Di sản châu Á của Obama sẽ bị Donald Trump xóa bỏ như thế nào?

Chính sách "trục châu Á" và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được xem là hai di sản lớn nhất trong suốt 8 năm nhiệm kỳ của Tổng thống Obama. Song chúng lại đang đứng trước nguy cơ bị xóa sạch sau khi ông Trump chính thức nhậm chức.

Trong suốt 8 năm nhiệm kỳ, Tổng thống Barack Obama đã ưu tiên chính sách "trục châu Á" hay còn gọi là chính sách "tái cân bằng" với mục đích chính kiềm chế sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc.

Thành công và thất bại của chính sách "trục châu Á"

Chia sẻ trên tạp chí Foreign Policy vào năm 2011, Ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ là bà Hillary Clinton cũng đã nhấn mạnh với chính sách "trục châu Á", thế kỷ 21 sẽ là "thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ".

Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố rút tên Mỹ khỏi TPP ngay ngày đầu tiên bước chân vào Nhà Trắng.

Trong đó, trọng tâm của chính sách "trục châu Á" là việc Mỹ sẽ triển khai 60% sức mạnh không quân và hải quân tới châu Á tới năm 2020. Ngoài ra, chính quyền của Tổng thống Obama còn cho ra đời Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với sự tham gia của Mỹ và 11 quốc gia thành viên nằm trên vành đai Thái Bình Dương nhưng trừ Trung Quốc. TPP từng được kỳ vọng chiếm 40% nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã tuyên bố rút tên Mỹ ra khỏi TPP ngay ngày đầu tiên bước chân vào Nhà Trắng sau lễ nhậm chức ngày 20/1.

Ông John Ciorciari, trợ lý giáo sư tại Đại học Michigan nhận định ngay cả trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi tháng 11/2016, di sản ở châu Á của ông Obama đã phải đối mặt với nhiều mối đe dọa sụp đổ. Điển hình, mối quan hệ đồng minh lâu năm giữa Mỹ và Philippines xuất hiện nhiều dấu hiệu rạn nứt sau khi Tổng thống Rodrigo Duterte lên nắm quyền. Theo đó, ông Duterte đã ra tuyên bố thay đổi chính sách đối ngoại chia tay Mỹ để kết thân với hai đối thủ của Washington là Trung Quốc và Nga. Ngay cả, phản ứng của Mỹ và các thành viên trong khối ASEAN trước hành động Trung Quốc bành trướng chủ quyền trên Biển Đông, cũng có nhiều điểm khác biệt. Tất cả những yếu tố trên cho thấy cấu trúc liên minh trong khu vực của Tổng thống Obama đang rơi vào tình trạng rạn nứt.

"Chiến thắng của ông Trump, nguy cơ TPP bị phá vỡ là điềm báo cho sự xói mòn của chính sách tái cân bằng. Ngay khi Tổng thống Obama rời nhiệm sở, hiệp định TPP sẽ bị xóa bỏ trong khi các chính sách liên minh cũng sẽ đối mặt với nhiều thách thức", ông Ciorciari nhấn mạnh.

Còn theo cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở Washington, ông Victor Cha, chính sách "trục châu Á" có 4 điểm trọng tâm gồm: kiềm chế Trung Quốc; tăng cường liên minh với Nhật Bản; giải quyết các vấn đề liên quan tới Triều Tiên; và thẩm định các thỏa thuận tự do thương mại.

Cựu quan chức ngoại giao Stapleton Roy, người từng giữ cương vị đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, Singapore và Indonesia cho rằng kể từ khi nhậm chức vào tháng 1/2009, Tổng thống Obama chủ yếu tập trung vào mở rộng tầm ảnh hưởng và các cam kết của Mỹ ở khu vực châu Á.

Theo đó, dưới thời Tổng thống Obama, Mỹ tăng cường vị thế của mình tại châu Á thông qua các khoản đầu tư và thúc đẩy quan hệ với các đồng minh chủ chốt như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Philippines và Australia. Đáng nói, Mỹ chịu trách nhiệm lớn trong việc duy trì nền quốc phòng và điều động binh sĩ tới các nước đồng minh. Trong thời gian này, Tổng thống Obama còn chứng minh việc Mỹ và Trung Quốc có thể hợp tác với nhau khi hai nước thông qua hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu tại thành phố Hàng Châu thuộc tỉnh Chiết Giang vào tháng 9/2016 ngay trước thềm hội nghị G20.

Ông Jessica Chen Weiss, chuyên gia chính sách đối ngoại tại Đại học Cornell thì nhận định chính quyền của Tổng thống Obama đã làm tốt nhiệm vụ duy trì hòa bình ở châu Á đồng thời ngăn chặn nguy cơ xảy ra xung đột ở các điểm nóng như Biển Đông và biển Hoa Đông.

Tuy nhiên, so với chính quyền của cựu Tổng thống George W. Bush, người đã tạo lập được mối quan hệ tin tưởng đôi bên giữa Mỹ với 3 cường quốc châu Á gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, Tổng thống Obama lại phải chứng kiến những thăng trầm trong quan hệ Mỹ - Trung.

Trong nhiệm kỳ đầu, Tổng thống Obama đã xây dựng được mối quan hệ hợp tác hữu nghị và ổn định với chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Nhưng sang nhiệm kỳ thứ hai, chính sách "trục châu Á" được xem là rào cản với "Giấc mơ Trung Hoa" của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình.

Lâu nay, chính quyền Bắc Kinh coi sự ra đời của chính sách "trục châu Á" và TPP là nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, cường quốc kinh tế số 2 trên thế giới. Về phần mình, Washington xem sự phát triển mạnh mẽ trên lĩnh vực chính trị, kinh tế và quân sự của Trung Quốc gây ảnh hưởng không nhỏ tới chính sách đối ngoại và quân sự của Mỹ ở châu Á. Nói cách khác, Mỹ lo ngại Trung Quốc muốn thay đổi trật tự ở châu Á sau thời Chiến tranh Lạnh.

Tóm lại, theo chuyên gia Weiss, chính quyền của Tổng thống Obama đã thành công trong việc dàn xếp căng thẳng với Trung Quốc khi đẩy mạnh hợp tác đôi bên trên nhiều lĩnh vực như biến đổi khí hậu và tăng cường đối thoại liên quân. Tuy nhiên, ông Obama đã thất bại khi không thể thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, hành động triển khai lá chắn tên lửa THAAD của Mỹ tới Hàn Quốc còn khiến mối quan hệ giữa Washington và các nước Đông Bắc Á trở nên ngày càng phức tạp.

Việc triển khai THAAD tới Hàn Quốc đã khiến mối quan hệ giữa Mỹ và các nước Đông Bắc Á trở nên ngày càng phức tạp.

Thay đổi lớn từ ông Trump

Trong khi đó, tuyên bố rút tên Mỹ ra khỏi TPP của Tổng thống đắc cử Donald chắc chắn sẽ tạo ra những thay đổi lớn trong mối quan hệ liên minh giữa Washington với Tokyo, Singapore và Đài Bắc. Bởi những quốc gia này từng hy vọng TPP có thể kiềm chế tầm ảnh hưởng kinh tế ngày càng mở rộng của Trung Quốc. Thậm chí, sự vắng mặt của Mỹ trong TPP cũng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới mức độ tín nhiệm trong các lời cam kết của Washington ở khu vực.

Nói cách khác, theo chuyên gia Benjamin Herscovitch tại Công ty tư vấn và phân tích chính trị China Policy ở Bắc Kinh, sau lễ nhậm chức ngày 20/1 tới, chính quyền của ông Trump sẽ xóa sổ nhiều điều khoản nằm trong chính sách "trục châu Á" của Tổng thống Obama.

"Các cuộc thảo luận về việc Mỹ thay đổi nền hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở châu Á vẫn đang diễn ra. Các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực sẽ phải tự gánh phần lớn trách nhiệm duy trì nền quốc phòng quốc gia. Ngoài ra, chính sách thương mại tương lai của Mỹ sẽ nhắm tới các thỏa thuận kinh tế mang lại lợi ích đôi bên thay vì mở cửa tự do thương mại cho toàn bộ các nước trong khu vực", ông Herscovitch chia sẻ.

Minh Thu (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/donald-trump-se-xoa-sach-di-san-o-chau-a-cua-tong-thong-obama-post218733.info