ĐHĐCĐ VCS: Có kế hoạch xây nhà máy tại Mỹ nếu phải chịu mức thuế suất cao

Đại hội đồng cổ đông thường niên VCS năm 2017 diễn ra sáng ngày 13/04 với sư góp mặt của 56 cổ đông đại diện cho gần 91% cổ phần có quyền biểu quyết.

ĐHĐCĐ thường niên 2017 của CTCP Đá Thạch Anh cao cấp (Mã: VCS - HNX) đã thông qua kế hoạch kinh doanh gồm tổng doanh thu (công ty mẹ) hơn 4.310 tỷ và lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 32% và 22% so với năm trước.

Được biết, năm 2016, công ty mẹ VCS đạt 3.262 tỷ đồng tổng doanh thu và 819 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng lần lượt 23% và 73% so với năm 2015.

Công ty đã tạm ứng cổ tức đợt 1 tỷ lệ 20% bằng tiền vào tháng 5/2016, đến tháng 10/2016 thì trả tiếp bằng cổ phiếu 13.2% và tạm ứng tiền mặt đợt 2 tỷ lệ 20%.

Kế hoạch kinh doanh của VCS trong 5 năm tới sẽ duy trì ở mức tăng trưởng kép 20%/năm và dự kiến tầm nhìn dài hạn đến năm 2025 sẽ giữ vững mức tốc độ tăng trưởng này.

Ngoài ra, việc chi trả cổ tức 2016 và 2017 của VCS sẽ ủy quyền cho HĐQT thực hiện. Bên cạnh đó, VCS thông qua phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 20-50%, thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2017.

Thị trường châu Á để ngỏ 3 - 4 năm tới, doanh thu nội địa ước đạt 10 triệu USD trong 2017

VCS đánh giá thị trường Trung Quốc và châu Á trước mắt còn nhiều yếu tố cản trở. Cho nên, thị trường Trung Quốc trước mắt VCS sẽ chưa làm, song Công ty khẳng định không bỏ qua tiềm năng phát triển ở tất cả các thị trường vàsẽ tính toán để bước chân vào.

HĐQT cũng cho biết thêm, về dữ liệu thị trường Công ty đã chủ động thu thập đầy đủ và đang chờ đợi thời cơ để hành động cho phù hợp. Dự kiến thời gian sẽ trong vòng 3 – 4 năm tới.

Thị trường Việt Nam, Công ty bắt đầu kế hoạch triển khai từ năm 2017, mục tiêu 10 triệu USD được đánh giá hoàn toàn khả thi, các hoạt động marketing, tiếp cận khách hàng, giáo dục về sản phẩm sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới.

Ông Hồ Xuân Năng – Chủ tịch HĐQT cho biết, vấn đề khó khăn nhất đối với VCS ở thị trường Việt Nam là định vị thương hiệu trong tâm trí khách hàng. Nhiều trường hợp khách hàng sử dụng sản phẩm của VCS nhưng lại không biết mình đang sử dụng.

Thị trường Việt Nam cũng được đánh giá là khó khăn về chấp nhận giá, sau đó Công ty còn phải tính đến cạnh tranh đến từ Trung Quốc và các thương hiệu khác. Sản phẩm không rõ nguồn gốc trên thị trường rất nhiều. Thị trường EU trong tương lai cũng sẽ được VCS tăng thị phần lên mức cao hơn.

Vấn đề về nguyên vật liệu, hiện tại VCS đang tiến hành nhập thạch anh chủ yếu từ Ấn Độ, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kì và các nước khác, phụ thuộc lớn vào chuỗi cung ứng sản phẩm. Giá nguyên vật liệu cũng bị ảnh hưởng lớn bởi chi phí vận chuyển, tăng giảm theo chu kỳ giá dầu và ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của VCS.

Hiện tại nhà máy Phenikaa Huế đang triển khai sản xuất thạch anh Bê-ta, một trong những nguyên liệu đầu vào cho chế tạo đá thạch anh nhân tạo. Doanh thu công suất nhà máy dự kiến sẽ đạt từ 300 – 400 tỷ đồng, lợi nhuận ước sẽ đạt 60 tỷ. Nhà máy có khả năng cung cấp đủ thạch anh Bê-ta cho toàn bộ dây chuyền sản xuất của Công ty thậm chí là đủ khả năng cung cấp nguyên liệu bán thô.

Trong thời gian tới VCS cung đang tính toán xây dựng hệ thống vận tải để có thể chủ động vận chuyển nguyên vật liệu cho nhà máy sản xuất chính.

Xây dựng nhà máy tại Mỹ nếu phải chịu mức thuế suất cao

Lĩnh vực SXKD chính của VCS STONE luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro, hoặc các sự kiện không chắc chắn nắm ngoài kế hoạch dự kiến trước, bao gồm các rủi ro bên ngoài và nội tại Công ty. Công ty sớm lường trước được các yếu tố ảnh hưởng và luôn chú trọng đẩy mạnh công tác quản trị rủi ro.

Hầu hết doanh thu của VCS có được là nhờ việc xuất khẩu đá nhân tạo sang các thị trường quốc tế, trong đó tập trung lớn nhất tại các thị trường Bắc Mỹ, Úc và Châu Âu, Công ty luôn gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt dến từ các đối thủ có tầm vóc tương đương. Nếu không giữ vững được đà tăng trưởng nhiều khả năng Công ty sẽ đối mặt ngay với các vấn đề suy giảm doanh thu,

Năm 2016, thị trường Bắc Mỹ đóng góp 62% doanh thu, thị trường châu Úc đóng góp 25%, thị trường Châu Âu đóng góp gần 11%, tổng cộng chiếm gần 98% doanh thu đem lại cho VCS Stone.

Tuy nhiên trong bối cảnh thị trường đang có nhiều biến động lớn và chính trị cũng như việc ảnh hưởng từ sự thay đổi Tổng thống Mỹ có thể gây xáo trộn lớn trong hành lang pháp lý và từ đó ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của VCS. Cụ thể, đề cập trong Đại hội là vấn đề thuế suất đối với mặt hàng xuất khẩu của VCS nhiều khả năng sẽ không còn giữ ở mức 0% nữa do các chính sách bảo hộ đến từ phía Chính quyền Mỹ mới.

Giải đáp thắc mắc của các cổ đông về phương án hành động của VCS, Chủ tịch HĐQT thẳng thắn chia sẻ, Công ty cũng đã có những kế hoạch đối phó cho riêng mình.

“Chúng ta làm lĩnh vực ảnh hưởng đến tài nguyên, mà Mỹ là quốc gia chủ trương hạn chế các hoạt động sản xuất khai thác tài nguyên. Mặt khác, đầu tư 1 nhà máy sản xuất tại Mỹ rất tốn kém, chi phí giá thành cao. Song, trong trường hợp áp thuế bảo hộ quá cao, Công ty sẽ xem xét cân đối phương án kế hoạch đầu tư xây nhà máy tại Mỹ. Nếu áp dụng thuế tầm khoảng 50 – 60% thì Công ty phải có giải pháp cắt giảm chi phí. Hiện tại Công ty đang làm rất tốt, trong năm 2016 biên lợi nhuận có phần cải thiện đáng kể”, ông Năng cho hay.

Để mở khả năng niêm yết ở thị trường nước ngoài

Đại hội ghi nhận ý kiến của cổ đông về việc liệu VCS có ý định đăng ký niêm yết trên thị trường nước ngoài khi mà thị trường sản phẩm của VCS chủ yếu là Bắc Mỹ, châu Âu, Úc…

Ông Năng cho biết, Công ty cũng đã nghĩ đến khả năng này và đặt mục tiêu cho mình. Tuy nhiên muốn niêm yết được trên thị trường nước ngoài phải chuẩn bị đầy đủ mọi "vũ khí", từ hoạt động sản xuất đến hoạt động quản trị, marketing. Niêm yết ở nước ngoài sẽ thúc đẩy lớn đối với sự phát triển VCS, tuy nhiên rủi ro đối cũng cao hơn. Ông Năng cũng lưu ý đến trường hợp nộp hồ sơ niêm yết thất bại của Vinamilk tại Singapore và sẽ xem đây là bài học để tránh lặp phải vết xe đổ này.

VCS cũng đã tiến hành bổ sung ngành nghề hoạt động kinh doanh là vận tải hàng hóa bằng đường bộ và dịch vụ mua bán nợ. Công ty dự kiến nhận chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty TNHH MTV Đầu tư và Chế biến khoáng sản Phenikaa Huế (vốn điều lệ 50 tỷ đồng) với giá 50 tỷ đồng dự kiến trong 2017 hoặc 2018.

Trước đó, vào ngày 21/01/2017, sau khi nhận được Quyết định chấp thuận của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về việc chuyển nhượng dự án và được Công ty thông qua việc giao dịch chuyển nhượng toàn bộ “Dự án nhà ở cho cán bộ công nhân viên Vicostone”, VCS và CTCP Phượng Hoàng Xanh đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng dự án với giá trị chuyển nhượng tạm tính là 301 tỷ đồng.

Ngày 09/07/2016, VCS và CTCP Phượng Hoàng Xanh đã ký kết hợp đồng về việc chuyển nhượng nhãn hiệu VICOSTONE thuộc sở hữu của VCS sang cho CTCP Phượng Hoàng Xanh. Đến nay, việc chuyển nhượng nhãn hiệu đã hoàn tất.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/dhdcd-vcs-co-ke-hoach-xay-nha-may-tai-my-neu-phai-chiu-muc-thue-suat-cao-20170413021110837p4c147.news