Dệt may miền Trung thấp thỏm đón TPP

Đón TPP, nếu các doanh nghiệp dệt may miền Trung không tính toán, cân nhắc, không đầu tư kịp thời thì chắc chắn sẽ vấp phải những khó khăn, thách thức không nhỏ từ các vấn đề như nguồn nguyên liệu, rào cản kỹ thuật, lộ trình mở cửa toàn bộ thị trường bán lẻ của Việt Nam đến năm 2016

"Chốt" trong đàm phán TPP

Ngày 6/9 tại Đà Nẵng, Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS) phối hợp với UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức hội thảo chuyên đề "Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tác động đến doanh nghiệp dệt may Việt Nam" dành cho các nhà quản lý, các doanh nghiệp dệt may ở khu vực miền Trung.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết: "TPP sẽ đem lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra những khó khăn, thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp dệt may miền Trung vốn chủ yếu chỉ có quy mô nhỏ và vừa!" (Ảnh: HC)

Theo Phó Chủ tịch VITAS Nguyễn Đình Trường, cùng với hàng loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế được triển khai sâu rộng từ TƯ đến địa phương, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực mở rộng thị trường quốc tế qua việc đẩy nhanh tiến trình đàm phán tham gia vào Hiệp định TPP - khu vực chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam; Hiệp định thương mại tự do với EU (gồm 27 nước) - chiếm 50% tổng kim ngạch xuất khẩu; Hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc. Trong đó, TPP được đánh giá là quan trọng nhất và đang thu hút sự quan tâm sâu sắc của dư luận trong và ngoài nước.

Theo VITAS, Việt Nam hiện là nước xuất khẩu dệt may lớn thứ 5 thế giới, doanh thu năm 2012 đạt 20 tỉ USD, kim ngạch xuất khẩu đạt 17,2 tỉ USD, tạo việc làm cho 2,5 triệu lao động, đóng góp khoảng 10% GDP cả nước.

"Tuy số doanh nghiệp dệt may tại Đà Nẵng và miền Trung chỉ chiếm gần 10% cả nước nhưng gần đây, nhiều doanh nghiệp dệt may trong và ngoài nước đã lựa chọn miền Trung để mở rộng sản xuất, đầu tư mới" - ông Nguyễn Đình Trường nói.

Ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho hay, hiện toàn TP có hơn 80 doanh nghiệp dệt may lớn nhỏ với kim ngạch xuất xuất khẩu chiếm 25 - 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của TP. Ngành dệt may Đà Nẵng hiện đã có một số sản phẩm sơ mi, veston... của Tổng Công ty dệt may Hòa Thọ, Công ty dệt may 29/3, Vinatex... tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất, phân phối toàn cầu.

"Từ bước đầu chỉ tham gia vào các thị trường nhỏ, thị trường ngách thì hiện nay sản phẩm của doanh nghiệp dệt may tại Đà Nẵng đã có mặt và thể hiện được sức cạnh tranh tại nhiều thị trường lớn trên thế giới như Hoa Kỳ (chiếm hơn 42%), EU (trên 10%), Nhật Bản (trên 15%)..." - ông Phùng Tấn Viết cho hay.

Tuy nhiên, ông Phùng Tấn Viết cũng lưu ý, nếu các doanh nghiệp dệt may miền Trung không tính toán, cân nhắc, không đầu tư kịp thời thì chắc chắn sẽ vấp phải những khó khăn, thách thức không nhỏ từ các vấn đề như nguồn nguyên liệu không thuộc 12 nước đối tác TPP, rồi các rào cản kỹ thuật, lộ trình mở cửa toàn bộ thị trường bán lẻ của Việt Nam đến năm 2016 theo cam kết gia nhập WTO, lộ trình hướng đến cộng đồng kinh tế ASEAN 2015...

Theo ông Bùi Xuân Khu, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Công thương, Trưởng Ban cố vấn của VITAS, nếu được ký kết, xét một cách tổng quan, TPP sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn là thách thức. Sẽ mở ra nhiều thị trường hơn, tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn, nhiều đơn hàng hơn, giá cả sẽ khá hơn. Chúng ta đang thiếu vải, phải nhập khoảng 6 tỉ USD/năm. Có hiệp định TPP, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đầu tư để đón đầu thị trường cung cấp vải cho các doanh nghiệp trong nước. Đương nhiên là chúng ta sẽ có thêm những lợi thế, sau này không phải đi nhập xa nữa... Dù có những thách thức nhưng tôi cho cái lợi khi tham gia Hiệp định TPP là rất đáng quan tâm" - ông Bùi Xuân Khu nói.

HẢI CHÂU

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/Kinh-doanh/Det-may-mien-Trung-thap-thom-don-TPP/107448.info