ĐHCĐ Vinamilk: Lợi nhuận quý I tăng 34% so với cùng kỳ, lý giải vai trò của ông Bá Dương Coteccons trong HĐQT

Bà Mai Kiều Liên cho biết kết quả kinh doanh quý I/2017, VNM đạt doanh số tăng 16,1% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế tăng 30,3%; lợi nhuận sau thuế tăng 34% so với cùng kỳ 2016.

Sáng ngày 15/4, CTCP Sữa Việt Nam – Vinamilk (HOSE: VNM) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 để cùng cổ đông thảo luận, thông qua nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động điều hành, định hướng chiến lược và mức chi trả cổ tức cho cổ đông.

Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc VNM cho biết trong năm 2016, VNM đạt tổng doanh thu 2016 gần 47.000 tỷ, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 9.000 tỷ đồng, vượt 13% kế hoạch lợi nhuận cả năm. VNM hiện vẫn đang dẫn đầu trong hầu hết các sản phẩm sữa. Hiệu quả quản lý suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân trong 5 năm quan đạt mức trên 37%/năm.

Q&A

Bà Mai Kiều Liên thay mặt HĐQT trả lời các câu hỏi của các cổ đông.

Bà Liên cho biết, trong 10 năm, VNM luôn vượt những kế hoạch trình cổ đông thông qua. Nguyên tắc là phát triển bền vững, thị trường và hình ảnh để vươn ra thế giới.

Về câu hỏi sữa đậu nành, kem, sữa thanh trùng?Bà Mai Kiều Liên cho biết quy mô sữa đậu nành của VNM khoảng 3000 tỷ, kem 1000 tỷ một năm, so với các ngành hàng khác thì nhỏ nhưng so với thị trường rất lớn. Ban điều hành sẽ xem xét lúc nào cần tập trung và sản phẩm nào để hoạt động hiệu quả nhất.

Nếu VNM có cơ hội M&A thì sẽ trình cổ đông thông qua phát hành thêm cổ phiếu do đó không chia cổ phiếu thưởng trong năm nay.

Về công nghệ tự động hóa trong hoạt động? Bà Liên cho biết hoạt động kho của VNM đang triển khai. VNM có 10 trang trại đang được điều khiển hoàn toàn tự động. Sắp tới có những trang trại tự động hoàn toàn, có cả robot tự động vắt sữa.

Về nhân sự, VNM không có người chuyên về Hóa thực phẩm? Bà Liên cho biết từ năm 90, Vinamilk đào tạo chuyên kỹ sư về chế biến sữa, không chỉ là Hóa thực phẩm.

Về thị trường nước ngoài, có những thị trường mà VNM vào không được nhưng cũng có thị trường mà VNM đang có hoạt động tốt. Kế hoạch định hướng thị trường nước ngoài chiếm khoảng 25% tổng doanh số. Trong đó, các kế hoạch M&A có nhà máy Mỹ có doanh số 13 triệu USD.

Về trường hợp vì sao ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch Coteccons vào Thành viên HĐQT độc lập? Bà Liên cho biết HĐQT đã nghiên cứu rất kỹ. “Anh Dương có rất nhiều kinh nghiệm trong quản lý. Mời anh Dương làm trưởng tiểu ban lương thưởng để làm sao tạo động lực cho nhân viên phát triển mà vẫn giữ được lợi ích cho cổ đông.”

Còn theo bà Bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch HĐQT VNM thì ông Dương là 1 trong 10 nhà lãnh đạo hàng đầu của VN nên mời anh Dương về VNM sẽ giúp ích cho hoạt động điều hành, quản trị của Công ty.

Mô hình quản trị mới

Về việc thay đổi mô hình quản trị, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Ban Kinh tế Trung ương được mời tham dự ĐHĐCĐ cho biết, khi VNM chuyển đội sang mô hình quản trị mới thì không những phù hợp với pháp luật mà đây là một trong những mô hình quản trị tiên tiến trên thế giới đang áp dụng. Mô hình này sẽ giúp hoạt động doanh nghiệp được minh bạch hơn, việc yêu cầu ủy ban kiểm toán và tăng số lượng thành viên HĐQT độc lập giúp sẽ bảo vệ tốt hơn quyền lợi của cổ đông thiểu số.

HĐQT mới của VNM

Về việc thoái vốn của SCIC, bà Liên cho biết, cổ đông tại VNM lớn nhỏ hay trong nước hay nước ngoài thì đều cùng chung 1 hướng. VNM hiện nay đã là công ty đa quốc gia, việc bán cổ phần của SCIC theo nguyên tắc thị trường, ai mua giá cao thì bán. Việc bán cổ phần của SCIC cũng giúp nhà nước thu về ngân sách. Còn theo đại điện SCIC cho biết, SCIC sẽ thực hiện thoái vốn dựa theo chỉ đạo của Chính phủ, khi nào có quyết định sẽ công bố rộng rãi đến các nhà đầu tư biết.

~~~~~

Lợi nhuận Quý I tăng 34%

Chia sẻ về kết quả kinh doanh quý I/2017, bà Liên cho biết VNM đạt doanh số tăng 16,1% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế tăng 30,3%; lợi nhuận sau thuế tăng 34% so với cùng kỳ 2016.

Bên cạnh đó, bà Liên cho biết VNM đã sẵn sàng cho chiến lược phát triển đến năm 2021. VNM sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển thêm các ngành hàng để duy trì tốc độ tăng trưởng trong những năm tiếp theo. Hợp tác với các đối tác, mở rộng hoạt động tại các thị trường nước ngoài như Mỹ, New Zealand để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu…

Theo đó, Vinamilk đặt kế hoạch tổng doanh thu đến năm 2021 là 80.000 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu nội địa 61.000 tỷ đồng (chiếm 75%), doanh thu tại các thị trường nước ngoài 19.000 tỷ đồng (chiếm 25%). Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm doanh thu trong nước là 10%/năm.

Tính đến năm 2021, tổng số lượng đàn bò tại các trang trại của Vinamilk dự kiến đạt 44.400 con. Lượng sữa thu mua từ các trang trại Vinamilk đạt 157.000 tấn, và lượng sữa thu được từ các hộ nông dân đạt 251.000 tấn.

Riêng năm 2017, Vinamilk đặt mục tiêu tổng doanh thu 51.000 tỷ đồng, tăng 8% so với năm trước và lợi nhuận sau thuế là 9.735 tỷ đồng, tăng 4%.

HĐQT cũng trình ĐHCĐ kế hoạch trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ tối thiểu là 50% lợi nhuận sau thuế. Tạm ứng đợt 1 năm 2017 vào tháng 8 - 9 năm 2017 và đợt 2 năm 2017 vào tháng 5 – 6 năm 2018.

Về cổ tức còn lại của năm 2016, HĐQT VNM trình Đại hội đồng cổ đông thông qua mức cổ tức 2.000 đồng/cổ phiếu, ngày đăng ký cuối cùng nhận cổ tức đợt 2/2016 là ngày 05/05/2017 và ngày thanh toán là 22/05/2017.

Thay đổi cơ cấu quản trị - Tăng số lượng thành viên HĐQT

Bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch HĐQT cho biết VNM sẽ triển khai mô hình quản trị mới theo thế giới đó là bỏ vai trò của Ban kiểm soát cũ và thành lập tiểu ban kiểm soát nội bộ trực thuộc HĐQT. Theo đó, số lượng thành viên HĐQT từ 6 người như nhiệm kỳ trước đã được Vinamilk đề xuất tăng lên 9 người nhằm thực hiện các nghĩa vụ của HĐQT theo mô hình mới. Danh sách ứng viên mới đã được Vinamilk công bố với hàng loạt gương mặt mới.

Trong đó, cổ đông lớn SCIC đề cử 2 người là bà Đặng Thị Thu Hà và ông Nguyễn Hồng Hiển. Ông Lê Song Lai, đại diện phần vốn góp của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) nhiệm kỳ trước sẽ không còn tiếp tục đảm nhận vị trí này.

Bà Đặng Thị Thu Hà (1973) hiện là Phó trưởng Ban Đầu tư 3 SCIC đồng thời là Thành viên HĐQT tại nhiều doanh nghiệp do SCIC góp vốn như Nhựa Bình Minh, Vinacontrol, Thuốc ung thư Benovas. Ông Nguyễn Hồng Hiển hiện là Phó Tổng Giám đốc SCIC, đang đảm nhận vị trí Thành viên HĐQT của Traphaco, Viễn Thông FPT.

Fraser and Neave Limited (Công ty mẹ của F & N Dairy Investments Pte Ltd) cử ra 2 người đại diện phần vốn góp và tham gia vào HĐQT của Vinamilk gồm Chủ tịch ban thực thi của nhóm Lee Meng Tat và Giám đốc phụ Fraser and Neave Limited Michael Chye Hin Fah. Ông Lee Meng Tat hiện cũng đang đảm nhận vị trí Giám đốc không điều hành tại Vinamilk.

Hai gương mặt mới xuất hiện trong danh sách ứng cử viên lần này gồm ông Đỗ Lê Hùng, Giám đốc kiểm toán và kiểm soát nội bộ Big C Việt Nam. Người thứ hai là ông Nguyễn Bá Dương (1959) - Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng Coteccons (HOSE: CTD).

Nguồn NDH: http://ndh.vn/dhcd-vinamilk-loi-nhuan-quy-i-tang-34-so-voi-cung-ky-ly-giai-vai-tro-cua-ong-ba-duong-coteccons-trong-hdqt-20170415092618603p4c147.news