Dệt may Việt Nam: Có còn lợi thế 'nhân công giá rẻ'?

Mức lương trung bình ngành dệt may năm 2016 đã tăng 12% so với năm 2015, thậm chí còn cao hơn cả Indonesia gần 1,2 lần .

Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ vi phạm quy định về lương tối thiểu thấp nhất trong 7 quốc gia xuất khẩu may mặc tại châu Á. Ảnh: Bloomberg

Lương có còn là “lợi thế” cạnh tranh?

Kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may tại Việt Nam lên đến 27 tỷ USD trong năm 2015. Trong khi Việt Nam vẫn đang được nhiều “ông lớn” trong ngành thời trang chọn lựa để gia công sản phẩm với, các quốc gia khác trong khu vực cũng đang chú trọng hơn trong việc đầu tư thu hút các doanh nghiệp hàng đầu.

Việt Nam được biết đến như là một quốc gia thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhờ mức sống chung cũng như thu nhập chi trả cho người lao động còn ở mức thấp.

Tuy nhiên, “lợi thế” này chưa bao giờ được các nhà kinh tế đánh giá bền vững khi thu nhập bình quân của người Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh.

Điều đáng mừng là mức lương ngành dệt may hiện tại đang dần được cải thiện, thậm chí đã vượt qua ngưỡng trung bình theo Báo cáo lương được Mạng việc làm Đông Nam Á JobStreet.com Việt Nam công bố.

Theo đó, mức lương trung bình ngành dệt may của Việt Nam đang cao hơn mặt bằng chung trong khu vực.

Cụ thể, một lao động ngành dệt may trung bình kiếm được từ 402-604 USD/tháng (từ 8,4 triệu đồng đến 12,6 triệu đồng). Con số này chỉ bằng gần ½ so với Malaysia (725-1019 USD/tháng) và bằng ¼ so với mức lương trung bình ngành dệt may tại Singapore.

Tuy nhiên, khi so sánh với Philippines, sự chênh lệch là tương đối nhỏ khi mức lương trung bình ngành dệt may tại Philippines chỉ hơn 1,1 lần Việt Nam.

Mức lương trung bình tại Việt Nam thậm chí còn cao hơn cả Indonesia gần 1,2 lần (343-510 USD/tháng).

Cũng theo báo cáo lương của JobStreet.com Việt Nam, mức lương trung bình ngành dệt may năm 2016 đã tăng 12% so với năm 2015.

Mức lương ngành dệt may (phải) tại Việt Nam cao hơn mức lương trung bình (trái), ngược lại với những quốc gia khác trong khu vực. Nguồn: JobStreet.com Việt Nam.

Theo thống kê của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ vi phạm quy định về lương tối thiểu thấp nhất trong 7 quốc gia xuất khẩu may mặc tại châu Á, một điều đáng mừng.

Trong đó, cứ 100 lao động trong ngành dệt may thì chỉ có 6,6 người bị trả dưới mức lương tối thiểu.

Ngược lại, Philippines là nước đứng đầu với tỷ lệ người lao động nhận lương thấp hơn mức tối thiểu (53,3%). Tỷ lệ vi phạm ở mức độ nghiêm trọng (dưới 80% mức lương tối thiểu) ở Philippines cũng rất cao, lên đến 38,8%.

Campuchia và Indonesia cũng nằm trong danh sách những quốc gia có tỷ lệ người sử dụng lao động vi phạm việc trả lương dưới mức tối thiểu cao, khi khoảng ¼ người lao động nhận dưới mức này.

Cũng lên mạng tìm nhân tài

Việc mức lương ngành dệt may ngày một tăng trong thời gian qua cho thấy các doanh nghiệp đang bắt đầu quan tâm hơn đến việc sử dụng thu nhập như một yếu tố thu hút và giữ chân người lao động.

JobStreet.com Việt Nam thống kê ngành dệt may có nhu cầu lao động tăng khá nhanh trong một vài năm trở lại đây, khi số lượng các vị trí tuyển dụng trong 6 tháng đầu năm 2016 tăng gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm 2015.

Theo khảo sát trong quý I/2016, có đến 91% nhà tuyển dụng cho biết họ đang và sẽ sử dụng mạng việc làm trực tuyến cho kênh tuyển dụng chiến lược. Do đó, việc “kỹ thuật số hóa” hồ sơ ứng tuyển trực tuyến sẽ giúp các ứng viên tiếp cận được nhiều hơn nhà tuyển dụng.

Ngược lại với số lượt tuyển dụng, số lượng hồ sơ ứng tuyển chỉ tăng 2 lần so với 6 tháng đầu năm 2015.

THẢO MAI

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/det-may-viet-nam-co-con-loi-the-nhan-cong-gia-re-2026737.html