'Đi thi trượt tuyết thì có gì lạ đâu'

Những vấn đề xung quanh lần góp mặt đầu tiên của đoàn Việt Nam ở Đại hội thể thao mùa đông châu Á 2017 vừa được ông Hoàng Vĩnh Giang - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Olympic Việt Nam thẳng thắn chia sẻ với phóng viên Báo ANTĐ.

Các vận động viên Việt Nam tham gia Đại hội thể thao mùa đông châu Á 2017 tại Sapporo, Nhật Bản

- PV: Đoàn thể thao mùa đông của Việt Nam vừa được thành lập và dự Á vận hội mùa đông 2017 tại Nhật Bản với thành tích khiêm tốn, ông có đánh giá gì về kết quả này?

- Ông Hoàng Vĩnh Giang: Nhìn chung, tôi khá hài lòng. Bất cứ sự hội nhập nào cũng phải có quá trình và có những lần đầu tiên. Thể thao Việt Nam đang hướng tới việc hội nhập những môn diễn ra trong mùa đông và những gì vừa diễn ra chính là tiền đề quan trọng, là dấu mốc để chúng ta thực hiện việc đó.

- Có nhiều ý kiến cho rằng, với một đất nước nhiệt đới và rất xa lạ với băng tuyết như Việt Nam, việc đào tạo nên những VĐV trượt băng, trượt tuyết là phi lý?

- Điều này là hoàn toàn bình thường và không có gì phi lý cả. Thậm chí, chúng ta còn bắt nhịp hơi chậm so với các quốc gia khác. Hiện ở Đông Nam Á đã có 7 quốc gia khác có đội tuyển thể thao mùa đông. Những nước như Thái Lan hay Malaysia đều có khí hậu nhiệt đới và họ vẫn làm tốt việc đào tạo VĐV trượt băng, trượt tuyết cũng như nhiều môn thể thao xứ lạnh khác.

- Nhưng sự đầu tư của chúng ta dường như chưa xứng đáng?

- Đúng vậy. Để có thể kêu gọi đầu tư, chúng ta cần chứng minh mình có khả năng. Những VĐV nào có tiềm năng nhìn thấy được sẽ được khoanh vùng để đầu tư trọng điểm. Mà đây mới đang là giai đoạn chúng ta học hỏi, bắt nhịp để hội nhập, nên sự đầu tư còn chưa được thỏa đáng.

- Điển hình cho việc đầu tư hời hợt có phải việc cho các VĐV tập trên cát rồi đi thi trượt tuyết không, thưa ông?

- Không phải như thế, mà ngược lại, tôi cho rằng, đó là sự sáng tạo. Không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia khác như Oman, Sri Lanka cũng từng cho VĐV của mình tập ở những cồn cát rồi đi thi. Tất nhiên, điều kiện về độ ẩm, nhiệt độ và ma sát là khác nhau, nhưng trong lúc còn nhiều khó khăn thiếu thốn, thì đó là một giải pháp đáng biểu dương.

- Theo ông, đâu sẽ là cơ hội để thể thao Việt Nam có thể hội nhập nhanh và dễ tiệm cận thành tích cao với thể thao mùa đông hơn?

- Bên cạnh việc tìm kiếm, đào tạo nhân tài, thì Ủy ban Olympic Việt Nam cũng luôn chào đón các VĐV trên khắp thế giới về khoác áo đội tuyển của Việt Nam. Đây là nguồn tài nguyên dồi dào mà chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng. Đơn cử như ở Mỹ, các VĐV môn trượt máng đang xin nhập tịch vào nhiều quốc gia khác để được thi đấu vì môn này ở Mỹ đang khủng hoảng thừa.

- Ông đánh giá thế nào về cơ hội thành công của thể thao mùa đông tại Việt Nam?

- Nhắc lại một chút về thành tích của đoàn Việt Nam vừa qua, việc xếp hạng 18/24 ở môn trượt tuyết ván đơn của VĐV Trịnh Đình Thời và xếp 22/23 môn trượt tuyết băng đồng của Nguyễn Đức Mạnh là rất khả quan. Chúng ta cũng đã nhận được nhiều bài học quý giá sau lần đầu tham dự này. Người Việt Nam vốn khéo léo, chăm chỉ và thích nghi nhanh. Tôi nghĩ, nếu được đầu tư hợp lý, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng vươn tới thành tích ở Olympic mùa đông.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-thao/di-thi-truot-tuyet-thi-co-gi-la-dau/719983.antd