Đi giữa rừng lịch sử…

Những ngày cuối tháng 4, chúng tôi về thăm Khu di tích lịch sử rừng Kiến An ở ấp Bàu Khai, xã An Lập, huyện Dầu Tiếng (Bình Dương). Đi đến để rồi tự hào thêm một vùng đất anh hùng nay đã đổi thay ngoạn mục từ hố bom, bãi mìn…

Cách trung tâm thị trấn Dầu Tiếng khoảng 25 km, rừng lịch sử Kiến An trải rộng trên diện tích 245 ha. Đây là nơi được chọn làm căn cứ cách mạng từ thời chống Pháp.

Với địa hình thuận lợi là một khu rừng già, nằm giữa 2 con sông Sài Gòn và Thị Tính, rừng Kiến An trở thành vị trí đắc địa, có tầm quan trọng, có ý nghĩa chiến lược về mặt quân sự tại cửa ngõ phía Tây Bắc Sài Gòn.

Cùng với các vùng căn cứ kháng chiến ở Bến Cát, nơi đây đã trở thành căn cứ của cách mạng trong đấu tranh giải phóng dân tộc, là cái nôi của vùng căn cứ Bắc Bến Cát. Căn cứ cách mạng rừng Kiến An đã được UBND tỉnh công nhận là Di tích Cách mạng cấp tỉnh vào ngày 2-6-2004.

Di tích lịch sử rừng Kiến An là nơi giáo dục truyền thống cách mạng ý nghĩa cho thế hệ trẻ

Đây là một di tích rất giá trị, giàu ý nghĩa trong việc giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ. Các hạng mục quan trọng đã được xây dựng nhằm tái hiện cảnh cán bộ, chiến sĩ đã làm việc, chiến đấu ở đây.

Đến với rừng Kiến An, đi giữa rừng cây xanh bạt ngàn, các bạn sẽ chứng kiến những căn hầm bí mật làm nơi hội họp, thấy được bếp Hoàng Cầm theo kiểu “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” ở nơi này. Rồi dưới tán cây kơ-nia, cây bời lời, lim xẹt… các bạn sẽ lặng người, nhớ về một thời hào hùng trong cuộc chiến tranh giữ nước khi nghe thuyết minh viên chuyện trò…

Về Kiến An hôm nay, dấu tích hố bom, mảnh đạn ngày nào đã nhòa nét. Kiến An giờ đã xanh hơn, giàu sức sống mới. Truyền thống Kiến An, rừng xanh Kiến An hòa cùng nhịp sống mới của người dân quanh vùng, sang trang phát triển, vươn tới mạnh giàu.

baobinhduong.vn

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/di-giua-rung-lich-su-post383976.html