ĐHĐCĐ HSG: Làm cảng, khu công nghiệp ở Ninh Thuận sau đó mới làm thép

Vì sao phải cổ phần hóa các công ty con? Ông Vũ cho biết, với quy mô hiện nay của công ty con của HSG miền Bắc đã quá lớn. Cổ phần hóa để tạo vốn cho hoạt động đầu tư tiếp theo. Nếu thành công tái cơ cấu HSG miền Bắc, sẽ tiếp tục với HSG Miền Trung và Miền Nam.

Sáng ngày 06/01/2017, CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên niên độ tài chính (NĐTC) 2016-2017.

Ban điều hành đã trình bày một số nội dung cần cổ đông thông qua trong cuộc họp ĐHĐCĐ lần này.

Báo cáo về hoạt động kinh doanh NĐTC 2015-2016 của HSG, ông Trần Ngọc Chu, Phó Chủ tịch HĐQT HSG cho biết: Sản lượng tiêu thụ trong kỳ đạt 1.317.000 tấn; tăng 22% so với năm trước và vượt 13% so với kế hoạch. Trong đó, xuất khẩu 38% và nội địa 62%.

"Tuy tình hình kinh tế dự báo trong năm nay sẽ khó khăn, nhưng lợi nhuận sau thuế quý 1/2017 được ước tính khoảng hơn 400 tỷ đồng".

Ông Trần Ngọc Chu, Phó Chủ tịch HSG cho biết

Doanh thu thuần trong NĐTC này đạt 17.894 tỷ đồng, tăng 29%, lợi nhuận sau thuế tăng 130% lên 1.504 tỷ đồng.

Kế hoạch NĐTC 2016-2017, HSG đặt mục tiêu sản lượng tiêu thụ 1.575.000 tấn; tăng 20% so với NĐTC trước. Trong đó, thị trường xuất khẩu 40% và 60% tiêu thụ nội địa. Doanh thu và lợi nhuận dự kiến đạt 23.000 tỷ đồng và 1.650 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 28,5% và 10,6% so với NĐTC trước.

Để hoàn thành mục tiêu trên, ông Hồ Thanh Hiếu, Phó TGĐ cho biết, công ty sẽ nhanh chóng đưa các nhà máy sản xuất gần vùng tiêu thụ để tăng lợi thế cạnh tranh thông qua hoàn thành các nhà máy đang triển khai.

Về cổ tức chi trả cho cổ đông, Ban Giám đốc cho biết, trong năm 2016, HSG đã 2 lần trả cổ tức cho niên độ trước với tỷ lệ 25% tiền mặt và 50% bằng cổ phiếu.

Cho niên độ 2015-2016, HSG kế hoạch sẽ chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ tối đa 10%/mệnh giá và phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ phát hành tối đa 75%, bao gồm chi trả cổ tức 55% và chia cổ phiếu thưởng 20% từ lợi nhuận sau thuế và thặng dư vốn cổ phần.

Trước tiên HSG sẽ trả cổ tức tiền mặt tối đa 10%, tiếp theo Công ty sẽ phát hành 3,46 triệu cổ phiếu ESOP giá 10.000 đồng, hạn chế chuyển nhượng 3 năm và tự do chuyển nhượng 50% vào năm thứ 04 và thứ 05.

Ước tính, với các đợt tăng vốn này, vốn điều lệ của HSG sẽ tăng từ 1.965 lên 3.473 tỷ đồng trong năm 2016-2017.

Ngoài ra, Ban điều hành HSG cũng trình ĐHĐCĐ đã thông qua chủ trương triển khai phương án phương án tái cơ cấu mô hình hoạt động. HSG sẽ tái cơ cấu mô hình hoạt động theo hướng thành lập các Công ty Cổ phần Hoa Sen Miền và triển khai cơ chế quản trị theo mô hình “Tổng Công ty”.

Khi đó, HSG sẽ công ty mẹ và nắm quyền chi phối đối với các Công ty Cổ phần Hoa Sen Miền, sở hữu tối thiểu 51% vốn điều lệ trở lên, số cổ phần còn lại được chào bán cho cổ đông hiện hữu, nhà đầu tư chiến lược và các nhà đầu tư khác…

Các tài sản của HSG gồm phần vốn góp và tài sản tại các Công ty con/Nhà máy trực thuộc sẽ được phân bổ vào các Công ty Cổ phần Hoa Sen Miền. Miền Bắc sẽ là khu vực đầu tiên được HSG triển khai thí điểm.

HSG cũng hé lộ kế hoạch triển khai thủ tục niêm yết chứng khoán đối với các Công ty Cổ phần Hoa Sen Miền vào thời điểm thích hợp, khi các Công ty Cổ phần Hoa Sen Miền hoạt động ổn định, có hiệu quả và đáp ứng đủ điều kiện niêm yết trong đó yêu cầu công ty phải có ít nhất hai năm liền trước có lãi và ROE năm gần nhất lớn hơn 5%.

Đại hội đến phần thảo luận :

Ông Trần Ngọc Chu trả lời câu hỏi Công ty có cần huy động vốn cho giai đoạn tới không? Ông Chu cho biết một số dự án trong những năm vừa qua chủ yếu từ nguồn vốn tự có. Trong năm tới công ty không cần huy động thêm vốn.

Trả lời câu hỏi về việc thành lập các công ty miền và dự kiến đưa lên sàn,ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch hội đồng quản trị HSG cho biết hiện quy mô công ty ngày càng tăng, công suất của HSG đã vượt qua công ty hàng đầu của Ấn Độ về sản xuất tôn mạ. "Kinh doanh có sự cạnh tranh khốc liệt, cần phải đầu tư nhanh".

Vừa rồi, HSG đã có đơn hàng 100.000 tấn từ Mỹ với giá rất tốt. Thế nhưng, HSG bị kiện về xuất xứ thép của Trung Quốc làm ảnh hưởng đến đơn hàng.

Dù chúng ta xuất khẩu khá tốt, nhưng khi tăng sản lượng, có những kịch bản nhiều quốc gia phòng vệ thương mại và bảo hộ. Do đó, ưu tiên mở rộng chi nhánh trong vòng 2-3 năm tới để có đường quay về khi các quốc gia đồng loạt áp dụng phòng vệ.

Ngoài ra, ông Vũ cho biết, đội ngũ nhân lực sẽ vượt lên 10.000 người trong năm tiếp theo, nếu không tái cơ cấu thì không thể quản lý hết được. Trong vòng 2 năm tới, doanh số của Công ty HSG miền Bắc đã vượt trên 10.000 tỷ đồng…Do đó, cần phải tái cơ cấu bây giờ để không rơi vào tình trạng quá tải.

Vì sao phải cổ phần hóa? Ông Vũ cho biết, "Với quy mô hiện nay của công ty con của HSG miền bắc đã quá lớn. Cổ phần hóa để tạo vốn cho hoạt động đầu tư tiếp theo. Nếu thành công tái cơ cấu HSG miền Bắc, sẽ tiếp tục với HSG Miền Trung và Miền Nam."

Một cổ đông hỏi về những năm tiếp theo, HSG sẽ làm gì để tăng trưởng, Ông Vũ cho biết, chúng tôi chỉ đầu tư vào những địa phương thực sự kêu gọi đầu tư. HSG đầu tư vào Ninh Thuận là vì điều đó.

"Dự án Hoa Sen Cà Ná, vì sao chúng ta đầu tư lớn. HSG đang mua thép cán nóng 2 triệu tấn. Chi phí sản xuất thép cán nóng chỉ 30 USD/tấn. Nhưng giá chênh lệch giữa phôi và thép cán nóng từ 80-100 USD/tấn. Riêng lợi nhuận từ khoản đó đã giúp công ty tiết kiệm được vài triệu USD". Ông Vũ cũng cho biết, hiện nay, HSG đang khẩn trương làm việc với tính Ninh Thuận. Trước tiên, làm cảng, khu công nghiệp và sau đó mới làm dự án Thép. Hồ sơ về dự án của HSG đã báo cáo ra Trung ương.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/dhdcd-hsg-lam-cang-khu-cong-nghiep-o-ninh-thuan-sau-do-moi-lam-thep-20170106093848275p4c147.news