Đèn lồng Sơn Hà

Xã Sơn Hà (huyện Phú Xuyên) được nhiều người biết đến với nhiều nghề như: Dệt lưới, may túi xách, giày da, mộc dân dụng… Khó có thể nói đâu là nghề chính và nghề làm đèn lồng, vừa "bén duyên" với mảnh đất này vài năm qua cũng đang hứa hẹn mang đến những khởi sắc như chính những chiếc đèn lồng nơi đây sẽ mang đến niềm vui cho người dân khắp nơi trong dịp Tết 2017.

Làm đèn lồng ở xã Sơn Hà (Phú Xuyên).

Đến thăm xưởng sản xuất đèn lồng lớn nhất xã Sơn Hà của vợ chồng chị Phạm Thị Nhung, thôn Thao Ngoại, ngắm những chiếc đèn lồng đủ kích cỡ với 2 màu đỏ và vàng đã cảm nhận không khí Tết đang ùa về miền quê này. Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, gia đình chị Nhung dự kiến xuất ra thị trường khoảng 30 vạn chiếc đèn lồng các loại. Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề này, chị Nhung kể: Làng Thao Ngoại vốn có nghề truyền thống làm tơ lưới nhưng mấy năm nay chậm phát triển, thu nhập thấp nên mọi người bảo nhau tìm nghề mới để thay thế nghề cũ. Kết quả, từ chỗ đi buôn đèn lồng Trung Quốc, chị Nhung đã tháo đèn lồng ra để học cách làm. Vốn khéo tay, nhanh nhạy nên chỉ sau một thời gian ngắn, chị đã nắm được "bí kíp" và hướng dẫn hàng chục người trong thôn đã thạo nghề, thực hiện tất cả các khâu. Làm được một chiếc đèn lồng cũng rất công phu với 2 công đoạn chính: Làm khung và bọc vải. Bà Nguyễn Thị Thu, Chi hội phó Hội Phụ nữ thôn Thao Ngoại cho hay: Nghề này ngoài 2 khâu chính còn nhiều khâu phụ như làm tua, chuông... để trang trí, hợp thị hiếu người tiêu dùng nên có thể bố trí lao động hợp lý. Mỗi người tùy theo thế mạnh của mình mà chọn công đoạn làm cho phù hợp. Gia đình bà Thu chọn làm khâu kết tua đèn, khâu này đòi hỏi khéo tay và tỉ mẩn nhưng với bà và nhiều phụ nữ ở đây thì không khó, bởi từ nhỏ đã làm nghề xe tơ, kết chã.

Khung làm đèn lồng ở Sơn Hà được làm bằng sắt nên tuổi thọ khá cao. Anh Nguyễn Văn Bằng, một thợ giỏi chia sẻ: Những năm trước, đèn Trung Quốc xuất hiện ở nhiều làng quê mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Tuy nhiên, nhiều người không thích vì loại đèn này không phù hợp với văn hóa Việt Nam. Vì vậy, sản phẩm đèn lồng làng nghề với chữ quốc ngữ, biểu tượng phù hợp với văn hóa Việt, giá cả hợp lý đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường. Nghề mới nhờ thế bén duyên trên đất Phú Xuyên và phát triển nhanh, từ chỗ chỉ phục vụ nhu cầu trong khu vực, đến nay thương lái từ khắp các nơi đã đến đặt hàng và cất buôn với số lượng lớn. Nghề làm đèn lồng ở Sơn Hà hiện giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động vào dịp tết với thu nhập từ 120.000 đồng đến 200.000 đồng/người/ngày.

Điều trăn trở lớn nhất của những người làm nghề ở đây chính là vốn cho làng nghề vào dịp cuối năm bởi khối lượng hàng hóa tăng gấp 3-4 lần. Hiện nay, các xưởng làm đèn lồng ở Sơn Hà rất muốn làm các loại đèn lồng cao cấp từ vải lụa Hà Đông chính hiệu, giúp ánh sáng thêm lung linh nhưng đòi hỏi phải có vốn lớn. Để nghề mới hưng thịnh, ngoài sự cần mẫn của người dân, rất cần thêm sự tiếp sức từ cơ quan chức năng theo chương trình đào tạo nghề nông thôn và hỗ trợ vốn cho làng nghề.

Sơn Tùng

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Doi-song/859354/den-long-son-ha