Di sản tư liệu thế giới mới nhất của Việt Nam có hình tượng núi Hà Tĩnh

Hình tượng Hồng Sơn, Hoành Sơn (Hà Tĩnh) cùng 160 bản đúc bằng đồng khắc trên Cửu đỉnh Huế vừa được công nhận là Di sản tư liệu thế giới.

Đầu tháng 5 vừa qua, tại Thủ đô Ulaanbaatar, Mông Cổ, Hội nghị Toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO đã thông qua hồ sơ “Những bản đúc trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” (Cửu đỉnh - Hoàng cung Huế), ghi danh là Di sản tư liệu thế giới.

 Cửu đỉnh được đặt trước sân Thế Tổ Miếu, bên trong Hoàng cung Huế.

Cửu đỉnh được đặt trước sân Thế Tổ Miếu, bên trong Hoàng cung Huế.

Cửu đỉnh - Hoàng cung Huế là 9 chiếc đỉnh đồng được đặt tên theo thứ tự là Cao, Nhân, Chương, Anh, Nghị, Thuần, Tuyên, Dụ, Huyền. Tên đỉnh được lấy từ miếu hiệu (tên để thờ cúng) của một vị vua nhà Nguyễn. Cửu đỉnh là biểu tượng cho sự giàu đẹp, thống nhất của đất nước và ước mơ triều đại vững bền.

Cửu đỉnh được đặt trước sân Thế Tổ Miếu (bên trong Hoàng cung Huế). Cửu đỉnh được vua Minh Mạng ra lệnh chế tác, khởi công đúc từ tháng 12 năm 1835. Trên thân 9 đỉnh đồng này có tổng cộng 162 hình đúc tinh xảo, mô tả sinh động về các hiện tượng thiên nhiên, núi sông, bờ cõi, địa danh, sản vật, binh khí, phương tiện, cuộc sống... điển hình và đặc trưng của Việt Nam.

 Hình tượng Hồng Sơn trên Cửu đỉnh.

Hình tượng Hồng Sơn trên Cửu đỉnh.

Trong đó, Hồng Sơn (núi Hồng Lĩnh) và Hoành Sơn là 2 trong 9 ngọn núi thiêng được khắc trên Cửu đỉnh. Hình tượng Hồng Sơn được khắc trên Anh đỉnh, Hoành Sơn (Đèo Ngang) khắc trên Huyền đỉnh. Các ngọn núi còn lại gồm: Thiên Tôn Sơn khắc ở Cao đỉnh, Ngự Bình khắc trên Nhân đỉnh, Thương Sơn khắc trên Chương đỉnh, Tản Viên Sơn khắc trên Thuần đỉnh, Hải Vân Quan được khắc trên Dụ đỉnh và Duệ Sơn, Đại Lĩnh cùng được khắc trên Tuyên đỉnh.

Tương truyền trước kia, Hồng Lĩnh có rất nhiều chim hồng cư trú. Núi nằm ở vị trí giữa hai huyện Can Lộc và Nghi Xuân, hình thế hùng vĩ, uy nghiêm. Dãy núi Hồng Lĩnh có 99 ngọn. Trên núi có thành đá, trong thành có 99 đài đá, gọi là đài Trang Vương, dưới thành có am đá gọi là am Thánh Mẫu, được dựng từ thời Trần.

 Hình tượng Hoành Sơn.

Hình tượng Hoành Sơn.

Hoành Sơn gắn với lịch sử nhà Nguyễn. Khi chúa Nguyễn Hoàng còn ở Đông Kinh (Thăng Long), muốn thoát khỏi chúa Trịnh nên sai người đến gặp Nguyễn Bỉnh Khiêm hỏi kế lâu dài. Nguyễn Bỉnh Khiêm liền nói: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (có thể dung thân muôn đời ở núi Hoành Sơn). Sau đó, Nguyễn Hoàng tìm cách xin vào được trấn thủ Thuận Hóa (Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế) xây dựng nền móng vững chắc, mở mang đất nước về phía Nam, tạo tiền đề mở ra vương triều Nguyễn.

Thái Sơn - Dương Chiến

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/di-san-tu-lieu-the-gioi-moi-nhat-cua-viet-nam-co-hinh-tuong-nui-ha-tinh-post266890.html