Đến kỳ 'gom' tiền, ngân hàng loạn lãi suất tiết kiệm

Cận Tết là thời điểm người dân có xu hướng gửi tiết kiệm nhiều hơn nhưng VPBank bất ngờ giảm lãi suất trong khi vẫn có đơn vị điều chỉnh tăng.

Cận Tết là thời điểm người dân có xu hướng gửi tiết kiệm nhiều hơn vì nhận được thưởng Tết. Thế nhưng ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) bất ngờ giảm lãi suất. Trong khi đó, nhiều ngân hàng lại điều chỉnh tăng.

Kể từ 31/12/2016, VPBank áp dụng biểu lãi suất mới. Theo đó, mức lãi suất cao nhất giảm từ 8%/năm xuống 7,9%/năm ở kỳ hạn 36 tháng. Muốn nhận được “trần” lãi suất, khách hàng phải có khoản tiền gửi từ 5 tỷ đồng trở lên.

Đây là lãi suất áp dụng cho hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến. Còn nếu gửi tại quầy như truyền thống, khách hàng chỉ nhận mức cao nhất là 7,7%/năm, giảm nhẹ so với con số 7,9%/năm so với trước đây. Và muốn nhận được ưu đãi này, khách hàng cũng phải có khoản tiền gửi trên 5 tỷ đồng.

Lãi suất tiết kiệm được không có xu hướng rõ nét trong những ngày đầu năm 2017

Kể từ 5/1/2017, ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) tăng nhẹ lãi suất. Theo biểu lãi suất mới, mức cao nhất tại ngân hàng này là 7,5%/năm áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng. Để nhận được mức này, khách hàng phải gửi tối thiểu 500 tỷ đồng.

Chắc chắn đây không phải kênh đầu tư của đa số người dân. Tại Eximbank, khách hàng bình dân chỉ có cơ hội nhận được lãi suất cao nhất 6,8%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng.

Biểu lãi suất tại ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DongA Bank) thay đổi từ 26/12. Theo đó, lãi suất cao nhất tại ngân hàng này là 7%/năm áp dụng cho 3 kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng. DongA Bank là một trong số ít các ngân hàng thương mại có mức lãi suất thấp.

Trong những ngày đầu năm mới, ngân hàng thương mại cổ phần Kiên Long (Kienlong Bank) cũng công bố biểu lãi suất mới. Theo đó, từ ngày 3/1, khách hàng có cơ hội nhận tiền lãi lên tới 7,2% khi gửi tiết kiệm ở 3 kỳ hạn 13 tháng, 15 tháng và 18 tháng.

Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) thay đổi biểu niêm yết từ ngày 29/12/2016. Mức lãi suất cao nhất tại Sacombank là 7,55%/năm áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng. Tuy nhiên, cũng giống như Eximbank, “trần” lãi suất tại Sacombank chỉ dành cho đại gia vì Sacombank quy định khách hàng phải gửi trên 500 tỷ đồng nếu muốn nhận mức lãi cao này.

Ngoài ra, khách hàng phổ thông chỉ có cơ hội nhận mức cao nhất 7%/năm. Ở mức này, Sacombank không quy định số tiền gửi.

Nếu trước đây, VPBank và ngân hàng Quốc Dân (NCB) thường xuyên chia sẻ với nhau danh hiệu ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất ở mức 8%/năm thì hiện tại, VPBank đã đi lùi. Chỉ còn NCB duy trì mức lãi suất cao nhất thị trường 8%/năm.

Ở các kỳ hạn khác, NCB cũng niêm yết mức lãi suất khá cao như 7,8%/năm cho kỳ hạn 18 tháng, 7,5%/năm cho 5 kỳ hạn và 7,3%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Còn tại VPBank, có tới 3 kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng được áp dụng lãi suất từ 7,6%/năm tới 7,9%/năm.

Nhiều ngân hàng đang thay đổi biểu lãi suất nhưng tốc độ biến động nhẹ, chỉ tăng hoặc giảm 0,2%/năm. Có thể thấy, lãi suất trong những ngày đầu của năm 2017 tương đối ổn định sau 1 năm tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp.

Trong báo cáo “Kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2016, định hướng giải pháp điều hành năm 2017”, Ngân hàng Nhà nước cho biết trong năm 2016, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành cung tiền hợp lý tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng ổn định lãi suất huy động, có điều kiện phấn đấu giảm lãi suất cho vay và hỗ trợ việc phát hành thành công khối lượng lớn trái phiếu Chính phủ với lãi suất thấp.

Đồng thời Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp cân đối vốn duy trì ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, điều chỉnh tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn giảm dần theo lộ trình góp phần giảm áp lực lãi suất cho các tổ chức tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước thống kê, mặt bằng lãi suất huy động sau khi tăng 0,2-0,3%/năm trong 3 tháng đầu năm thì từ tháng 4 đã ổn định, đặc biệt giữa tháng 4 và từ cuối tháng 9/2016, một số TCTD đã giảm 0,3-0,5%/năm lãi suất huy động, giảm khoảng 0,5-1%/năm lãi suất cho vay đối với sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.

Lãi suất cho vay hiện phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với kỳ hạn ngắn và 9-11%/năm đối với trung và dài hạn; khách hàng tốt, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm.

>>> Đọc thêm: Liên tục ‘thủng trần’, lãi suất tiết kiệm chỉ còn 8%/năm

Bảo Linh

Tin tài trợ

Nguồn VTC: http://vtc.vn/den-ky-gom-tien-ngan-hang-loan-lai-suat-tiet-kiem-d297003.html