Đến người Canada cũng bắt đầu hoài nghi về 'giấc mơ Mỹ', tại sao vậy?

Hiện nay, đến người láng giềng Canada cũng phải phì cười về 'Giấc mơ Mỹ'.

Ảnh minh họa.

Vào thập niên 1970-1980, nước Mỹ tự hào là một quốc gia hùng mạnh sơ với người láng giềng Canada. Vốn là một trong những người chiến thắng sau chiến tranh thế giới thứ 2 với nền kinh tế phát triển, rất nhiều du khách Canada ước mơ một cuộc sống tại Mỹ.

Tuy nhiên, mọi chuyện đã dần đổi thay sau vài thập niên. Kể từ năm 1995, nước Mỹ chưa có một dự án sân bay lớn nào được xây dựng còn hệ thống cơ sở hạ tầng tại nhiều khu vực lại đang xuống cấp nghiêm trọng. Chi phí xây dựng cao khiến các dự án tại đây tốn nhiều tiền nhưng không thể hoàn thành nhanh chóng.

Hệ thống tàu điện ngầm tại thủ đô Washington tốn số tiền kỷ lục để nâng cấp nhưng chưa đi vào đâu, rồi hình ảnh cây cầu Ambassador Bridge tại Detroit chịu trách nhiệm tải trụ gần 200 tỷ USD hàng hóa thương mại giữa biên giới Mỹ- Canada đầy cũ kỹ đang khiến người Canada có cái nhìn rất khác về Mỹ.

Hệ thống tài điện ngầm tại Washington gặp trục trặc.

Năm 2015, chính phủ Canada tuyên bố sẽ thanh toán toàn bộ chi phí cho việc xây dựng một cây cầu mới giữa biên giới 2 nước sau khi chính quyền Michigan than phiền rằng họ “không có tiền”.

“Chúng tôi không đủ tiền để xây những cây cầu, những sân bay… Thật đáng xấu hổ đối với những công dân Mỹ”, Giám đốc điều hành Jamie Dimon của JP Morgan Chase nói.

Kể từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, nền kinh tế số 1 thế giới ngập trong những tranh cãi. Một số người chỉ trích Tổng thống Trump trong khi số khác lại ủng hộ. Câu chuyện bảo hộ thương mại, chủ nghĩa dân túy, ô nhiễm môi trường… được giới truyền thông nhắc đến nhiều lần. Tuy nhiên, dù ai đúng ai sai thì một sự thật rõ ràng rằng hệ thống cơ sở hạ tầng của nước này đang không đủ tiền để nâng cấp, một điều trớ trêu của 1 trong những quốc gia giàu nhất thế giới.

Đối với nhiều người trên thế giới, Mỹ là một quốc gia thiên đường khi có nền kinh tế hùng mạnh và chất lượng cuộc sống cao.

Dẫu vậy, một nước nơi các công dân nghèo phải dựa vào tiền trợ cấp cho y tế không phải là một quốc gia có thể bảo vệ sức khỏe người dân nước mình. Một nước không thể bảo đảm hoạt động của trạm tàu điện ngầm lớn nhất trong thành phố nổi tiếng của nó như trạm Penn Station ở New York thì khó có thể giải quyết nạn ùn tắc giao thông. Một nước cho các tù nhân làm hợp đồng thuê với các công ty môi giới trả giá thấp nhất thì họ khó có thể giảm được tỷ lệ phạm tội.

Nước Mỹ không thiếu những người vô gia cư.

Đúng là nước Mỹ có tiêu chuẩn sống cao nhưng đó là với một bộ phận những người giàu và trung lưu. Tầng lớp người nhập cư sống dưới đáy xã hội thực sự không được hưởng nhiều quyền lợi so với quê nhà của họ.

Số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho thấy Mỹ đứng thứ 4 từ cuối lên trong bảng xếp hạng các quốc gia có mức thuế cao nhất thế giới năm 2014. Mức thu nhập từ thuế bình quân của Mỹ vào khoảng 25,9% GDP, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 34,2% GDP của OECD.

Rõ ràng, nếu đánh thuế như nhiều nước phát triển khác, Mỹ có thể thu về thêm 1,5 nghìn tỷ USD hàng năm để đầu tư cho cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Tuy nhiên, câu chuyện lại phức tạp hơn rất nhiều.

Mức thuế tại Mỹ thấp hơn nhiều nước phát triển.

Ý thức nộp thuế

Tại Canada, mọi chuyện khá đơn giản khi hệ thống chính phủ thiếu vốn tài trợ cho các dự án an sinh xã hội hay cơ sở hạ tầng, họ chỉ việc tăng thuế.

Người Canada không mấy vui vẻ về điều này nhưng họ hiểu đất nước cần số tiền này để đầu tư cho lợi ích của chính họ. Thậm chí các đảng phái chính trị cũng hiểu và tôn trọng quyết định này. Khi Thủ tướng Justin Trudeau tăng thuế với người giàu, một số tiếng nói phản đối đã diễn ra nhưng chúng bị đa số phủ quyết.

Tại Mỹ, tình hình lại phức tạp hơn quá nhiều khi việc tranh cãi mức thuế cho người giàu, người nghèo rồi thu chi ngân sách luôn là chủ đề nóng giữa các chính trị gia. Dường như cả người giàu lẫn người nghèo Mỹ đều cho rằng họ đang phải trả thuế khá nhiều trong khi lợi ích nhận lại không xứng.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng với hệ thống luật pháp khá chặt chẽ thì việc tăng thuế sẽ giúp chính phủ có đủ nguồn vốn đảm bảo tiêu chuẩn sống cho người dân. Ví dụ điển hình là Đan Mạch khi mức thu thuế vào khoảng 49,0% GDP, đừng đầu OECD nhưng tiêu chuẩn sống tại đây lại khá tốt, nền kinh tế cũng phát triển đồng đều.

Đan Mạch.

Mặc dù vậy, người Mỹ có vẻ vẫn thích việc giảm thuế hơn là nỗi lo túi ngân sách hụt thu tác động gián tiếp đến họ. Năm 2012, Thống đốc bang Kansas Sam Brownback quyết định giảm 26% thuế thu nhập và kể từ đó, nguồn thu ngân sách của bang này bắt đầu rơi tự do.

Bản kế hoạch thuế của Tổng thống Trump cũng đi theo con đường hạ mức thuế với lời giải thích rằng khoản tiền dư thừa sẽ thúc đẩy đầu tư, chính sách mới sẽ thu hút việc làm và kinh doanh.Tuy nhiên, chính sách này đang khiến nhiều chính trị gia lo lắng bởi động thái này sẽ khiến ngân sách Mỹ ngày càng eo hẹp, không đủ sức chi cho những dự án cơ sở hạ tầng và y tế khác.

Tại Canada, mặc dù những vùng xa xôi hẻo lánh còn đói nghèo nhưng những doanh nhân tại đây lại hiếm khi phàn nàn về mức thuế. Một cuộc phỏng vấn của tờ The Atlantic cho thấy hầu hết các lãnh đạo doanh nghiệp đề cập đến thiếu lao động lành nghề, giá bất động sản quá cao, tỷ lệ nợ hộ gia đình lớn và hệ thống cơ sở hạ tầng còn chưa đáp ứng được nhu cầu chứ không nói gì đến thuế.

Hơn nữa, hệ thống an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe của Canada lại được nhiều người khen ngợi khi các lao động được bảo vệ quyền lợi về y tế, được phép nghỉ có lương nếu gặp vấn đề về sức khỏe.

Theo tờ The Atlantic, một hộ gia đình 3 người sống tại Ontario-Canada sẽ phải nộp 46% thu nhập của họ để đóng thuế, cao hơn nhiều so với mức 36% tại bang Chicago-Mỹ. Tuy vậy, bù lại gia đình này nhận được dịch vụ chăm sóc sức khỏe công thuộc hàng tốt nhất thế giới, con cái được hỗ trợ theo học trường công chuẩn quốc tế, hệ thống cơ sở hạ tầng được nâng cấp nhằm liên tục đáp ứng sự phát triển của kinh tế, qua đó tạo thêm việc làm và thu nhập.

Đối với người dân Canada, họ thường không nói về sự vĩ đại hay những điều đao to búa lớn bởi sự thực lịch sử kinh tế quốc gia này cũng không có gì đáng bàn nếu so sánh với Mỹ. Mặc dù vậy, người Canada lại hiểu rõ rằng việc trả thuế giúp chính phủ của họ hoạt động hiệu quả hơn trong việc đem lại lợi ích cho người dân.

Theo Thời đại

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thoi-su/den-nguoi-canada-cung-bat-dau-hoai-nghi-ve-giac-mo-my-tai-sao-vay-3011049.html