Dệt may Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng

(NDHMoney) Trong báo cáo mới đây, SSI Research đánh giá rằng ngành dệt may của Việt Nam đã phát triển vượt dự đoán, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

Báo cáo cho biết từ năm 2000 đến năm 2012, giá trị xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam tăng 8 lần, từ 1,9 tỷ USD trong năm 2000 lên mức 15,1 tỷ USD vào năm 2012.

SSI Research cho rằng hội nhập quốc tế có vai trò quan trọng cho sự tăng trưởng ấn tượng đó. Việt Nam hiện là 1 trong 5 nước xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới với thị phần khoảng 4-5%.

Mỹ là thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam, tiếp đến là EU, Nhật Bản và Hàn Quốc. Riêng với Hàn Quốc, xuất khẩu sang thị trường này năm 2012 đạt 1,1 tỷ USD, chiếm khoảng 7,3% tổng giá trị xuất khẩu.

Theo nhận định của SSI Research, Việt Nam nhiều khả năng sẽ hoàn thành kế hoạch xuất khẩu đặt ra cho năm nay là 19,5 tỷ USD, tương ứng với mức tăng trưởng 29,2% so với năm trước.

Thị trường trong nước cũng có bước phát triển mạnh. Trường bán lẻ hàng dệt may nội địa đạt tốc độ tăng trưởng cao với mức tốc bình quân 13,4% trong giai đoạn 2005-2010 và 20% trong năm 2011. Tuy nhiên, do khủng hoảng kinh tế, quy mô thị trường của năm 2012 đã giảm 6% so với cùng kỳ trong năm 2011, đạt 22,8 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 1,09 tỷ USD.

Thị trường trong nước rất phân tán. Các công ty đứng đầu thị trường là VTEC, Blue Exchange và Vinatex, chiếm thị phần lần lượt là 3,6%, 3,1% và 3% trong năm 2012.

SSI Research cũng nêu ra một nút thắt cổ chai của ngành dệt may Việt Nam là công đoạn dệt và nhuộm. Ngành dệt may của Việt Nam chủ yếu tập trung vào công đoạn cuối cùng trong chuỗi cung ứng là cắt và may. Vì vậy, số lượng các công ty may mặc ở Việt Nam vẫn còn cao, chiếm 70% tổng số doanh nghiệp trong ngành. Nghịch lý của ngành dệt may Việt Nam là nước ta xuất khẩu 2/3 sản lượng sợi, nhưng lại phải nhập khẩu gần 90% lượng vải nhuộm, mà nguyên nhân chính là do chưa phát triển công đoạn trung gian - dệt nhuộm.

Ngành dệt nhuộm vẫn chưa phát triển do đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu cao, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải. Ngành này cũng đòi hỏi chuyên môn và lượng vốn lớn để xử lý nước thải trong quá trình sản xuất. Năng lực sản xuất của các công ty dệt nhuộm hiện nay là quá nhỏ và không đủ để hấp thụ lượng sợi sản xuất trong nước.

Về nguyên liệu, do phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu nên lợi nhuận của ngành sợi Việt Nam biến động theo giá bông thế giới và tỷ giá hối đoái.

Việt Nam có lợi thế trong công đoạn cắt may trong chuỗi cung ứng vì công đoạn này đòi hỏi nhiều lao động, vốn đầu tư thấp hơn và khả năng thu được lợi nhuận trong ngắn hạn.

SSI Research đánh giá tỷ suất lợi nhuận của ngành dệt may vẫn thấp do Việt Nam không có khả năng tự cung cấp nguyên liệu cho sản xuất hàng may mặc.

Nguồn NDH: http://ndhmoney.vn/web/guest/s17/-/journal_content/det-may-viet-nam-chua-tuong-xung-voi-tiem-nang