Dệt may trong nước hụt hơi trong cuộc đua với doanh nghiệp FDI

Kim ngạch xuất khẩu trên 20 tỷ USD, sử dụng trên 2 triệu lao động, dệt may là một trong những ngành kinh tế đóng vai trò quan trọng trong giải quyết việc làm và mang ngoại tệ về cho đất nước. Với Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam đang đàm phán, dệt may được coi là một trong những ngành hưởng lợi chính với giấc mơ lột xác khi thuế nhập khẩu vào những thị trường lớn như Mỹ về mức 0%.

Tuy nhiên, các DN trong nước đang lo lắng hơn trước sự tấn công ồ ạt của các DN FDI và khả năng “ra rìa” trong việc hưởng lợi từ “miếng bánh” TPP.

Với mục tiêu xây dựng ngành công nghiệp dệt may trở thành một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn, hướng về xuất khẩu và có khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước ngày càng cao; tạo nhiều việc làm cho xã hội; nâng cao khả năng cạnh tranh, hội nhập vững chắc vào nền kinh tế khu vực và thế giới, Bộ Công thương mới đây đã đưa ra Quy hoạch dệt may giai đoạn 2015 – 2020, tầm nhìn 2030. Quy hoạch đặt ra tham vọng đảm bảo cho ngành dệt may phát triển bền vững, hiệu quả trên cơ sở công nghệ hiện đại, hệ thống quản lý chất lượng, quản lý lao động, quản lý môi trường theo các chuẩn mực quốc tế...

Với đà tăng trưởng như hiện nay, thách thức lớn nhất trong việc thực hiện quy hoạch chính là tỷ lệ nội địa hóa. TheoTập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) trong một thập kỷ, ngành Dệt may trong nước đã đạt được mức phát triển vượt bậc (tăng kim ngạch xuất khẩu gấp 10 lần, từ hơn 2 tỷ USD năm 2004 tới hơn 20 tỷ USD năm 2013) nhưng lại quá thiên lệch, phần lớn tập trung vào khâu may gia công, khâu hưởng lợi thấp nhất trong chuỗi giá trị.

Trong một cuộc họp với ngành Công thương hồi đầu năm nay, ông Trần Quang Nghị - Tổng Giám đốc Vinatex đã lên tiếng về sự hụt hơi của DN nội trước các DN FDI: Trong 2 năm vừa qua, chúng ta đã hấp thụ một lượng vốn đầu tư vào dệt may trị giá hơn 1 tỷ USD, trong khi trong suốt hơn 10 năm trước đó có 3 tỷ USD. “Họ chuẩn bị rất kỹ để đón đầu TPP trong khi “vũ khí” của chúng ta quá hạn chế”. Ông Nghị cho rằng chúng ta “chiến đấu” ở cấp Chính phủ rất quyết liệt, nhưng DN không tận dụng được điều này thì rất đáng tiếc.

Nhìn thấy những tiềm năng trước mắt nhưng DN trong nước đang đứng trước nguy cơ “lực bất tòng tâm”. Ảnh: TV Bộ.

Mới đây, trong một cuộc hội thảo với Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế cũng đưa ra một con số đáng chú ý: Hiện chúng ta có nhu cầu khoảng 10 tỷ mét vải mỗi năm, nhưng con số vải đáp ứng được yêu cầu xuất xứ của TPP chỉ chưa đến 1/10, khoảng 800 triệu mét. Đây là một cơ hội nhãn tiền, nhiều DN nước ngoài đã nhìn thấy và đang xúc tiến đầu tư.

Các DN FDI chỉ tập trung vào những điểm yếu của dệt may Việt Nam là khâu nguyên phụ liệu, trong khi đó đến “đại gia” Vinatex cũng mới chỉ mạnh dạn đầu tư khâu nguyên liệu sợi và may, các khâu quan trọng khác là dệt, nhuộm thì chưa... dám vì vay ngân hàng sẽ không chịu nổi. Ngoài Vinatex cho biết đã chủ động đầu tư cho sản xuất nguyên phụ liệu từ 10 năm trở lại đây, còn hầu hết các DN ngoài Tập đoàn chỉ chú trọng đầu tư mở rộng khâu may.

Nguyên nhân của việc yếu kém này được cho biết do đầu tư từ sợi trở đi là cuộc chơi của các “đại gia”, cần nguồn vốn hàng tỷ USD, chưa kể tới việc đầu tư đất đai rộng lớn cho vùng cây nguyên liệu và khả năng thu hồi vốn rất lâu. Ngoài ra, đây cũng là mảng cần có liên kết chặt chẽ với các khâu thiết kế, chào hàng, phân phối, trong khi đây vẫn là nhược điểm cố hữu của DN Việt: thiếu liên kết trong kinh doanh.

Ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, nguyên Trưởng đoàn đàm phán WTO cảnh báo: Cũng như giai đoạn trước khi Việt Nam gia nhập WTO, hiện các DN FDI đã đã tăng công suất, đầu tư thêm tiền để đón đầu TPP. Trong hơn 20,3 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may năm 2013, 60% thuộc về DN FDI. Nếu DN trong nước không nhanh chân, tỷ lệ đó hứa hẹn sẽ còn cao hơn nữa. DN nội sẽ tiếp tục đánh mất cơ hội lớn lên, trở thành một mắt xích trong chuỗi giá trị toàn cầu, trong khi người lao động sẽ phải tiếp tục “đạp máy khâu, cầm mỏ hàn” với đồng lương eo hẹp

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/kinhte/2014/5/230055.cand