhiều con đường xưa lát bằng những cục đá nhỏ, được sắp rất công phu và đẹp, đã nhẵn bóng... lại chợt nhớ đến câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan: Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo. Đền cũ lâu đài bóng tịch dương...

Nước ta còn có con đường cổ nào được giữ gìn xứng tầm lịch sử không? Để ta được bước đi trên đó mà ngưỡng vọng và biết ơn cha ông... Có đền đài cổ nào của nước mình, như ở Huế chẳng hạn, được yên ổn dưới bóng tịch dương chăng? Hay là những festival phù phiếm và những hội chợ phù hoa nối tiếp nhau phá nát không gian cổ, tô vẽ lòe loẹt, náo loạn đền đài...

Hội hoa ở Floriade rất lớn ở Hà Lan, 10 năm mới tổ chức một lần, kéo dài đến 6 tháng, có rất nhiều nước tham gia nhưng cũng nhẹ nhàng, không quá đông đúc, náo nhiệt... Có thế người ta mới thưởng được vẻ đẹp của hoa.

Thành phố Rome, gồm Vatican với những công trình kiến to lớn, đẹp đẽ ngoài sức tưởng tượng, có tuổi từ vài năm trăm năm đến vài nghìn năm vẫn còn nguyên vẹn khiến ta phải sững sờ, sao con người có thể tài hoa, nhẫn nại và vĩ đại đến như thế...

Đến châu Âu thì không thiếu gì những công trình hiện đại và vĩ đại, tân kỳ... Thế những hầu hết du khách thích đến thăm những công trình kiến trúc cổ như lâu đài Fontainebleau của Pháp, lâu đài Nymphenburg ở Đức, Điện Pantheon ở Ý...

Và những ngôi làng cổ, nhà hàng cổ với những món ăn truyền thống cũng hết sức hấp dẫn. Cả tượng "chú bé tè" nhỏ xíu đứng ở một góc phố nhỏ ở Brussells cũng là cách quảng bá để mọi người đổ xô đến đây mua... chocolate và hàng lưu niệm có hình chú bé tè.

Những đất nước ấy hết sức nâng niu những di sản, họ thông minh nên biết giữ những gì cần giữ nhất là những gì của tiền nhân để lại, không chỉ là tài sản vô giá mà chắc chắn còn có máu và nước mắt trong đó. Lòng yêu nước cũng chính là trách nhiệm với hậu thế, không làm ẩu, làm càn, không rút ruột công trình, ăn bớt những dự án, cứ vừa xây xong xong đã lún nứt, hư hỏng...

Và cũng nhờ thế, họ luôn chinh phục được du khách từ khắp nơi đổ về...

Nhiều kỳ quan của chuyến đi được lưu giữ bằng những tấm ảnh trong máy tính của tôi, còn kỳ quan của lòng yêu nước thì luôn sống động trên cái đền thờ trong tâm tưởng... Còn với những kẻ bán nước? Thật không thể nào hiểu nổi! Có lẽ điều đó không thuộc về Con Người!

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/den-chau-au-ngam-long-yeu-nuoc-post166456.html