Đi tìm 'một nửa' trong lễ hội Hảng Pồ

Di cư vào xã Ea Siên (thị xã Buôn Hồ, Đắc Lắc) lập nghiệp từ năm 1988, người đồng bào Tày, Nùng không quên mang theo những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình từ các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng. Với mong muốn giúp người đồng bào thiểu số gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, cứ vào ngày 28 tháng giêng (âm lịch) hàng năm, UBND xã Ea Siên lại phối hợp với các ban ngành cấp trên tổ chức lễ hội Hảng Pồ (còn gọi là hội chợ trên đồi). Theo ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Ea Siên, lễ hội Hảng Pồ là dịp để bà con các dân tộc thiểu số trong vùng giao lưu, thăm hỏi nhau sau một năm làm ăn vất vả. Với mong muốn lễ hội thành công tốt đẹp, chính quyền địa phương sẽ lựa chọn một vị trí thuận lợi nhất để tổ chức. Lễ hội Hảng Pồ được bắt đầu bằng phần lễ với những nghi thức thiêng liêng, trang trọng. Các thầy cúng trong buôn làng có uy tín sẽ được cử ra để làm cúng trời đất cầu cho mưa thuận, gió hòa để mùa màng bội thu. Đồng thời, thầy cúng thay mặt người dân xin thần linh phù hộ cho nhà nhà được no ấm, xóm làng bình yên, hạnh phúc. Ngay khi kết thúc phần lễ, đại hội thể dục thể thao sẽ diễn ra với không khí vui nhộn...

Một số hình ảnh tại lễ hội Hảng Pồ. Ảnh: N.T

Có mặt trong ngày đầu tiên diễn ra lễ hội, chúng tôi gặp không ít các cặp trung niên đến đây trò chuyện, trao đổi kinh nghiệm trong lao động sản xuất. Nhiều thanh niên nam nữ cũng tìm đến lễ hội Hảng Pồ mong tìm kiếm "một nửa" của mình. Em Chu Thị Mai (17 tuổi, trú xã Ea Siên) cho biết: "Hàng năm, em và các bạn đến đây tham dự lễ hội Hảng Pồ. Không chỉ chọn được nhiều món đồ yêu thích, em và nhiều bạn nữ còn có dịp gặp, tìm hiểu các bạn nam từ các nơi khác đến thông qua những điệu hát giao duyên". Bằng những điệu hát giao duyên, đối đáp, nhiều đôi đã nên duyên vợ chồng và chung sống hạnh phúc. Như em Hờ Thị Danh (thôn 1B, xã Ea Siên) mới 18 tuổi nhưng đã là vợ của một nam thanh niên cùng địa phương sau lễ hội Hảng Pồ năm 2015. Đầu năm nay, con gái của bà Chu Thị May (cùng thôn) cũng gặp gỡ và chọn yêu một chàng trai làng bên, đã tổ chức lễ ăn hỏi, chờ học xong sẽ cưới. Không chỉ nam thanh nữ tú, lễ hội Hảng Pồ còn là nơi các cặp tình xưa nghĩa cũ gặp lại nhau ôn lại những kỷ niệm đẹp ngày yêu nhau, cũng là dịp để "thanh minh" về chuyện không thể nên duyên chồng vợ ngày ấy. Chị Thuy Thị Tươi (46 tuổi, trú xã Ea Siên) kể: "Trước khi lấy chồng, tôi có rất nhiều người đàn ông theo đuổi. Thế nhưng vì duyên phận nên những tình cảm đó đành đứt đoạn trong luyến tiếc. Do vậy, vào mỗi mùa lễ hội Hảng Pồ, tôi và những người tình cũ lại gặp gỡ để trao cho nhau những câu hát đối đáp. Qua những câu hát ấy, chúng tôi hỏi nhau về hạnh phúc hiện tại. Đồng thời, cùng nhau hồi tưởng lại những tình cảm tốt đẹp đã từng có trước đó. Tất cả những điều đó diễn ra rất tự nhiên, trong sáng nên rất ít khi vợ, chồng hai bên tỏ ý ghen tuông...".

Với những ý nghĩa đẹp vốn lưu truyền lâu nay, lễ hội Hảng Pồ mỗi năm luôn là nơi đón chờ các cặp đôi đến gặp gỡ, giao duyên, hồi tưởng và kiếm tìm hạnh phúc.

Trịnh Thơ

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_162308_di-ti-m-mo-t-nu-a-trong-le-ho-i-ha-ng-po-.aspx