Đi cho… “biết người biết ta”!

(HNM) - Ngày 14-8, đoàn TTVN lên đường sang Nam Kinh (Trung Quốc) tham dự Đại hội Thể thao trẻ Châu Á 2013. Phóng viên Báo Hànôịmới đã có cuộc trao đổi với Phó Vụ trưởng Vụ Thể thao Thành tích cao, Tổng cục TDTT Hoàng Mạnh Cường - Phó Trưởng đoàn TTVN phụ trách chuyên môn, về chuyến du đấu của TTVN tại đấu trường lớn nhất châu lục dành cho các VĐV trẻ này.

- Ông có thể cho biết về sự chuẩn bị của đoàn TTVN cho chuyến du đấu tại Nam Kinh?

- Từ cuối năm 2012, Tổng cục TDTT đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành là chuẩn bị lực lượng tham dự các đại hội thể thao lớn của khu vực, châu lục và thế giới, trong đó có Đại hội Thể thao Châu Á trẻ diễn ra từ ngày 16 đến 24-8. Các bộ môn đã sớm lên danh sách VĐV ngay từ đầu năm để có thời gian đào tạo, tập huấn, chuẩn bị lực lượng, đồng thời liên tục rà soát để kịp thời có lực lượng thay thế, bổ sung cho phù hợp thực tế. Thậm chí, Bộ môn Bắn súng còn tổ chức thi tuyển kiểm tra để tuyển chọn gương mặt trẻ xuất sắc nhất.

Kình ngư xuất sắc của Việt Nam Nguyễn Thị Ánh Viên (phải).

- Ông đánh giá thế nào về trình độ của đoàn TTVN so với các đoàn khác?

- Đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) gồm 150 thành viên, trong đó có 101 VĐV, tranh tài ở 14/17 môn, bao gồm cầu lông, bóng bàn, quần vợt, bóng đá, bơi, nhảy cầu, điền kinh, cử tạ, taekwondo, đấu kiếm, bắn súng, judo, golf và bóng ném.

Trong kỳ đầu tiên của đại hội này được tổ chức (tại Singapore năm 2009), thành tích của đoàn TTVN chỉ là 2 HCB, xếp thứ 14/38 đoàn. Kỳ này, với sự chuẩn bị chu đáo, chủ động, tôi tin thành tích của đoàn sẽ khả quan hơn.

- Dự kiến đại hội kỳ này sẽ có sự góp mặt của 3.900 VĐV và quan chức thuộc 45 quốc gia và vùng lãnh thổ. Có lẽ lãnh đạo ngành đã lường trước sự khốc liệt trong cuộc đua giành huy chương, đặc biệt là HCV?

- Chắc chắn cuộc cạnh tranh huy chương sẽ rất khó khăn, bởi các cường quốc thể thao như Hàn Quốc, Nhật Bản đều cử lực lượng rất mạnh tham dự. Đặc biệt, Trung Quốc chủ nhà sẽ cử rất đông VĐV.

Nhưng cũng cần nói rõ, do đây là giải đấu dành cho VĐV trẻ nên lãnh đạo ngành không đặt nặng vấn đề giành huy chương. Mục tiêu chính yếu là tạo cơ hội để các VĐV trẻ được tôi rèn ở đấu trường thể thao lớn.

- Dẫu vậy thì chúng ta vẫn có thể đặt kỳ vọng huy chương ở một số môn chứ, thưa ông?

- Điều lệ của đại hội quy định tuổi tham dự của từng môn rất khác nhau. Có môn giới hạn tuổi là 18 (cầu lông), có môn lại quy định là 17 (bơi lội), 16 (điền kinh), hoặc thậm chí là 14 (bóng đá)… Tôi lưu ý điều này để thấy, có nhiều gương mặt VĐV xuất sắc được coi là “trẻ” ở các giải trong nước (thuộc diện U18, U20) không thể góp mặt ở giải này.

Điều đáng mừng là kình ngư xuất sắc của Việt Nam Nguyễn Thị Ánh Viên vẫn nằm trong tuổi thi đấu môn bơi lội. Một số gương mặt của điền kinh, cử tạ, bắn súng… cũng có khả năng cạnh tranh huy chương.

Chúng ta ít có cơ hội để đánh giá, so sánh với lực lượng trẻ của các nước trong châu lục. Đại hội thể thao trẻ Châu Á là dịp để tuổi trẻ Việt Nam giao lưu với các nước, còn với riêng giới chuyên môn, đây là cơ hội cực kỳ quý giá để “biết người biết ta”, qua đó có thể rà soát, sàng lọc và đề ra chiến lược đào tạo phù hợp, nhắm đích ASIAD 18-2019. Xét theo khía cạnh ấy, Đại hội thể thao trẻ Châu Á ở Nam Kinh có ý nghĩa đặc biệt trong mục tiêu xây dựng lực lượng tinh nhuệ ở ASIAD 2019 - khi Việt Nam là chủ nhà.

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/The-thao/614775/di-cho%E2%80%A6-biet-nguoi-biet-ta